Các nhà mạng cho biết sẽ trình hồ sơ thí điểm ngay trong tháng 3 để sớm triển khai rộng rãi Mobile Money.
Mua mớ rau, con cá... qua điện thoại di động
Bà Lê Thị Vân (H.Thọ Xuân, Thanh Hóa) đang làm giúp việc tại Hà Nội mỗi tháng được trả lương 6 triệu đồng. Không có tài khoản ngân hàng (NH), bà tích cóp tiền hằng tháng để mỗi lần về quê đưa cho chồng và con út đang học cấp 3 chi tiêu. Khi được cho biết sắp tới có thể chuyển tiền trực tiếp cho chồng từ tài khoản di động, người phụ nữ hơn 50 tuổi này rất mừng. Không chỉ bà Vân, rất nhiều người dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa sẽ có thể chuyển tiền, mua bán qua Mobile Money mà không cần đến NH hoặc các bưu cục để gửi tiền.
Việc thanh toán được thực hiện khá thuận tiện, ngoài việc nạp/rút tiền mặt tại các điểm thanh toán, có thể qua ví điện tử/tài khoản NH. Đặc biệt, có thể chuyển tiền giữa các tài khoản Mobile Money của khách hàng trong cùng hệ thống của DN thực hiện thí điểm, giữa tài khoản Mobile Money của khách hàng với tài khoản thanh toán của NH hoặc ví điện tử. Hạn mức giao dịch không quá 10 triệu đồng/tháng với mỗi tài khoản Mobile Money.
Đại diện một nhà mạng cho biết, hiểu đơn giản về Mobile Money là người dân đi chợ mua mớ rau, con cá... không cần mang tiền mặt, mà thanh toán qua tài khoản Mobile Money với chính người bán hàng. Sự tiện lợi của hình thức thanh toán này hứa hẹn sẽ mang lại những thay đổi đột phá cho thanh toán không dùng tiền mặt, không chỉ ở khu vực thành thị mà cả nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
|
Nhà mạng “chạy đua”
Trao đổi với Thanh Niên, ông Bùi Sơn Nam, Phó tổng giám đốc MobiFone, cho biết sau hơn 1 năm “thai nghén”, các bước chuẩn bị về hạ tầng kỹ thuật để triển khai Mobile Money đã được nhà mạng này hoàn tất. MobiFone vừa được NH Nhà nước (NHNN) cấp giấy phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. “MobiFone sẽ hoàn thiện đề án chi tiết để gửi lên NHNN và các cơ quan liên quan trong tháng 3, sau khi được phê duyệt sẽ có các bước triển khai cụ thể”, ông Nam nói.
Trước đó, Viettel đã triển khai thử nghiệm thành công Mobile Money cho 40.000 khách hàng nội bộ, sẵn sàng cung cấp dịch vụ tới 100% khách hàng Viettel ngay khi được cấp phép. Với mạng lưới viễn thông phủ sóng toàn quốc, Viettel khẳng định đủ năng lực đưa Mobile Money tiếp cận đến cấp xã, phường.
|
Trước MobiFone, từ vài năm qua, VNPT và Viettel đã được cấp giấy phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Ông Nguyễn Sơn Hải, Phó tổng giám đốc Tổng công ty truyền thông VNPT (VNPT - Media) - đơn vị triển khai dịch vụ Mobile Money của VNPT, cho biết hồ sơ xin thử nghiệm dịch vụ sẽ được đơn vị này hoàn thiện để gửi NHNN ngay trong tháng 3. Ông Hải cũng khẳng định hạ tầng kỹ thuật đã thử nghiệm và sẵn sàng, ngay sau khi được cấp phép, VNPT sẽ cung cấp ngay dịch vụ Mobile Money tới người dùng.
Tập đoàn Viettel cũng cho hay đã sẵn sàng thử nghiệm dịch vụ và đáp ứng tất cả yêu cầu mà Quyết định 316 đề ra. Khách hàng có thể sử dụng dịch vụ Mobile Money của Viettel bằng cả thiết bị thông minh hoặc điện thoại 2G, dù không có tài khoản NH. Tập đoàn này đã có kinh nghiệm triển khai thương mại tại 6/10 thị trường quốc tế. Theo ông Phạm Trung Kiên, Tổng giám đốc Tổng công ty dịch vụ số Viettel, với Mobile Money, việc thanh toán, chuyển tiền, đặc biệt các giao dịch tiền lẻ hằng ngày, sẽ trở nên dễ dàng với người dân hơn bao giờ hết.
Bùng nổ thanh toán không dùng tiền mặt ?
Theo một nhà mạng, điều kiện cần của Mobile Money là giấy phép viễn thông và giấy phép trung gian thanh toán, song điều kiện đủ gồm nhiều yếu tố từ phương án kỹ thuật, nghiệp vụ, bảo mật... Vì vậy có thể các nhà mạng sẽ không được cấp phép đồng loạt triển khai, mà lần lượt cấp phép như từng diễn ra với mạng 5G.
Dù không có nhiều kỳ vọng vào doanh thu hay lợi nhuận lớn mang lại từ thị trường Mobile Money do giá trị thanh toán khá nhỏ (tối đa 10 triệu đồng/tháng/tài khoản), song theo ông Bùi Sơn Nam, bản chất của dịch vụ này không phải là câu chuyện lợi nhuận, mà là công cụ để hoàn tất hệ sinh thái số mà các nhà mạng đang triển khai.
Không nặng về bài toán lợi nhuận cũng là tâm lý chung của các nhà mạng khi triển khai Mobile Money. Mặt khác, Mobile Money có thể sẽ phải cạnh tranh với một loại hình thanh toán tương tự là ví điện tử vốn đã phát triển khá mạnh trong vài năm gần đây (như Momo, Moca, Payoo, Senpay, Zalopay...), bản thân các nhà mạng cũng đã có các ví này như VNPT Pay hay Viettel Pay.
Theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng NH BIDV, dù có áp lực cạnh tranh với các ví điện tử và một phần nào đó là NH, song cơ hội cho Mobile Money là rất lớn. Lý do tệp khách hàng của Mobile Money khác với NH vì giá trị thanh toán nhỏ. Một số ví điện tử đã triển khai thời gian qua, nhưng vẫn còn rất nhiều người dân chưa tiếp cận được với các dịch vụ thanh toán này, do ví điện tử vẫn cần kết nối với tài khoản NH. “Mobile Money sẽ hỗ trợ khả năng tiếp cận dịch vụ thanh toán, chuyển tiền cho các đối tượng vùng sâu, vùng xa chưa có tài khoản NH và ví điện tử”, ông Lực nói.
Bình luận (0)