Sân khấu kịch nói: Diễn viên trẻ, bao giờ khởi sắc?

29/07/2006 14:25 GMT+7

Ánh đèn sân khấu vẫn hàng đêm rực sáng. Tuy nhiên, không như thời hoàng kim, kịch nói giờ đây chỉ hoạt động trong các nhà văn hóa, sân khấu nhỏ với số lượng người xem độ vài trăm. Diễn viên trẻ, gương mặt mới thì nhiều, nhưng "măng vẫn chỉ là măng". Và còn đó những băn khoăn chưa có lời giải.

Diễn viên trẻ: Sàng qua sàng lại...

Lúc mà điện ảnh nước nhà đang "thoi thóp", mỗi năm chỉ vài phim ra đời đặc biệt tập trung vào dịp Tết để bảo đảm doanh thu thì công nghệ làm phim truyền hình sitcom phả vào đời sống giải trí của công chúng hơi thở mới. Những bộ phim truyền hình do Nhà nước, tư nhân và cả nước ngoài liên doanh thực hiện đã nhanh chóng ra đời thỏa mãn cái thị trường cần. Hàng loạt hãng phim tư nhân với đủ chiêu tiếp thị, quảng cáo, thậm chí tạo cả scandal trước khi phim phát hành để tập trung sự chú ý của khán giả. Nhưng điều đáng quan tâm là rất nhiều phim truyền hình gần đây được nhận xét là không có bước đột phá đáng kể dù có tiền của và kinh nghiệm từ nước ngoài. Đa số các phim sitcom đều nhàn nhạt về nội dung, yếu tố nghệ thuật dường như mất hẳn và cũng chỉ là một vở kịch truyền hình có thêm phần ngoại cảnh...

Vậy đó mà mỗi năm cả nước có đến hàng mấy chục bộ phim truyền hình được sản xuất kéo theo nhu cầu tuyển dụng diễn viên rất cao. Các trường nghệ thuật không cung ứng đủ nguồn nhân lực nên nhiều đài truyền hình đã tổ chức thi tuyển. Rồi vội vàng đào tạo ngắn hạn (trung bình khoảng 3 tháng) nên kết quả là có rất nhiều gương mặt mới cho nghệ thuật thứ bảy nhưng quá ít người đủ tài năng để trở thành một Lâm Tới, Trà Giang hay như Hồng Ánh thời nay. Tương tự như điện ảnh, sân khấu kịch nói không thiếu dàn diễn viên trẻ, song để tìm một Ngọc Giàu, Hồng Vân, Thành Lộc, Việt Anh, Thanh Hoàng... thì thật khó.

Có thể kể ra hàng loạt diễn viên được khán giả biết đến qua nhiều bộ phim truyền hình được chiếu gần đây như Thanh Thúy (Vòng xoáy tình yêu), Hòa Hiệp (Nghề báo), Huy Khánh (Dốc tình), Trung Dũng (Đất trắng, Sương gió biên thùy, Ngọn nến hoàng cung, Dưới cờ đại nghĩa), Như Phúc (Hướng nghiệp, Cạm bẫy, Niềm đau chôn dấu), Tiết Cương (Bông dừa cạn, Hướng nghiệp)... Trừ Như Phúc nhảy thẳng vào điện ảnh sau khi đoạt giải nhất Triển vọng điện ảnh 1996 thì hầu hết những diễn viên trẻ đều tốt nghiệp trường sân khấu điện ảnh.

Hai thế hệ diễn viên Thanh Hoàng và Trung Dũng tại Sân khấu 5B qua vở Một người đi lấy chồng

Tại sao họ lại được khán giả biết đến từ phim truyền hình dù được đào tạo là diễn viên kịch nói? Hãy nghe Trung Dũng tâm sự: "Sau khi tốt nghiệp, lớp diễn viên trẻ chúng tôi không có cơ hội để thể hiện mình trên sân khấu. Và dĩ nhiên có được lời mời tham gia phim truyền hình chúng tôi đều thử sức". Trong khi đó thì Như Phúc rất đắt sô truyền hình nhưng vẫn thử nghiệm sân khấu qua vai Duyên trong vở Sống thử do Công Ninh đạo diễn. Như Phúc cho biết: "Vì quen với lối diễn xuất ngắt quãng của điện ảnh nên khi chuyển sang kịch nói, tôi gặp nhiều trở ngại, nhất là đài từ. Diễn sân khấu nhỏ là cơ hội rất tốt để trau dồi nghề nghiệp. Khác với điện ảnh, kịch nói tiếp cận rất gần với khán giả". Gặp Tiết Cương tại Sân khấu kịch Sài Gòn, anh cười thú nhận: "Tôi tốt nghiệp cả khóa diễn viên lẫn đạo diễn sân khấu nhưng không có cơ hội tung hoành nên cơ duyên đến được với điện ảnh trước, tôi không thể từ chối. Nếu không xã hội hóa sân khấu như hiện nay, lớp nghệ sĩ trẻ như chúng tôi làm gì có chỗ đứng".

Đạo diễn Công Ninh nhận xét: "Thời gian đầu các em chịu ảnh hưởng điện ảnh khá nặng, chưa nắm nhiều kỹ thuật diễn xuất sân khấu, nhất là về đài từ nên thể hiện nhân vật thường bị thô, cứng". Nhìn chung, trừ số ít từng là diễn viên sân khấu kịch nói trước khi thành danh nhờ phim truyền hình như Thanh Thúy, Huy Khánh, Hòa Hiệp... thì đa số các diễn viên trẻ khi quay lại với sân khấu đều gặp phải nhiều trở ngại về diễn xuất, lối thể hiện tính cách nhân vật qua đài từ, mạch diễn biến tâm lý nhân vật không bị chia cắt như diễn trước ống kính máy quay... Và để lớp nghệ sĩ này có cơ hội thành "quái kiệt" sân khấu có lẽ là ước mơ khá xa xôi. Có chăng phải mất một thời gian dài nữa.

Và nỗi niềm người trong cuộc

Với số lượng khán giả đến với sân khấu kịch nói khá "khiêm tốn" thì quả thật diễn viên cũng khó nhận thu nhập cao nếu không làm thêm nghề khác như MC, diễn viên phim truyền hình, thu video, thu đĩa... Để đủ sống, để tận dụng thời xuân sắc ngắn ngủi, các diễn viên trẻ đã ôm đồm quá nhiều việc. Họ không từ bỏ bất cứ lời mời nào cho dù làm MC truyền hình, chạy sô tấu hài, diễn viên phim sitcom đến cả quay video hài kịch. Hệ quả là họ không đủ thời gian nghiền ngẫm kịch bản, phân tích tâm lý nhân vật một cách đủ sâu, đủ thấm để thể hiện vai diễn như thế hệ đàn anh, đàn chị đã làm. Theo NSƯT Hồng Vân: "Tôi luôn tin tưởng vào thế hệ diễn viên trẻ. Tuy nhiên khác với thời chúng tôi, khi nhận kịch bản xong là về nhà nghiền ngẫm, không bị phân tâm bởi bất cứ yếu tố nào khác, nay các em có quá nhiều lựa chọn. Tôi không nói chuyện tiền bạc mà chỉ đề cập đến nghề nghiệp thôi. Nội chuyện tất bật với quá nhiều show như thế làm sao các em có thể tập trung hết sức cho vai diễn? Hệ quả là các em bị chia lửa, bớt đi tính đột phá, sáng tạo trong nghề nghiệp, đó là chưa nói đến một số em vừa có chút tiếng tăm đã cho mình là ngôi sao mà lơ là chuyện trau dồi nghề nghiệp".

Hữu Nghĩa, Bảo Châu trong kịch Xóm gà

10, 20 năm trước, một thế hệ vàng đã ra đời, làm nên diện mạo cho sân khấu kịch Việt Nam đương đại. Nay thì họ đã 40, 50 tuổi. Những gì họ thể hiện trong những vở diễn mà một thời khán giả phải rồng rắn xếp hàng mua vé vào xem như Tôi và chúng ta, Nhân danh công lý, Dạ cổ hoài lang... đáng để chúng ta - những khán giả - trân trọng. Tác giả vở kịch được báo chí khen ngợi rất nhiều, Dạ cổ hoài lang - nghệ sĩ Thanh Hoàng tâm sự: "Khi mà sân khấu được xã hội hóa, cơ hội cho mọi người nhân lên nhưng cũng triệt tiêu nhiều những sáng tạo mang tính thăng hoa trong nghệ thuật. Nghệ sĩ bị phân tán. Nhiều công ty tổ chức biểu diễn tư nhân ra đời. Đất diễn thì nhiều nhưng điều nghịch lý là không có vở hay. Đơn giản bởi tất cả đều chịu áp lực của thị trường, nơi khán giả quyết định sự sống còn của một đoàn hát. Và do đó khó có những vở mang tính kinh điển, khó có những kịch bản mang giá trị văn học cao, phản ánh đời sống qua lăng kính nghệ thuật một cách hoàn mỹ. Ai cũng nói nhưng không ai làm gì để vực dậy sân khấu kịch".

Những nghệ sĩ cả đời tâm huyết với sân khấu kịch nói đều chung nhận xét: để sân khấu kịch có được những vở diễn "tuyệt đỉnh" thì vai trò của Nhà nước không thể thiếu trong quản lý lẫn đào tạo. Cần hơn nữa sự đầu tư nghiêm túc của nhà nước không chỉ trong lĩnh vực kịch nói mà cả nghệ thuật cải lương, tuồng cổ. Nếu không, trong tương lai gần, các loại hình sân khấu này sẽ trở thành "di sản văn hóa" một thời của đất nước, để thế hệ sau muốn được thưởng thức thì xin mời vào... viện bảo tàng!

Nghệ sĩ Việt Anh:
"Chúng ta hiện đang thiếu dàn diễn viên đồng bộ. Xã hội, kinh tế, đời sống phát triển nhanh, sự tiếp nhận cái mới qua rất nhiều kênh thông tin đã khiến cho các diễn viên trẻ không đủ thời gian dành cho nghề nghiệp. Xã hội hóa sân khấu mở ra nhiều cơ hội hơn cho lớp trẻ nhưng cũng chính vì thế khiến họ nặng tính thực dụng hơn, thiếu dần sự lãng mạn cũng như tưởng tượng. Đó lại là điều cốt lõi mà một nghệ sĩ cần có để thăng hoa trong nghề nghiệp.

Ngày xưa, chúng tôi học bụng đói cồn cào. Thú giải trí duy nhất lúc đó là đọc sách. Nhờ vậy kiến thức được thu thập thêm để có thể lột tả nhiều tính cách nhân vật. Tôi nhớ gần hai mươi năm trước, chúng tôi chỉ có được sân khấu nhỏ ở 5B Võ Văn Tần, nhưng vẫn tạo nên nhiều vở diễn làm công chúng nhớ mãi. Lúc đó, sau đêm diễn, tôi, Hồng Vân, Quốc Thảo phải đi làm bồi bàn để kiếm thêm thu nhập. Tối về có nắm xôi cũng thấy ấm lòng. Giờ các em quá đầy đủ vật chất nhưng thiếu hẳn tài năng để tạo dấu ấn riêng".

Việt Anh và Hồng Nga trong vở Xóm gà

Đỗ Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.