Để có hy vọng mùa xuân này...

Trần Thanh Bình
Trần Thanh Bình
13/02/2021 06:00 GMT+7

Giở lại những bức hình của các chuyến đi cứu trợ miền Trung, tôi không thể nào quên ánh mắt trẻ thơ, hay hình ảnh của mấy bà mẹ già vùng cao, đứng túm tụm hỏi han nhau chuyện nhà chuyện cửa.

1. Ba bà mẹ người Vân Kiều mà tôi ghi lại bức hình hôm ấy, có tên cúng cơm là Ten Mắt, Ten Bút và A Mốc ở bản 4, bản 7 và bản 5 của xã Thuận, H.Hướng Hóa, Quảng Trị. Một vùng cao đau thương khi những cơn lũ tàn khốc đổ về. Tôi gặp và hỏi đôi câu trước khi vào buổi phát quà hỗ trợ bà con, cả ba bà mẹ đều rưng rưng nói: “Lũ trôi hết, không còn gì nữa cả!”.
Trước đó, gặp Bí thư Huyện ủy H.Hướng Hóa Lê Minh Tuấn, anh tóm tắt sơ lược tình hình trong 10 ngày từ hôm bão lũ, nghe như trong giọng nói có len vào nỗi buồn, và vô cùng âu lo cho người dân những nơi còn bị chia cắt như các xã Hướng Việt, Hướng Phùng. Ròng rã con nước sông Đakrông cuồn cuộn bao ngày, là bấy nhiêu ngày các lực lượng ở huyện này, có sự tiếp sức của quân đội, công an, thanh niên xung kích lao vào cứu dân.
Người dân H.Hướng Hóa tập trung nhận hàng cứu trợ sau những trận lũ lịch sử tháng 10.2020 ẢNH: TRẦN THANH BÌNH

Người dân H.Hướng Hóa tập trung nhận hàng cứu trợ sau những trận lũ lịch sử tháng 10.2020

ẢNH: TRẦN THANH BÌNH

Biết bao sự kiện xảy ra, và biết bao câu chuyện tôi nghe được trên dải đất miền Trung, qua 3 chuyến đi từ tháng 10 vắt qua tháng 11, từ Hà Tĩnh vào đến Quảng Nam. Bầu trời trên đầu cứ xám xịt, lúc tạnh rồi lại cứ chực mưa, khiến cho những hy vọng về vài ba ngày nắng lên để cứu hộ các nạn nhân Rào Trăng (Thừa Thiên-Huế) hay Hướng Hóa (Quảng Trị), rồi đến Nam Trà My (Quảng Nam) chợt lóe chợt tắt. Những câu chuyện bàn luận trên các chuyến xe nghĩa tình đến với bà con, tựu trung cũng nói về thời tiết và sự mất mát, đau thương. Chẳng thể nào hiểu nổi vì sao thiên tai lại dồn dập đến nhường ấy. Sự nổi giận của biển trời trong năm Canh Tý thật lạ lùng. Chỉ trong vòng 40 ngày, biển Thái Bình Dương đã tụ hội và xốc vào đất liền 8 cơn bão và một dải áp thấp. Còn biển Đại Tây Dương, ban đầu các nhà khoa học hàng đầu thế giới về lĩnh vực khí tượng dự báo trong năm nay có 25 cơn bão, nhưng rốt cuộc là con số 30 cơn bão quái ác. Những dự báo ấy, thành ra khi đối sánh với thực tế diễn ra, bỗng trở nên... kỳ quái lạ thường, một sự kỳ quái của thiên nhiên!
2. Mưa lớn, kèm lũ. Và khi có bão, tất nhiên kèm mưa lớn. Vòng tuần hoàn khó lay chuyển ấy của tự nhiên từ bao đời nay, trong kinh nghiệm dân gian đã biết và đúc kết. Nhưng bây giờ, ít ai ngờ rằng dồn dập đến vậy.
Và vì dồn dập, nên gây ra cảnh tang tóc đau thương. Tôi đã viết bao nhiêu bài báo những ngày về với đồng bào miền Trung. Nhưng chẳng bao giờ nói hết được cái nghĩa tình truyền thống của một dân tộc, mỗi khi đối diện với mất mát, lại “bùng lên” dữ dội nhường ấy! Một dân tộc đã trải qua quá nhiều gian nan nên sự đùm bọc nhau đã thành như một nét quen thuộc, dĩ nhiên như nhiên, không cần bàn cãi.
Hàng chục triệu Facebooker đều hướng về miền Trung, đến nỗi mọi sự vui tươi khoe khoang trên “tường nhà mỗi người” như vốn dĩ lâu nay bỗng tắt ngấm. Trước nỗi đau đồng loại, nếu ai đăng lên một bức hình ăn nhậu linh đình hay viết một dòng trạng thái rộn ràng, bỗng hóa ra lạc lõng. Tôi, cũng như bao người con dân nước Việt, không ít lần nhắc bạn bè hoặc con cháu (hoặc được nghe nhắc) rằng hãy rút lại những lời vui tươi, những linh đình không phải lúc như vậy để tập trung hơn vào việc giúp đỡ đồng bào.
Trên Báo Thanh Niên, không dưới 3 lần phát đi lời kêu gọi. Mỗi đận lũ tràn về, ngập lụt chia cắt nhiều nơi. Mỗi lúc bão tố xốc vào, đẩy bao phận đời lâm cảnh màn trời chiếu đất. May mắn thay, mỗi khi như vậy, tòa soạn lại nhận được sự hưởng ứng của bao người, bao tổ chức và nhiều nhóm bạn trẻ. Họ đến và chia sẻ chân thành, hồn nhiên gửi trao những món tiền hoặc hiện vật, với vỏn vẹn một câu dường như cửa miệng, mà mỗi khi tiếp một bạn đọc nào đó, chúng tôi biết chắc chắn sẽ nhận được.
Đó là “nhờ báo gửi giùm đến bà con”.
Để rồi, như một mạch ngầm tinh khiết của lòng nhân, chúng tôi làm nhịp cầu nối hàng trăm chuyến cứu trợ. Và anh em phóng viên ở các tỉnh thành miền Trung ròng rã mấy tháng trời “chạy quên ăn quên ngủ”, khi nước còn ngập, nhà còn xiêu đổ, khi nhiều sinh mạng đã ra đi, nhiều người mạng sống vẫn như ngàn cân treo sợi tóc!
Ba bà mẹ Vân Kiều ở H.Hướng Hóa (Quảng Trị), từ phải qua là mẹ Ten Mắt, Ten Bút và A Mốc

Ba bà mẹ Vân Kiều ở H.Hướng Hóa (Quảng Trị), từ phải qua là mẹ Ten Mắt, Ten Bút và A Mốc

3. Tôi biết, mỗi cân gạo, thùng nước uống, món tiền nhỏ bỏ phong bì nhẹ tênh, chiếc áo ấm cho các em thơ, bình thường chẳng đáng là bao, nhưng trong những ngày ấy, nó mang một sức nặng tình người vô bờ bến. Nó khiến cho bao mẹ già ấm áp hơn khi nhìn vào căn bếp nước vừa rút ẩm ướt lạnh tanh. Nó khiến cho nụ cười thơ trẻ giòn vang hơn khi nhịp chân sáo đến trường. Và cao hơn tất thảy, những ấp ủ gửi trao của những người phương xa qua một tờ báo, đã hiện hữu rất gần trong mỗi gia đình ở vùng bão lũ. Đó chính là niềm ước ao của những người làm Báo Thanh Niên mỗi sáng khi giở tờ báo và thấy xuất hiện trên đó lời kêu gọi, và được bạn đọc đáp ứng góp sức chung tay!
Tính đến cuối tháng 12, qua 3 lần kêu gọi và vận động, Báo Thanh Niên đã tiếp nhận hoặc phối hợp với các tổ chức, cá nhân tổ chức cứu trợ đồng bào miền Trung bị thiệt hại do thiên tai bão lũ với tổng số tiền quà trị giá hơn 35,5 tỉ đồng. Công tác cứu trợ trải dài trong 3 tháng, kể từ ngày 11.10 cho đến 15.12, ở nhiều tỉnh, thành miền Trung. Sự phối hợp nhịp nhàng và hết sức tận tâm đã đem lại hiệu quả, giúp đỡ bà con rất nhiều địa phương, bằng tiền mặt, nhu yếu phẩm, thuyền bè, sách vở và đồ dùng học tập, thuốc men, nước uống, áo ấm, áo quần đi mưa chống rét cho các lực lượng cứu hộ giúp dân…
Từ những hành trình của lòng nhân ái ấy, chúng tôi mang ba lô lên đường đến với bà con những nơi bị thiệt hại do bão lũ, trên những cung đường vẫn mong mọi sự trở về như cũ. Hay nói cách khác, những hy vọng vào một sự yên lành đến với đồng bào mình, rồi sẽ đến. Niềm hy vọng ấy, tôi vẫn luôn nhớ, khi hỏi một bà mẹ quê ở xã Duy Phước (H.Duy Xuyên, Quảng Nam), có căn nhà bên dòng Thu Bồn dạo nọ, rằng nước đã rút rồi nhưng liệu có gieo sạ cho vụ lúa tới kịp không? Bà mẹ nhìn tôi hơi bất ngờ, và nói như thổn thức nhưng ánh mắt ngời lên một ánh tinh quang: “Chắc là kịp chú à. Mong rằng vụ mùa tới sẽ tốt tươi hơn!”.
Trên đường về, qua bao cánh đồng chân rạ vẫn còn xỉn màu vì ngập, nhưng đám mây trắng trên cầu Câu Lâu hôm ấy bỗng trắng xốp tinh tươm, như đất trời vẫn gieo cho lòng người bao hy vọng. Bỗng dưng một câu ca ập đến trong tôi, rất tự nhiên: Còn da lông mọc còn chồi nảy cây!
Tháng 12.2020
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.