Săn chuột mùa nước nổi

07/10/2014 09:39 GMT+7

Hằng năm, cứ vào mùa nước nổi, người dân ở H.Phụng Hiệp (Hậu Giang) lại rộn ràng rủ nhau đi săn chuột đồng.

Săn chuột mùa nước nổi
Săn chuột đêm mùa nước nổi - Ảnh: Thiên Lộc

Nhà nhà săn chuột

Nghề săn chuột đồng phát triển mạnh nhất ở kênh 14, ấp 4 và ấp 6 (xã Hòa Mỹ, H.Phụng Hiệp). Cứ tầm 6 - 7 giờ tối, những chiếc xuồng ba lá gắn máy nối đuôi nhau làm vang động cả một đoạn kênh. Trước đây địa phương cũng có phong trào săn chuột nhưng chỉ vài ba người làm riêng lẻ, chủ yếu bắt để ăn, còn bây giờ người dân mấy ấp rủ nhau đi thành đoàn, ước tính có trên trăm xuồng.

Anh Nguyễn Văn Sửu, một tay săn chuột “thiện xạ” ở ấp 4, cho biết: “Nghề này chỉ hoạt động về đêm. Nếu gặp đêm mưa bão hay sáng trăng thì coi như thất thu. Muốn săn được nhiều chuột phải chịu khó cho xuồng chạy thật xa”. Để xuồng lướt trên dòng kênh giữa cánh đồng lúa vừa cắt xong, phát hiện có mục tiêu, anh Sửu bắt đầu gác máy, bật đèn trên đầu, mắt đăm đăm hướng về phía trước, giữ im lặng… Sau đó, anh nhẹ nhàng rút cây chĩa đặt sẵn bên mạn xuồng rồi phóng thẳng tới. Một tiếng “éc” vang lên nhưng anh chưa vội bắt. Anh nhanh nhẹn lấy cây chĩa thứ hai phóng tiếp, một cái “éc” lại phát ra. Thế là anh đã tóm cổ 2 con chuột trong nháy mắt. Cứ thế, anh tiếp tục quan sát, hầu như mỗi lần cầm chĩa lên là không trật phát nào.

Theo anh Sửu, chuột đồng rất nhát, chỉ cần nghe tiếng động hay tiếng người là biến mất. Người bắt phải nhanh tay lẹ chân mới tóm được chuột. Ban đêm rọi đèn không cần thấy chuột, chỉ cần nhìn hai mắt nó sáng lên là biết đang ở vị trí nào mà “hạ thủ”. Đi được một lúc, phát hiện có chuột chui vô hang, anh Sửu liền tấp xuồng lại, miệng giả tiếng kêu “éc éc” để dụ chuột bò ra, sau đó mới dùng chĩa đâm. “Người săn chuột thường sử dụng các loại chĩa 1 mũi, 2 mũi, 3 mũi. Gặp chuột lớn mình đâm chĩa 1 mũi có ngạnh, còn chuột nhỏ thì đâm chĩa 3 mũi không ngạnh”, anh Sửu nói.

Tháp tùng cùng anh Sửu, chúng tôi càng khám phá thêm nhiều điều thú vị. Thợ săn có người tay không mà vẫn bắt được chuột, có người theo dõi con chuột leo cây, chỉ cần đưa tay ra là bắt dính. Mới băng qua vài cánh đồng mà anh Sửu đã chất gần đầy khoang xuồng chuột, chuẩn bị quay về giao hàng. Lúc bấy giờ, quanh cánh đồng bao la, nhiều người vẫn đang miệt mài săn chuột. Thỉnh thoảng họ bơi lại gần, đèn bình sáng choang, chụm vào nhau vừa hút thuốc vừa giải lao, người này khoe số chuột vừa bắt được, người kia nói mới kiếm thêm được rắn, rùa… Cả nhóm nói cười rôm rả như muốn phá tan màn đêm tĩnh lặng.

Nuôi sống gia đình

Trong lúc nghỉ xả hơi, anh Nguyễn Văn Tâm, một thành viên của nhóm săn chuột, tâm sự: “Lúc trước mình đi cắm câu, đồng hết cá nên không đủ sống. Bây giờ chuyển sang nghề săn chuột thấy đỡ hơn nhiều. Không ngờ phong trào ai kiếm được 500 cái đuôi chuột sẽ được thưởng cái bình xịt 8 lít đã giúp mình trở thành một thợ săn chuột chuyên nghiệp, nuôi được cả gia đình”.

Chuột săn về có người bơi xuồng đến chợ Kinh Cùng hoặc Hòa Mỹ để giao hàng vào lúc nửa đêm, có người tự lột da mổ bụng trước khi giao cho bạn hàng. Cực khổ, gian nan là thế nhưng đêm đêm người dân vẫn miệt mài bắt từng con chuột để đổi lấy miếng cơm và lo cho con cái học hành. Nhiều người cho rằng nghề này dễ kiếm tiền, chỉ cần đầu tư một chiếc xuồng và chiếc máy nhỏ, sắm vài ba cây chĩa là mỗi đêm có thể kiếm từ 300.000 - 500.000 đồng, còn các tay “sát chuột” có thể thu vô bạc triệu. Tuy nhiên, cũng có người nói nghề này dễ ăn nhưng chuyện may rủi không biết đâu mà lường. Người săn chuột phải thức khuya dậy sớm, chịu cảnh mưa gió bất thường, lại thường xuyên gặp muỗi mòng, đĩa, vắt, rắn… nên không tránh khỏi tổn hao sức khỏe.

Ông Lê Hoàng Ba, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Mỹ, cho biết: “Trên địa bàn xã hiện có rất nhiều hộ tham gia săn chuột vừa giúp hạn chế được nạn chuột phá hoại mùa màng vừa tăng thêm thu nhập đáng kể cho gia đình”. 

Thiên Lộc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.