Sáng kiến của các tri thức trẻ góp phần đổi mới giáo dục

Vũ Thơ
Vũ Thơ
10/11/2018 17:51 GMT+7

14 tác giả, nhóm tác giả có công trình vào chung khảo Chương trình " Tri thức trẻ vì giáo dục " năm 2018 đã có những chia sẻ với lãnh đạo Bộ Giáo dục - Đào tạo về mong muốn của mình.

Sáng 10.11, lãnh đạo Bộ Giáo dục - Đào tạo đã gặp mặt 14 tác giả, nhóm tác giả có công trình vào chung khảo Chương trình "Tri thức trẻ vì giáo dục" năm 2018 do T.Ư Đoàn, Bộ Giáo dục - Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức. Cùng tham dự có anh Bùi Quang Huy, Bí thư T.Ư Đoàn.
Bày tỏ suy nghĩ của mình, anh Nguyễn Huy Du (Hà Nội), tác giả của sáng kiến "Đèn học thông minh The Smart Light công nghệ 4.0 (IoT)",  cho rằng cuộc thi là sân chơi trí tuệ dành cho thế hệ trẻ đóng góp cho giáo dục, trong đó có cả nhưng bạn trẻ còn đang là học sinh. Khi tham gia cuộc thi, anh cũng nhìn thấy khát vọng tìm tòi sáng tạo của các tri thức trẻ, đặc biệt là thầy cô giáo muốn đóng góp cho việc đổi mới giáo dục.
"Những công trình, sản phẩm của chúng tôi còn nhỏ bé, chỉ mới bắt đầu. Chúng tôi mong muốn được hỗ trợ từ ban tổ chức để có thể tiếp tục hoàn thiện sản phẩm của mình, có những cải tiến hơn để ứng dụng vào thực tiễn", tác giả Nguyễn Huy Du nói.
Cô giáo Dương Thị Thu Hà (Hà Nội), tác giả của công trình "Thiết kế thiết bị PSE giúp cho trẻ mắc hội chứng Down học đọc thông qua các các chủ đề của kỹ năng sống", cũng xúc động chia sẻ về quá trình sáng chế sản phẩm. Cô Hà cho biết, sản phẩm đã giúp những trẻ em đặc biệt dễ tiếp thu kiến thức. Đặc biệt, khi ứng dụng sản phẩm, trẻ đã hào hứng hơn với môn học.
Cô giáo Dương Thị Thu Hà và 2 học sinh cùng sáng kiến ra sản phẩm giúp trẻ bệnh down dễ tiếp thu kiến thức Ảnh Vũ Thơ
Cô Hà cho rằng, cuộc thi đã phát huy được sức mạnh, tâm huyết của giới trẻ. Lần đầu tiên cô tham gia cuộc thi, được ban tổ chức quan tâm, trân trọng và cô cảm thấy Đoàn Thanh niên đã mang lại cho cô một cảm hứng mãnh liệt để cống hiến. “Riêng vấn đề giáo dục, nếu mình có tâm thì ở đâu cũng được đón nhận, được giúp đỡ", cô Hà xúc động nói.
Học sinh Nguyễn Nga Nhi (Trường THPT Hà Nội - Amstedam), tác giả của công trình Toán tương tác, cũng xúc động cho biết, cuộc thi đã tạo sân chơi cho người trẻ. Nhi muốn mang ý tưởng của mình giúp các bạn học sinh học toán một cách dễ dàng như chơi và cũng muốn các bạn tạo ra được những mô hình học tương tác như mình.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng, cuộc thi đã giúp ngành giáo dục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo. “Trước cuộc cách mạng 4.0, nếu ngành giáo dục không đổi mới chắc chắn sẽ bị tụt hậu. Vì vậy, những đóng góp của thế hệ trẻ là yếu tố quyết định giúp ngành giáo dục thực hiện chủ trương này”, bà Nghĩa nói.
Cũng theo bà Nghĩa, các sáng kiến tham gia cuộc thi đều xuất phát từ thực tiễn, góp phần đổi mới phương pháp và sáng chế ra các công cụ giảng dạy, học tập, nghiên cứu hiện đại… Các công trình đều hiệu quả với giáo dục, Bộ Giáo dục - Đào tạo sẽ theo dõi, xem xét lựa chọn các sản phẩm phù hợp để ứng dụng vào thực tiễn.
Sẽ hỗ trợ để triển khai các đề tài
Tại buổi gặp mặt, ông Trịnh Văn Hào, Giám đốc Marketing Tập đoàn Thiên Long, cho biết ban tổ chức sẽ hỗ trợ các đề tài có tính ứng dụng để hiện thực hóa. Đồng thời, ông Hào cũng khẳng định sẽ tiếp tục triển khai chương trình trong thời gian tới và sẽ xem xét mời thêm các nhà đầu tư, công ty thiết bị giáo dục để đánh giá các công trình toàn diện hơn, thẩm định rõ về tính thương mại hóa của các sản phẩm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.