Săn 'lộc trời': Lội suối nhặt ốc, vào thủ phủ cá chình

30/11/2021 06:08 GMT+7

Để “săn” ốc đá và cá chình, 2 sản vật ngon bậc nhất ở núi rừng Quảng Trị, nhiều người không chỉ băng rừng lội suối mà còn cần có kinh nghiệm sinh tồn nơi rừng thiêng nước độc...

Một lon ốc đen, một đồng gạo trắng

Hai giờ sáng, trời tối đen như mực, bà Hồ Thị Thương (trú tại bản Xa Vy, xã Hướng Hiệp, H.Đakrông, Quảng Trị) lay các con dậy để chuẩn bị vào rừng bắt ốc đá. Họ cẩn thận kiểm tra đèn pin, đeo A chói lên vai, cầm chiếc A nuộc chuyên dùng để xúc ốc rồi tất tả lên đường. “Mùa này ốc đá xuất hiện nhiều. Nửa đêm, chúng chui ra từ hang hốc, bám vào tảng đá. Hễ thấy ánh sáng đèn pin, ốc vội co lại, rơi xuống nước. Mình chỉ việc lấy rổ xúc thôi”, bà Thương kể.

Bà Hồ Thị Thương đang chờ khách đến mua ốc đá

THANH LỘC

Thực ra, các con khe, con suối gần bản Xa Vy cũng có khá nhiều ốc đá, nhưng dân bản không ưa chuộng. Bà Pỉ Thơm, người hơn 10 năm gắn bó với nghề săn ốc đá ở bản Xa Vy, các con suối trong rừng sâu thường trong, sạch, ít bùn hơn nên ốc sinh trưởng tốt. “Vả lại, ốc ở đây thường dày ruột, có hương vị đặc trưng do ăn các loại rong rêu, lá, rễ cây rừng…”, bà Pỉ Thơm nói.

Mỗi năm, người vùng cao Quảng Trị chuyển sang kiếm sống vào ban đêm và chọn nghề “săn” ốc đá thường bắt đầu từ mùa hè, khi cái nắng bỏng rát khiến bước chân lên nương rẫy thêm nặng trĩu. Tất cả vì chuyện mưu sinh. Không chỉ những người già như bà Hồ Thị Thương, Pỉ Thơm mà các em nhỏ vùng cao cũng tranh thủ vào rừng săn ốc đá vào ngày nghỉ. Nhà ở bản Ba Ngào (xã Đakrông, H.Đakrông) nhưng em Hồ Khăm Rai và nhóm bạn vẫn cất công vượt 5 km đường rừng, lên đầu nguồn con suối

Ka Lu để tìm ốc. Dù mới học lớp 5 nhưng “thâm niên” vào rừng bắt ốc đá của Rai đã tròn 3 năm. “Đi bắt ốc thế này mệt nhưng cũng vui lắm!”, Rai hồn nhiên.

Thông thường, mùa ốc đá chỉ kéo dài trong 3 tháng, trọng điểm là tháng 5, 6, 7. Thế nên dân bản xem đây là nghề thời vụ, giúp cải thiện đời sống gia đình. “Buôn có bạn, bán có phường”, người dân ở các bản làng thuộc huyện miền núi Đakrông thường đi săn ốc theo nhóm. Trường hợp đi một mình có thể mang về nhiều “lộc rừng” nhưng khổ chủ sẽ chẳng biết kêu ai nếu gặp trường hợp nguy cấp. Mới đây, vì mải mê bắt ốc đá, anh Hồ Văn Hùng bị rắn cắn. Nếu không có mọi người kịp thời cõng từ rừng về trạm y tế, tính mạng đã bị đe dọa. Gắn bó với nghề săn ốc đá, ông Hồ Văn Phi (cũng ở bản Ba Ngào) đã không ít lần thót tim. Có hôm, do bám vào vách đá rêu phủ, ông Phi luống cuống tuột tay rơi từ trên cao xuống khiến chân bị bong gân, xây xước khắp người.

Ông Hồ Lữ, tay săn cá chình cự phách ở Đakrông, trong lần đi “săn” cá

Những tháng hè, dọc tuyến QL9, đoạn qua H.Đakrông, không khó để gặp hình ảnh phụ nữ, trẻ em vùng cao ngồi túm tụm bán ốc đá. Hầu hết người gắn bó với nghề săn ốc đá đều nghèo. Trước đây, họ chuyên bắt ốc để nấu với rau rừng ăn lót dạ. Từ ngày ốc đá được người Kinh ưa chuộng, món ăn thanh đạm ấy bỗng chốc trở thành “đặc sản” đối với bà con. Thành ra, sau khi săn ốc về, họ đều tất tả mang đi bán. Một người dân địa phương thổ lộ: “Mình ngồi bán cả ngày, đến khi nào hết ốc thì về nhà. Lúc bán ế mới nghĩ đến việc nấu ốc để ăn. Mỗi lần như vậy, bọn trẻ rất mừng vì có bữa “cải thiện”, nhưng vợ chồng mình lại… đắng ngắt vì chẳng biết nay mai cả nhà có gạo mà ăn hay không”.

Mỗi lon ốc chỉ tầm 10.000 đồng. Tiểu thương đến mua tận nhà thì giá ốc còn thấp hơn. Một số hộ dân chọn phương án trực tiếp “đem ốc đổi gạo” cho các cửa hàng trong vùng. “Thiệt một chút, nhưng mình chấp nhận. Chỉ lo đợt này hạn hán, vừa không có người đi rẫy, sợ mất mùa”, bà Hồ Thị Thương giãi bày.

Săn ốc đá không cần “đầu tư” vốn liếng, trang thiết bị, chỉ cần chịu khó chịu khổ. Độ thơm ngon của ốc đá mùi núi Quảng Trị có lẽ còn kết tinh từ giọt mồ hôi mặn chát của người vùng cao.

Cao thủ sát ngư ở “thủ phủ” cá chình

Khác với ốc đá chủ yếu đi tìm bắt, với cá chình muốn tóm được nó thì phải có nghề. Cá chình ngày nay không có nhiều ở các con suối gần, mà dạt lên thượng nguồn hiểm trở, nên không có nhiều người theo đuổi nghề. Sức lôi cuốn chỉ có thể đến từ… mức giá bán, 300.000 - 500.000 đồng/kg, thôi thúc nhiều người miền núi Quảng Trị luồn rừng lội suối.

Khách dừng mua ốc đá của các em nhỏ vùng cao

“Trên trời con vạc, dưới nước con chình”, cá chình suối từng được tôn vinh như thế. Ở Quảng Trị, huyện miền núi Đakrông được ví như “thủ phủ” cá chình với nhiều khe suối, thác ghềnh hiểm trở. Theo thời gian, qua lối đánh bắt tiêu cực như xung điện, thuốc nổ cùng với việc thủy điện ngăn sông chặn suối, loài cá chình trong tự nhiên ít dần.

Hồ Lữ, 49 tuổi, người Vân Kiều ngụ xã Đakrông (H.Đakrông) từ lâu nổi danh là tay thợ săn cá chình suối cự phách với 20 năm theo nghề. Những “ổ cá chính” như khe Chua (xã Đakrông), khe Chon (xã Húc Nghì), khe A Tang (xã A Vao)… đều có dấu chân Hồ Lữ. Các khe suối này đều rất hiểm trở với vô số hang đá, hố vũng sâu hoắm, nhưng ông vẫn bắt được cá chình nhờ thả câu hay lặn xuống hang dùng nỏ bắn.

Mỗi lần cuốc bộ vào rừng săn cá chình, có khi cả chục cây số, hành trang ông Hồ Lữ mang theo là con dao, đèn pin, cuộn dây câu và chiếc nỏ bắn tên. Đôi mắt của tay săn cá chình cự phách không bỏ qua những khe nước, hang hốc đáng ngờ. Muốn biết hang đá có cá chình hay không, chỉ có một cách lặn xuống và dùng đèn pin soi, nếu hang trơn láng, không rong rêu thì ắt có cá chình.

Xác định được hang có cá, Hồ Lữ mở ba lô lấy ra cuộn dây câu. Mỗi chiếc lưỡi câu được buộc chắc chắn bằng 2 sợi dây cước dài. Ông cẩn thận tóm lấy một con rết rồi móc lưỡi câu từ đuôi đến thân để làm mồi. Mồi câu thả lấp xấp trên mặt nước, dây cước buộc cố định vào thân cây hoặc những hòn đá lớn. “Cá chình rời hang tìm mồi, bơi trên mặt nước, vì vậy nếu đặt mồi ở tầng đáy thì cá chình không ăn mà những loài khác sẽ có một bữa ngon”, ông Lữ nói.

Cá chình sau khi săn bắt được rao bán ngay bên QL9, đoạn qua H.Đakrông

Sau khi đặt câu nhiều nơi, Hồ Lữ quay về, sáng hôm sau mới ra suối “thu hoạch”. “Ban đêm cá chình rời hang săn mồi và dính câu. Với cá chình, mùa lạnh chúng đói ăn và dễ mắc câu hơn mùa nóng. Là nói vậy, chứ mọi việc cũng… hên xui. Có lúc cũng tay trắng”, Hồ Lữ nói.

Cá chình sống ở thượng nguồn khe suối nên người đi săn thường đi dài ngày. Ban đêm, họ dựng lán và đốt lửa ngủ ngay bên bờ suối. Rừng sâu có nhiều hiểm nguy chực chờ. Rắn rít, vắt đỉa, thú hoang… Lại thêm mưa rừng dai dẳng, ám ảnh. “Nhiều khi đang lần dò bẫy chình mà gặp lũ trên nguồn đổ về, cố chạy bán sống bán chết để giữ cái mạng”, Hồ Lữ nói.

Ngày nay, khi đi trên tuyến QL9, thi thoảng bắt gặp cảnh bày bán cá chình bên vệ đường. Người ngồi bán đa phần là trẻ con. Mỗi con cá chình dù chỉ nặng 2 - 3 kg cũng thu về cả triệu bạc, đủ để ba mẹ đong gạo trong vài ba tháng giáp hạt…

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.