Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) mới đây đã có thông báo yêu cầu các doanh nghiệp rà soát, gỡ bỏ thông tin rao bán các loại thiết bị gây nhiễu sóng, máy phá sóng, thiết bị kích sóng di động khỏi các website, ứng dụng thương mại điện tử.
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, đơn vị này đã nhận được công văn của Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ TT-TT) phản ánh về việc một số website đăng bán thiết bị gây nhiễu, phá sóng, thiết bị kích sóng điện thoại di động trên các website, sàn giao dịch thương mại điện tử không đúng quy định của pháp luật.
Cụ thể, tại khoản 1, điều 47, luật Tần số vô tuyến điện số 42/2009/QH12 ngày 23.11.2009 quy định: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được sử dụng thiết bị gây nhiễu để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, phòng ngừa ngăn chặn, đấu tranh làm thất bại hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Các cơ quan, tổ chức không thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, trong trường hợp đặc biệt cần thiết sử dụng thiết bị gây nhiễu phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép.
Ngoài ra, tại khoản 4, điều 13 Nghị định 96/2016/NĐ-CP ngày 1.7.2016 quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện quy định: Chỉ cơ sở kinh doanh thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an mới được kinh doanh thiết bị gây nhiễu, phá sóng thông tin di động.
Để ngăn ngừa việc gây nhiễu có hại tới mạng thông tin di động và thiết bị gây nhiễu (thiết bị phá sóng) không đúng quy định, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đề nghị các doanh nghiệp kiểm tra, rà soát và gỡ bỏ các sản phẩm vi phạm trên website và ứng dụng thương mại điện tử.
Các doanh nghiệp có ứng dụng, sàn thương mại điện tử triển khai các biện pháp kỹ thuật, nhân sự kiểm duyệt… nhằm ngăn chặn, loại bỏ và xử lý các sản phẩm vi phạm như đã phản ánh trên website và ứng dụng theo quy định.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số khuyến cáo, người dân, doanh nghiệp khi phát hiện các website bán sản phẩm vi phạm, phản ánh theo địa chỉ: Phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, 25 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội, điện thoại 02422205512 hoặc gửi email: qltmdt@moit.gov.vn.
Trước đó, tháng 11.2023, Báo Thanh Niên đăng tải loạt bài viết: Hiểm họa từ thiết bị phá sóng, kích sóng "lậu". Ở thời điểm khảo sát thực hiện tuyến bài, phóng viên Thanh Niên ghi nhận những thiết bị này được bán tràn lan trên các sàn thương mại điện tử: Lazada, Shopee...; một số cửa hàng tại Hà Nội hoặc đặt mua dễ dàng từ Trung Quốc chuyển về Việt Nam qua đường chuyển phát nhanh.
Tại Hà Nội, tình trạng người dân sử dụng trái phép những thiết bị này đã gây ra nhiều vụ can nhiễu làm tê liệt chìa khóa thông minh của xe máy, ô tô, điều khiển cửa cuốn... ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân ở khu vực xung quanh.
Khi phóng viên Thanh Niên đặt mua những thiết bị này và đo kiểm bằng thiết bị chuyên dụng tại Trung tâm tần số vô tuyến điện khu vực 1 (Bộ TT-TT), nhiều cán bộ kỹ thuật ngỡ ngàng khi chiếc máy phá sóng có thể vô hiệu hóa hoàn toàn tín hiệu wifi, bluetooth xung quanh.
Các chuyên gia khẳng định, cá nhân, đơn vị nếu tự ý sử dụng thiết bị phá sóng là hành vi rất nguy hiểm khi nó phá hết các dải tần, thậm chí là các dải tần thấp chỉ sử dụng cho những cuộc gọi báo hiệu sự nguy hiểm và cầu cứu cấp bách (SOS). Theo đó, ở nhiều quốc gia, sử dụng máy phá sóng là hành vi không được khuyến khích, thậm chí là hành vi bị cấm, vi phạm pháp luật.
Bình luận (0)