Những ngày cận tết với người dân miền núi H.Quảng Trạch (Quảng
Bình) là những ngày băng rừng lội suối “tìm tết”, bởi giữa đại ngàn
Trường Sơn là nơi giúp họ cải thiện thu nhập từ việc khai thác lá rừng.
Lá dong và ống giang làm sợi buộc được bà Đàm Thị Huế (xã Quảng Kim, H.Quảng Trạch, Quảng Bình) chuẩn bị bán phục vụ tết - Ảnh: Ngọc Oai |
Băng rừng tìm tết
Đến hẹn lại lên, nhiều người dân ở hai xã Quảng Châu, Quảng Kim của H.Quảng Trạch cứ đến cuối năm thường đi khắp các vùng rừng núi, lặn lội trên các triền dốc ở núi Ba Rền (thuộc dãy Trường Sơn, phía tây Quảng Bình), kể cả sang sơn phận của tỉnh Hà Tĩnh để đem về những đọt lá xuân. Ngôi nhà ông Đàm Văn Trinh, ở xóm 1, thôn Trung Minh, xã Quảng Châu những ngày này đã thấy chật kín với những lâm sản phụ vừa được mang về từ rừng sâu. Đó là các loại như lá dong, lá chuối (gói nhiều loại bánh cổ truyền), ống giang (hoặc nứa, chẻ nhỏ làm lạt gói bánh)… được người dân tìm về.
“Nhờ mấy món hàng này mà nhà tui kiếm thêm bạc triệu vào dịp tết đó. Nhưng cũng cực lắm, rúc (len lỏi - PV) khắp núi rừng mới mong tìm được. Dân miền núi vậy đó, phải chịu cực mới mong đủ ăn mấy chú à!”, ông Trinh cười xởi lởi.
Còn tại nhà ông Chu Đức Thanh, thôn 3, xã Quảng Kim thì từ trong nhà ra ngoài sân thấy ngổn ngang những món hàng cho ngày tết, gồm lá dong, giang chẻ sợi, chổi rành, lá chuối…
Vợ ông Thanh, bà Đàm Thị Huế đôi tay bận rộn với việc gói những đọt lá dong, cũng nói vui: “Các chú thấy đó, tết của người ta cả đó chứ. Năm mô tết đến chân rồi mà nhà vẫn cứ bề bộn, tất bật quanh năm mong chỉ đủ cho con ăn học thôi!”.
Mấy ngày giáp tết những mặt hàng nhỏ này của vợ, chồng bà Huế lại rất đắt khách. Người bó chổi, người bó lá, sắp các ống giang chẻ sợi để đùm bánh chuẩn bị mang ra chợ bán cứ nhộn nhịp hẳn lên. Theo ông Thanh thì những thứ như ống giang chẻ sợi, cây chổi, lá chuối rừng người đi rừng gặp gì lấy nấy. Tuy nhiên mặt hàng “ăn” nhất vẫn là lá dong và lá chuối rừng. Lá dong và là chuối rừng thường được thị trường ưa chuộng hơn lá trồng ở các vườn nhà do lá rừng to, dày, khi dùng để gói bánh chưng, bánh dày màu cho bánh xanh và đẹp hơn. Trong các vùng phân bổ lá dong thì loại lá này ở núi Ba Rền được ưa chuộng hơn do lá rất xanh và cứng cáp. “Mùa này thường rét mướt nhưng chịu khó tí thì có đồng ra đồng vào tiêu tết. Có năm hàng hái không kịp bán đó”, ông Thanh cười kể.
Quà tết ở rừng sâu
Chúng tôi quyết định theo chân một số “tiều phu” bên dãy núi Hoành Sơn, nơi nhìn về phía biển có mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, rồi ngược Hoành Sơn, băng rừng “tìm tết”. Sau khoảng 2 giờ trong cái rét như cắt da, băng qua nhiều ngọn núi, chúng tôi cũng đến được đỉnh Ông Bô (xã Quảng Kim) - đỉnh núi cao nhất, nhì dãy Hoành Sơn này.
Từ đây, những người “bạn rừng” tản ra tìm “món quà” của rừng sâu. “Mấy chú đi đứng cẩn thận. Trời mưa rét đất đá trơn trượt rất dễ té ngã. Tụi tui quen đi rừng nhưng cũng không phải không có người bị trượt ngã về đón tết trong bệnh viện đó”, ông Đặng Thanh Trung, ở xã Quảng Châu, người làm “hoa tiêu” giúp chúng tôi khám phá chuyến đi hái lộc rừng, nhắc nhở.
Sau một hồi tìm kiếm ông Trung gặp được một vạt lá dong rừng xanh tốt. Ông Trung khẽ luồn cánh tay, khéo léo cắt nhẹ từng đọt lá, rồi vuốt ve cẩn thận đặt vào gùi mang, Cứ thế, gùi mang càng lúc càng đầy những lá rừng. Khi tất cả những gùi mang của các thành viên trong nhóm đã đầy lá rồi thì họ sẽ phân chia theo từng loại lá riêng biệt, sau đó mang giấu ở các khe suối để cho lá được tươi lâu. Những người thợ hái “lộc rừng” này cứ thế tiếp tục băng rừng lội suối để hái lá, có khi chuyến đi kéo dài 3 - 4 ngày họ mới trở về nhà với những gùi lá nặng trĩu.
Ông Trung cho biết thêm với những người dân ở gần núi thì lá sau khi hái được để ở khe suối cho xanh tươi. Còn những người ở xa vùng đồi núi thì sau khi khai thác dùng xe máy chở về nhà, để lá ở những nơi nào mà lá không bị hư đợi đến cao điểm mang ra chợ bán. Quá trình khai thác và bảo quản lá làm sao xanh tươi, thẳng, không toe rách, khi đó hàng mới “ăn khách”.
Ông Trung cho biết, so với lá chuối (mỗi xấp chỉ 10 - 15 ngàn đồng) và giang chẻ sợi ít tiền thì lá dong được chú ý hái nhiều hơn. Một người sau một chuyến đi rừng sẽ được 1.500 - 2.000 lá dong. Hái lá về đợi đến sau 20 tháng 12 (âm lịch) thì phân người ra các chợ trong vùng như: Ba Đồn, chợ Ròn, chợ Quảng Hợp, Quảng Kim bán với giá mỗi đùm 10 đọt từ 10 - 15 ngàn đồng.
“Một ngàn lá bán chừng 1 - 1,5 triệu đồng, xem như ngày công được khoảng 500 ngàn đồng, đó cũng xem như là quà tết rồi”, ông Trung cười nói.
Bình luận (0)