Săn tin thời @

02/02/2014 08:00 GMT+7

(TN Xuân) Trước đây, cứ mỗi lần đội tuyển bóng đá nào đó đi thi đấu nước ngoài, cá nhân tôi thấy rất… hãi do khâu lấy thông tin thật khó khăn. Nhưng hiện nay, nhờ có Facebook mà việc lấy tin tức vừa không tốn kém mà dễ dàng hơn khá nhiều.

(TN Xuân) Trước đây, cứ mỗi lần đội tuyển bóng đá nào đó đi thi đấu nước ngoài, cá nhân tôi thấy rất… hãi do khâu lấy thông tin thật khó khăn. Nhưng hiện nay, nhờ có Facebook mà việc lấy tin tức vừa không tốn kém mà dễ dàng hơn khá nhiều.

 
Minh họa: DAD

Tuyển VN sang Uzbekistan thi đấu lượt đi vòng loại Asian Cup 2015, tôi nhờ HLV tạm quyền Nguyễn Văn Sỹ “sang bển nhớ roaming” để tôi liên lạc. Ông Sỹ rất nhiệt tình và hôm đầu nhắn đi nhắn lại giúp chúng tôi có nhiều tin tức về đội, nhưng trao đổi kiểu này cũng khá bất tiện. Đến ngày thứ hai, khi chúng tôi xin ảnh toàn đội đến Đại sứ quán VN thắp hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhờ gửi qua mail, ông Sỹ hỏi tôi có dùng Facebook không? Dạ, có ạ. Thế thì tốt rồi, tôi up ảnh trên địa chỉ Van Sy Nguyen, nhớ là không dấu nhé, bạn cứ lấy mà sử dụng.

Kể từ đó, trước hay sau mỗi trận đấu, thấy tên của ông Sỹ trên “Face” hiện màu xanh xanh là mừng hơn bắt được vàng. Việc phỏng vấn trực tuyến giữa phóng viên và HLV được thực hiện qua chat.

Dĩ nhiên nội quy của đội rất nghiêm, không phải lúc nào báo chí cũng tự do phỏng vấn. Hơn nữa, múi giờ hai nước cũng khác nhau nên có bữa, ngồi chờ dài cả cổ. Tuy nhiên, dù sao, nhờ có Facebook mà toàn bộ hành trình của tuyển VN ở nước bạn đã được đăng tải khá đầy đủ trên Báo Thanh Niên. Cứ mỗi khi có bài viết mới, lại dán ngay đường link vào chat gửi cho “đối tác”. Cũng vẫn là chuyện của tuyển VN ở chuyến thi đấu này. Khi rời địa điểm tập huấn là Qatar sang Uzbekistan, đội di chuyển gần một ngày trời. Bởi thế, các phóng viên ở nhà cứ nhớn nhác hỏi nhau vì mất liên lạc với đội. Nhưng thật may, đến cuối giờ chiều, một số cầu thủ đã đưa ảnh lên Facebook cá nhân và một số tờ báo mạng đã có “bột” để “gột” nên tin đội tuyển bị “hành xác”.

Giới cầu thủ trong nước thì có lẽ Facebook của Công Vinh chắc có lượng “view” lớn nhất. Ngoài đời, anh rất chịu khó giữ gìn hình ảnh bằng cách tập luyện chăm chỉ còn trên “Face”, Vinh cũng rất giữ gìn hình ảnh bằng cách đưa những thông tin về hành trình chơi bóng tại Nhật Bản. Ở đó, Vinh bộc lộ không chỉ niềm vui, mà còn nỗi buồn, sự thấp thỏm, âu lo. Có khi chỉ là những status ngắn ngủi nhưng chứa đầy tâm trạng. Và không ít lần, báo chí đã đăng lại những dòng tâm trạng ấy.

Ngoài Facebook, còn nhiều phương tiện đắc dụng khác. Điển hình như ứng dụng Viber dùng trên điện thoại di động thông minh (smartphone) cho phép nhắn tin, điện thoại miễn phí qua internet. Chúng tôi và các đồng nghiệp ở nhiều tờ báo khác đã từng được... đọc tường thuật trận đấu của đội tuyển U.23 VN khi đội tập huấn ở Myanmar trên tin nhắn Viber mà người thực hiện là một quan chức của VFF. Một nhóm gồm nhiều phóng viên được lập trên Viber và diễn tiến trận đấu được mô tả sống động, kỹ càng. Cần ảnh có ảnh và muốn phỏng vấn gì thêm, thì gõ trên tin nhắn và đầu bên kia sẽ có phản hồi ngay. Còn nhớ, ngày bốc thăm các môn bóng đá SEA Games 27 đầu tháng 11, nhờ qua Viber mà chúng tôi đã được một số lãnh đạo đoàn thể thao VN tường thuật tại chỗ kết quả các bảng thi đấu của U.23 VN, của đội bóng đá nữ, của đội bóng chuyền… Cũng nhờ Viber, mà suốt thời gian Vinh thi đấu ở Nhật, tôi đã vài lần thực hiện phỏng vấn anh mà chẳng tốn một đồng điện thoại nào.

Trong thế giới phẳng, tất cả tiện ích đó đã đem đến những trải nghiệm mới cho cánh phóng viên thời @.

Lan Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.