Sân khấu đông nghẹt khán giả

Hoàng Kim
Hoàng Kim
30/01/2023 11:09 GMT+7

Tết năm nay sân khấu thắng lớn. Rạp nào ở TP.HCM cũng kín ghế, thậm chí vé mua online trước cả tháng, nửa tháng.

Hầu như sân khấu nào cũng bán vé ngày 2 - 3 suất. Thời điểm nghỉ tết Nguyên đán sân khấu sôi động, bùng nổ đã bù lại cho một năm khá trầm lặng.

Kịch 5B cả năm xoay xở khá vất vả, chỉ nhờ ở vở thiếu nhi Bộ lạc nanh trắng hút khán giả trong ba tháng hè. “Bà bầu” Mỹ Uyên nhân đó dựng luôn vở tết cho thiếu nhi Đại náo thủy cung, không ngờ lại “thắng” gấp mấy lần.

Sân khấu đông nghẹt khán giả - Ảnh 1.

Vở Nghiệp quật của Sân khấu Thế Giới Trẻ mới ra lò đã đông nghẹt khán giả - Ảnh: H.K

5B thường xuyên xếp lịch diễn

2 suất sáng chiều mà khán giả vẫn xếp hàng ở phòng vé. Kịch thiếu nhi có lợi ở chỗ, khán giả thường mua 3 - 4 vé/lần, vì gia đình thường có ba mẹ và một, hai con. Vé bán đến đâu hết sạch đến đó.

Sân khấu Hoàng Thái Thanh đặc biệt ở chỗ các trường trung học mua “bao dàn” luôn 12 suất vở Trái tim oan khuất Bạch Hải Đường, diễn kéo dài cho tới tháng 3. Đạo diễn Ái Như nói: “Ngày tết các em được nghỉ học nên có thời gian đi xem, nhà trường đã đăng ký mua dàn từ tháng 10 năm trước, cho nên chúng tôi cũng nhẹ lòng. Còn các vở cũ vẫn xếp lịch bán vé cho khán giả khác, rất đông khách”. Và điểm đặc biệt nữa, xem Hoàng Thái Thanh toàn bi kịch, nước mắt, vậy mà người ta lại “chịu”. Ngày tết ai cũng thích hài, vui vẻ, chỉ riêng Hoàng Thái Thanh chọn vở bi, khán giả vẫn trung thành.

Sân khấu Phú Nhuận và Sân khấu Quốc Thảo cũng rất khả quan. Ngay cả với số lượng ghế quá ít, dù bán hết vẫn còn bù lỗ đôi chút, nhưng “ông bầu” Quốc Thảo vẫn vui. Anh nói: “Mình làm chuyện khác kiếm tiền bù vô. Miễn sân khấu sáng đèn là vui rồi. Mình theo nghề này thì không bỏ được. Mùa tết khán giả đi xem nhiều nhất, có cơ hội cho lớp trẻ biểu diễn, “lời lãi” là ở chỗ đó”. Sân khấu Minh Nhí cũng phải kê thêm ghế súp.

Thế Giới Trẻ và IDECAF năm nào cũng dẫn đầu lượng vé, và xếp lịch diễn dày đặc từ mùng 1 tới rằm. Năm nay ông bầu Huỳnh Anh Tuấn có thêm sân khấu mới là Nhà hát Thanh Niên lại càng hút khách. Kịch mục của các đơn vị này rất phong phú, ngay cả vở cũ dựng lại cũng còn ăn khách. Hỏi vì sao tình hình kinh tế có vẻ khó khăn nhưng lượng khán giả ngày tết vẫn không giảm sút, ông Huỳnh Anh Tuấn nói: “Tôi làm sân khấu mấy chục năm rồi, tôi thấy dân Sài Gòn rất mê xem kịch tết. Thành phần khó khăn là công nhân thôi, chứ đa số viên chức, người buôn bán vẫn mua vé nổi, và họ đi xem kịch tết như một nếp văn hóa quen thuộc. Mà tính ra, mỗi ngày trung bình 10 điểm diễn, mỗi điểm 300 - 400 ghế, nhân lên chỉ 3.000 - 4.000 người xem thôi, thấm gì so với 7 - 8 triệu dân”.

Sân khấu đông nghẹt khán giả - Ảnh 2.

Vở Em em chị chị của Nhà hát Thanh Niên đại diện cho nhạc kịch mùa tết này

Cải lương cũng đầy tín hiệu vui. Rạp Hưng Đạo (giờ là Nhà hát Trần Hữu Trang) và rạp Hồng Liên là lựa chọn tối ưu cho các ông bà bầu, vì giá thuê khá mềm so với các nhà hát lớn khác, số ghế cũng vừa vặn, diễn không bị loãng. Rạp Hồng Liên thì đoàn Huỳnh Long “đóng đô” với nghệ sĩ Bình Tinh đầy sức sống, mở bán 2 suất đã có khán giả mua ngay. Còn Nhà hát Trần Hữu Trang kín lịch cho tới rằm với các nhóm Gia Bảo, Chí Linh - Vân Hà, Vũ Luân, Trường Giang, Công Minh biểu diễn các vở tuồng cổ quen thuộc, vé bán cũng dễ. Riêng Nhà hát Trần Hữu Trang dựng Tuyệt tình ca là tuồng xã hội duy nhất trong tết, đã bán sạch vé trước tết. Tuyệt tình ca là vở nổi tiếng ngày xưa, khán giả rất ái mộ, và họ sẵn sàng đi xem lại với một ê kíp diễn viên trẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.