10 ngày diễn ra giải bóng đá thực sự là ngày hội với SV. Bên cạnh đội bóng, mỗi trường mỗi vẻ góp nhiều màu sắc cho giải đấu. Như CĐ FPT Polytechnic Đà Nẵng là đội có nhiều cổ động viên rực rỡ với trang phục cổ động chuyên nghiệp nhất. Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng) thuê cả đội media chuyên nghiệp để lưu lại những hình ảnh, khoảnh khắc đáng nhớ. CĐ Phương Đông Đà Nẵng cũng ưu tiên bố trí lực lượng trực tại trường, còn lại huy động đội ngũ giáo viên, cán bộ nhà trường đi cổ vũ các bạn SV.
Sân 11 người là sân chơi lớn đối với SV miền Trung, bởi các giải trước đây thường chỉ tổ chức ở sân 5 người, 7 người. Hình thức thi đấu mới, thời gian chuẩn bị chưa nhiều (chỉ hơn 2 tháng trong đó trùng dịp nghỉ tết), nhưng nhiều trường đầu tư thực sự nghiêm túc.
Trao đổi với người viết, đại diện một trường cho biết đã đầu tư khá nhiều công sức lẫn tiền bạc cho đội bóng để quyết đạt thành tích tốt nhất. Cũng có trường động viên thầy và trò, ban huấn luyện bám trụ tập luyện đến tận 27 tết mới về quê. Ngày đầu tiên năm mới trở lại sân tập, đích thân lãnh đạo nhà trường lì xì động viên đội bóng.
Dù không phải trường nào ở miền Trung cũng chi mạnh cho phong trào SV, vì điều kiện chưa bằng hai đầu đất nước. Tuy nhiên, đa phần các trường đầu tư nghiêm túc, cho thấy nhà trường đã thực sự quan tâm đến nguyện vọng SV và định hướng phát triển giáo dục bền vững.
Đây mới là năm đầu tiên của Giải bóng đá Thanh Niên SV VN, còn quá sớm để nói những điều lớn lao. Nhưng SV miền Trung và người yêu bóng đá toàn quốc có quyền kỳ vọng, sau cú phất cờ ban đầu cho thấy sự lan tỏa phong trào của Báo Thanh Niên, sẽ có nhiều cánh tay khác cùng đưa lên, để giải bóng đá SV thật sự hướng đến chuyên nghiệp, thêm một cái nôi đào tạo, cung cấp tuyển thủ cho bóng đá nước nhà, như những nền bóng đá phát triển khác.
Bình luận (0)