Nghề săn nhum đặc biệt ở chỗ thường phải đi cả vợ lẫn chồng. Chồng lặn xuống bắt nhum, bắt được con nào, vợ trên bờ chế biến ngay tại chỗ con đó. Ở H.Đức Phổ (Quảng Ngãi), có những cặp vợ chồng chuyên đi săn nhum như thế.
Mưu sinh trong nước lạnh
Hơn 1 giờ sáng, vợ chồng anh Nguyễn Quang Thơ ở thôn Tấn Lộc, xã Phổ Châu (H.Đức Phổ) thức dậy sau giấc ngủ mỏi mệt. Anh chị ăn vội chén cơm cùng món mắm kho nấu từ đêm trước. Anh lúi húi kiểm tra dụng cụ bắt nhum, chị cho cơm và thức ăn vào hộp đựng dành cho bữa trưa rồi cùng xe máy rời nhà trong đêm tối.
tin liên quan
Đêm mưu sinh nơi đầm Lâm Bình"Sáng sớm nước biển lạnh lắm. Thấy ảnh ngụp lặn trong nước thương lắm, nhưng biết làm sao được? Để kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình nên vợ chồng động viên nhau gắng sức làm thôi!", vợ anh - chị Lê Thị Yến bộc bạch.
Những con sóng nối tiếp vờn đuổi nhau từ khơi xa vỗ vào bờ. Bóng dáng anh nhấp nhô, ẩn hiện giữa sóng nước, cách bờ chừng vài chục mét. Chiếc kính lặn giúp anh phát hiện nhum bám vào ghềnh đá đón bắt thức ăn là những loài tảo lơ lửng trong làn nước lạnh. Anh dùng móc sắt giật mạnh nhum rơi khỏi đá và nhặt lấy rồi ngoi lên bỏ vào rổ nhựa gắn phao nổi bồng bềnh trên sóng. Chiếc rổ đầy nhum được anh kéo bơi vào bờ trước nụ cười tươi của vợ.
|
Chiếc xe máy tàn tạ sau những chuyến đi lặn bắt nhum của vợ chồng anh Nguyễn Trực ở thôn Vĩnh Tuy, xã Phổ Châu (H.Đức Phổ, Quảng Ngãi). Những vùng biển: Tịnh Kỳ (H.Sơn Tịnh, Quảng Ngãi), Bình Châu (H.Bình Sơn, Quảng Ngãi), Nhơn Lý (TP.Quy Nhơn) và Cát Tiến (H.Phù Cát, Bình Định) là nơi vợ chồng anh tìm đến mưu sinh. Với độ sâu 2 - 5 m, gặp phải nước đục nhìn không rõ nên bắt nhầm nhum bắn gai tê buốt cả tay.
Anh Trực tâm sự: “Nghề này cực nhọc lắm chú! Dù trời nắng chói chang nhưng lặn trong nước lạnh nên da tím tái, lên bờ hai hàm răng va vào nhau liên hồi. Sau gần cả ngày ngụp lặn, tối về cơ thể mỏi nhừ nhưng hôm sau phải gắng sức dậy sớm để đi tiếp”.
Chuyến đi - về hàng trăm cây số mỗi ngày cùng việc lặn bắt, bổ đôi lớp vỏ, lấy thịt nhum đem lại cho vợ chồng anh Thơ trên dưới 800.000 đồng. Đấy là khoản thu nhập đáng kể của người dân quê ven biển Sa Huỳnh bốn mùa lộng gió. Vậy nên dẫu lắm nhọc nhằn vẫn có nhiều cặp vợ chồng mưu sinh với nghề lặn tìm nhím biển ghềnh xa. Nhưng có nhiều bữa vượt cả chặng đường dài rồi thẫn thờ nhìn biển nổi sóng dữ dội đành trở về trong nuối tiếc.
“Vào đến biển Nhơn Lý, Cát Tiến rồi trở về cũng gần 300 cây số chứ đâu phải ít. Nhưng gặp bữa sóng lớn đành phải chịu chứ biết làm sao được? Ai có gan xuống lặn cũng không thấy nhum để bắt, vì sóng lớn gần bờ làm nước đục ngầu”, anh Thơ nói.
|
Nức danh đặc sản
tin liên quan
Người miền Tây giữ biển Đông NamNhum còn được chế biến nhiều món ăn ngon và bổ dưỡng: nấu cháo, xào, nướng, tráng với trứng, thịt nhum tươi vắt tí nước cốt chanh ăn kèm với rau thơm..., đặc biệt là nhum ngâm rượu. Nhum bạc để nguyên con cho vào hũ rượu ngâm 2 - 3 ngày rồi thay rượu mạnh vào hũ. Thế là đã có được loại rượu cánh mày râu thường rỉ tai nhau là “ông uống bà khen”.
Chừng 20 năm về trước, biển Sa Huỳnh có khá nhiều nhum bám vào ghềnh đá gần bờ. Khi ấy, mỗi ngày anh Thơ lặn bắt trên dưới 8 kg nhum thịt, sau khi đã bổ đôi lớp vỏ. Thịt nhum được mẹ anh muối mắm rồi lội bộ gánh rong hàng chục cây số vào tận các huyện phía bắc tỉnh Bình Định đổi lương thực lót dạ qua ngày. Mỗi chén mắm nhum đổi được một lon gạo hoặc ít khoai lang hay củ mì. Giờ thì nhum ở vùng biển Sa Huỳnh thành thương hiệu đắt hàng đối với thực khách sành ăn. Thay vì đổi gạo như thuở trước, mỗi ký thịt nhum bán với giá 250.000 - 350.000 đồng, tùy từng thời điểm.
|
Anh Thơ cho biết: “Thời vụ lặn bắt nhum ở đây kéo dài từ tháng 2 - 8 âm lịch, cao điểm là tháng 3 - 6. Tuy vất vả nhưng đây là nguồn thu đáng kể để trang trải cuộc sống gia đình. Nhưng lượng nhum ở đây giờ giảm hẳn so với trước, ráng sức và may mắn lắm mỗi ngày cũng chỉ được 1 - 1,5 kg nhum thịt. Vậy nên tôi và nhiều người đến nơi khác để bắt được nhiều hơn, dù giá bán thấp hơn nhum ở biển Sa Huỳnh”.
Mắm nhum tiến vua thuở trước giờ theo chân Việt kiều và du khách đến tận phương trời xa. Do không đủ đáp ứng nhu cầu của “thượng đế” nên nhiều tiểu thương mua nhum bắt ở nơi khác rồi muối bán cho du khách. Loại mắm này đặc sánh và có màu vàng rất bắt mắt so với mắm nhum Sa Huỳnh với màu đỏ gạch và loãng. Dẫu sắc màu dân dã nhưng mắm nhum Sa Huỳnh đậm đà hương vị với giá bán mỗi lít 350.000 đồng.
“Không nên muối mắm nhum Sa Huỳnh lẫn với nhum nơi khác. Vì nếu muối chung mắm sẽ bị hư. Lúc bán, tôi luôn giới thiệu từng loại mắm cụ thể để khách lựa chọn chứ không lẫn lộn nên họ tin tưởng. Dẫu mỗi lít mắm nhum Sa Huỳnh giá cao hơn gần 100.000 đồng nhưng họ vẫn chọn mua. Dân ở đây nghèo thiệt chứ buôn bán đàng hoàng lắm để còn giữ uy tín làm ăn lâu dài”, bà Võ Thị Tuyết Mai (chủ quán Minh Mai) tâm sự.
Ông Nguyễn Hoành Sơn (chủ quán Biển Xanh) chỉ thu mua thịt nhum bắt từ vùng biển Sa Huỳnh "vì thơm ngon hơn hẳn nơi khác". Vậy nên, mỗi năm ông chỉ mua được hơn 200 kg nhum thịt để đáp ứng nhu cầu của thực khách và muối mắm bán dần.
Bình luận (0)