(TNO) Là người được nhận học bổng toàn phần của chính phủ Đức cho khóa học thạc sĩ Quản lý phát triển (2012-2014), Bùi Thị Minh Châu khuyên các bạn trẻ không nên rải hồ sơ ở nhiều nơi mà nên lựa chọn một số ít học bổng/khóa học để đầu tư tối đa.
(TNO) Là người được nhận học bổng toàn phần của chính phủ Đức cho khóa học thạc sĩ Quản lý phát triển (2012-2014), Bùi Thị Minh Châu khuyên các bạn trẻ không nên rải hồ sơ ở nhiều nơi mà nên lựa chọn một số ít học bổng/khóa học để đầu tư tối đa.
Bùi Thị Minh Châu
|
* Cơ duyên nào đưa Châu đến với học bổng toàn phần của chính phủ Đức cho khóa học thạc sĩ Quản lý phát triển? Châu đã chuẩn bị như thế nào để giành được học bổng này?
- Bùi Thị Minh Châu: Sau khi ra trường, mình may mắn có ngay công việc mình yêu thích tại một tổ chức phi chính phủ của Anh chuyên thực hiện các dự án giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở Việt Nam - The Christina Noble Children’s Foundation (CNCF). Hai năm đầu tiên được làm việc trong các dự án của CNCF đã giúp mình xác định được con đường sự nghiệp mà mình muốn theo đuổi: Trở thành một nhà quản lý các dự án phát triển chuyên nghiệp.
Lúc đó mình tình cờ đọc được thông tin về học bổng của chính phủ Đức (DAAD) cho khóa học cao học về Quản lý phát triển tại trường Ruhr-University Bochum (CHLB Đức). Mình thấy chương trình học rất phù hợp với nguyện vọng của mình nên đã quyết tâm dành ra một năm để chuẩn bị cho hồ sơ xin học bổng này.
Mình nghiên cứu rất kỹ trang web thông tin về khóa học và học bổng. Mình thường xuyên đến văn phòng đại diện của DAAD tại TP.HCM để tìm hiểu thêm thông tin mà trên web chưa rõ cũng như xin họ giải đáp trực tiếp các thắc mắc của mình. Có thể nói hồ sơ xin học bổng này là hồ sơ mình chuẩn bị kỹ nhất, sắp xếp trình tự và khoa học nhất có thể.
* Châu có lời khuyên nào cho các bạn trẻ Việt Nam cũng mong muốn được tham gia khóa học này?
- Bằng kinh nghiệm của mình, mình nghĩ các bạn trẻ hãy chọn một hoặc một số ít khóa học/học bổng mà mình thực sự quan tâm và đầu tư tối đa thời gian, công sức cho lựa chọn của mình. Đừng “rải” hồ sơ ở nhiều nơi với hy vọng khả năng thành công sẽ cao hơn, nhưng hồ sơ nào cũng “nhạt nhạt” và người xét chọn không được thuyết phục rằng bạn thực sự xứng đáng với học bổng mà họ cấp.
Riêng về hồ sơ xin học bổng, mình nghĩ các bạn nên đầu tư nhiều nhất cho Thư nguyện vọng (Letter of Motivation) và Thư giới thiệu (Letter of Recommendations).
* Khi đã nhận được học bổng sang Đức học và là người Việt Nam duy nhất tham gia khóa học, Châu có gặp khó khăn gì không và làm sao để khắc phục những khó khăn đó?
Châu đặt câu hỏi trong một hội thảo do DAAD tổ chức
|
- Giành được học bổng đã khó khăn, sang Đức học còn khó khăn hơn. Tháng đầu tiên khi sang Đức là tháng khó khăn nhất của mình. Lớp chẳng có ai là người Việt Nam ngoại trừ mình. (Nhiều khi mình thèm nói tiếng Việt kinh khủng!). Khoảng thời gian đầu mình thấy…bơ vơ, lạc lõng không chỉ vì sự khác biệt ngôn ngữ mà còn là khoảng cách văn hóa, khác biệt tôn giáo trong lớp học.
Các bạn trong lớp mình đến từ nhiều châu lục, với nhiều tôn giáo, nhiều nền văn hóa. Thử tưởng tượng mà xem, bạn sẽ được nghe gần 20 giọng phát âm tiếng Anh khác nhau: giọng Ấn, Anh, Đức, Philippines, Kenya, Swaziland..., lúc đầu mình nghe không rõ mà phải vừa nghe vừa đoán.
Mình nghĩ, một trong những nguyên tắc quan trọng giúp mình sống và học tập ở một lớp học cực kỳ đa dạng là: Chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt với một trái tim rộng mở. Và với nguyên tắc này, mình đã học hỏi được rất nhiều điều bổ ích và trưởng thành hơn nhiều sau 2 năm sống và học tập ở Đức.
Xin cảm ơn Châu đã dành thời gian chia sẻ.
Bùi Thị Minh Châu
Hiện là đại diện Hội Chữ thập đỏ Đức tại tỉnh Bình Định
Cựu sinh viên trường: Ruhr-University Bochum, Bochum, CHLB Đức |
Bình luận (0)