Dù vậy, Apple vẫn có kế hoạch “không động thủ” lúc này, theo Bloomberg. Các nhà cung ứng cho hãng công nghệ Mỹ có ý định gắn bó với mô hình sản xuất hiện thời ngay cả khi thuế nhập khẩu mà Mỹ áp lên smartphone từ Trung Quốc tăng lên 10%. Tuy nhiên, trong trường hợp thuế quan tăng lên 25%, họ sẽ tái đánh giá lại tình hình.
iPhone, mặt hàng được lắp ráp phần lớn bởi đối tác của Apple là Hon Hai Precision Industry (Foxconn) ở Trung Quốc, là chủ đề chính trong cuộc chiến thương mại “ăn miếng trả miếng” giữa hai nền kinh tế lớn. Tháng trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với The Wall Street Journal rằng thuế quan có thể được áp lên smartphone và laptop làm tại Trung Quốc, quốc gia sản xuất đồ điện tử lớn nhất thế giới.
Apple từ lâu sử dụng nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới làm cơ sở sản xuất mọi thứ, từ iPhone cho đến iPad và laptop Mac. Chuỗi cung ứng của doanh nghiệp mở rộng ra hàng trăm hãng, với top đầu là những cái tên như Hon Hai và Pegatron.
Đối tác sản xuất của Apple phần lớn nghe nguyện vọng từ hãng Mỹ. Việc di chuyển nhiều phần của mạng lưới cung ứng rộng mà họ đang có sẽ khó khăn, và doanh nghiệp Mỹ dường như đang ở chế độ chờ đợi, theo dõi tình hình. Một đối tác Apple đã đề xuất chuyển sản xuất các sản phẩm ngoài iPhone đến nhiều địa điểm thay thế, song công ty Apple cho rằng hiện chưa cần thay đổi.
Mọi việc có thể sẽ khác nếu thuế quan leo thang. Washington và Bắc Kinh bắt đầu cuộc đàm phán thương mại khó khăn có thể giúp hai bên rút khỏi cảnh áp thuế lẫn nhau trong năm nay. Apple, doanh nghiệp đã chật vật vì hàng loạt bằng chứng cho thấy sản phẩm iPhone mới thất bại trong việc thu hút người tiêu dùng, khó có khả năng hứng chịu thuế nhập khẩu tăng vọt.
Theo nhà phân tích Amit Daryanani của RBC, thuế quan 10% áp lên phần cứng được bán ở Mỹ có thể khiến lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu của Apple giảm 1 USD, và Apple có thể gánh được chi phí. Kịch bản thuế quan nghiêm trọng hơn là 25% có thể dẫn đến mức giảm lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu là 2,5 USD.
Bình luận (0)