Tháng 4 đến tháng 6 hằng năm trở thành khoảng thời gian vàng đối với các “thợ săn” ve tại Bình Phước. Gọi “thợ săn” cho sang nhưng thực tế họ đều là những người có nghề nghiệp ổn định, chỉ tranh thủ làm thêm vào buổi tối (khoảng 18 giờ 30 - 21 giờ) nhưng thu nhập không phải là ít.
Mùa “ve sầu thoát xác”
tin liên quan
Kỳ thú tre khổng lồ
|
Càng vào sâu, chiếc xe máy của chúng tôi liên tục bị xốc lên xốc xuống liên hồi do đường đất đá gồ ghề. Lâu lâu lại có những “ổ voi” xuất hiện khiến chúng tôi phải khựng lại, tiếng xe máy sau đó rồ ga lấy đà cùng ánh đèn lấp lóe đã phá tan không khí tĩnh lặng nơi đây.
Trong màn đêm, thỉnh thoảng chúng tôi lại bắt gặp những ánh đèn pin trong các rẫy điều, cà phê của những “thợ săn” ve tranh thủ kiếm thêm khi trời vừa tối. Đi chung xe với tôi, anh Nguyễn Minh Tuấn (20 tuổi, ngụ xã Tân Phước, H.Đồng Phú) tâm sự: “Thường ngày, tôi đi làm rẫy và chạy xe ba gác kiếm tiền. Gần tháng nay, cứ tối đi làm về thì lại rủ mấy anh em đi bắt ve. Mỗi đêm cũng kiếm được khoảng 2 kg. Nếu may mắn hơn gặp đúng địa điểm, sau những trận mưa thì có thể gấp đôi luôn. Thu nhập cũng khoảng 300.000 - 600.000 đồng mỗi tối là bình thường”.
|
|
Những chiếc đèn pin nhỏ được cầm trên tay hoặc gắn trên đầu, chỉ cần lướt qua các gốc cây có khi cách xa cả chục mét cũng có thể phát hiện ra mục tiêu của mình rồi tiến lại gần, lấy tay bốc nhộng ve sầu bỏ vào thùng nước có pha với muối loãng.
Qua quan sát, ve từ dưới đất chui lên (nở ra từ ấu trùng) bám vào những thân cây rồi lột xác, phát triển thành con trưởng thành diễn ra khoảng 1 giờ đồng hồ.
Những con ve chưa lột xác thường có màu hơi vàng, 2 bên cánh chưa phát triển, mình chắc và đuôi bọng sữa. Trong quá trình lột xác, trên đầu của những chú ve sẽ có một vết xẻ dọc, rồi từ từ tự mình chui ra khỏi lớp vỏ cũ, lúc này 2 cánh cũng bắt đầu mở ra, màu sắc trở nên đậm hơn. Khi đủ già, chúng cất cánh bay lên những cành cây cao hơn thì lúc này rất khó bắt.
Có bao nhiêu cũng thu mua
|
Cùng nhóm có anh Phan Sỹ Ánh (ngụ P.Tân Phú, TP.Đồng Xoài) chỉ mới 31 tuổi mà có đến 6 năm làm “thợ săn” ve. Ánh cho hay món “ve sầu thoát xác” trước đây chỉ là món ăn chơi, thỉnh thoảng anh em rủ nhau đi bắt về làm mồi nhậu. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhu cầu người dân rồi hàng quán tìm mua ngày càng nhiều nên có rất đông người đi bắt ve sầu về bán lại cho nhà hàng.
Nói về kinh nghiệm “săn ve”, anh Ánh chia sẻ: “Nhiều năm đi bắt ve nên tôi biết được chỗ nào tập trung nhiều ve, chỗ nào ít. Có khi chạy 20 km hay 30 km để bắt ve là chuyện bình thường. Chịu đi xa, nhưng đổi lại thu nhập từ việc bắt ve cũng không nhỏ. Mỗi mùa (khoảng 3 tháng - NV) ít cũng được 15 - 20 triệu, năm nhiều có khi kiếm gần 30 triệu đồng. Tùy theo giá cả cũng như nhu cầu thu mua từng năm. Số tiền này cũng bằng 4 - 5 tháng lương công việc mình làm hiện tại, mà tối chỉ cần bỏ ra 2 - 3 tiếng đồng hồ”.
Theo một số thương lái ở Bình Phước, giá thu mua nhộng ve sầu dao động từ 170.000 - 220.000 đồng/kg (tùy loại). Anh Nguyễn Thành Đồng (ngụ P.Tân Thiện, TP.Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) - một người chuyên thu mua nhộng ve sầu, cho biết: “Ve sầu thoát xác làm được khá nhiều món ngon như ve chiên bột, ve xào sả ớt, ve chiên giòn… rất nhiều người ưa thích. Vài năm gần đây, nhu cầu người dân khoái khẩu món này ngày càng nhiều. Cũng vì thế mà nhiều người đi bắt ve ăn chơi chuyển dần thành những “thợ săn” chuyên nghiệp mang về bán. Có ngày chúng tôi thu về cả 50 - 70 kg nhộng ve sầu”.
Cũng theo anh Đồng: “Ngoài cung cấp cho các nhà hàng, quán ăn, anh còn bán online qua các trang mạng xã hội thì có cả những đơn hàng gửi “xuất ngoại” được hút chân không lên đến cả trăm ký/chuyến. Cho nên mặt hàng nhộng ve sầu này có bao nhiêu chúng tôi cũng gom hết”.
Ăn nhộng ve sầu bị nhiễm vi ký sinh, có thể gây tử vong
Theo bác sĩ Phan Thanh Dũng, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Bình Phước, bản thân nhộng ve sầu không hề có độc tố gây chết người. Nhưng do sống trong môi trường dưới đất lâu ngày nên rất dễ bị nhiễm vi ký sinh và nhất là các loài nấm ký sinh.
“Có một loài nấm có tên khoa học là gyrommitrin thường sống ký sinh trên thân ve sầu và có độc tố cao, cấu trúc của nó tương tự loài nấm độc. Độc tố của nó không bị phá hủy bởi nhiệt độ dù chúng ta đun nấu kỹ. Chính vì thế, nếu ăn phải nhộng ve có loài nấm này thì hậu quả hết sức khó lường. Ngoài ra có một số ấu trùng giống nhộng ve sầu nhưng hình dáng khác thường, trên đầu nhộng có từ 1 - 5 cọng râu và phần cuối hơi phình ra. Nếu chế biến thức ăn từ những con nhộng này thì dễ dẫn đến ngộ độc như nôn, ói, co giật chân tay, hôn mê sâu và nếu không cấp cứu kịp thời và điều trị đặc biệt thì tỷ lệ tử vong rất cao. Ngành y tế cũng khuyến cáo người dân tuyệt đối không ăn những ấu trùng lạ (không biết loài gì); không ăn ấu trùng đã chết, có hình dạng, màu sắc khác với tự nhiên; người dân nên loại bỏ thói quen thích ăn những thực phẩm lạ để bảo vệ sức khỏe của chính mình và gia đình”, bác sĩ Dũng nói.
|
Bình luận (0)