Sáng kiến hướng tới cộng đồng

27/04/2010 01:28 GMT+7

Chiều 26.4, tại nhiều địa điểm ở Hà Nội, gần 1.000 đại biểu (ĐB) đã chia thành các nhóm tham gia 8 diễn đàn thảo luận. Nhiều ý kiến tâm huyết của các ĐB đã hiến kế cho những chương trình, nhiệm vụ của Hội. >> Hừng hực Khát vọng tuổi trẻ \ Thăm nhà tưởng niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh \ Trại thanh niên ASEAN - Trung Quốc \ Tặng thủ đô 1.000 cây ngân hạnh \ Gặp mặt đại biểu thanh niên tiêu biểu VN ở nước ngoài

Xây dựng ý thức xanh

Bảo vệ mội trường là một trong những nội dung mà Hội LHTN các tỉnh, thành thực hiện thành công nhất trong nhiều năm qua.

Hành động của trẻ em kéo người lớn tham gia

 
 Thanh niên dọn dẹp vệ sinh dưới chân cầu Nguyễn Tri Phương, Q.8, TP.HCM - Ảnh: Như Thảo

Theo ĐB Mai Sơn - Bí thư Tỉnh Đoàn kiêm Chủ tịch Hội LHTN tỉnh Bắc Giang, hiện Bắc Giang đang làm tốt công tác bảo vệ môi trường là nhờ phối hợp chặt chẽ với ngành GD-ĐT trong việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho các học sinh từ nhỏ. Theo đó, học sinh trên địa bàn các xã trong tỉnh cứ hai tuần một lần lại thực hiện vệ sinh thôn xóm, địa bàn nơi mình sinh sống và tuyên truyền, vận động người thân không vứt rác bừa bãi gây ô nhiễm. Từ hành động thiết thực của các học sinh, Hội Nông dân, Hội LHPN và phụ huynh cũng bắt đầu hăng hái tham gia phong trào vệ sinh đường làng, ngõ xóm. “Việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường phải thực hiện đối với các em học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường để tạo thành nếp nghĩ, nếp sống. Chính việc làm có ý nghĩa của các em cũng tác động đến nhận thức rất lớn với bố mẹ, người thân và vô hình trung đã kéo người lớn cùng tham gia bảo vệ môi trường”, ĐB Mai Sơn chia sẻ.

* ĐB Nguyễn Ngọc Sơn (Bến Tre): “Chúng tôi huy động thanh niên tham gia vào các vấn đề nóng bỏng tại địa phương, chẳng hạn như: thành lập các đội thanh niên xung kích bảo vệ an toàn giao thông; các đội tuyên truyền phòng, chống tệ nạn xã hội...

* ĐB Dương Trương Ngọc Trân (Cần Thơ): “Thanh niên cũng mong muốn được tạo môi trường để hành động. Có rất nhiều bạn được cử đi học, đi đào tạo nâng cao nhưng khi trở về không được cơ quan tạo điều kiện áp dụng những kiến thức đã học vào công việc. Như vậy, chúng ta đang lãng phí chất xám”.

Ý kiến tại trung tâm thảo luận “Khi Tổ quốc cần - Thanh niên hành động”

Còn ĐB Chu Hồng Minh - Phó ban Thanh niên trường học Thành Đoàn Hà Nội - cho biết cuối năm 2009, Thành Đoàn Hà Nội đã phát động phong trào “Tôi yêu Hà Nội” và một trong 3 nội dung quan trọng của phong trào này là bảo vệ môi trường thủ đô xanh - sạch - đẹp. Mới đây nhất là cuộc vận động đi bộ vì một thủ đô không rác trong chương trình “Sức trẻ ngàn năm” do Thành Đoàn phát động được đông đảo người dân hưởng ứng nhiệt tình nhờ biết huy động các nghệ sĩ nổi tiếng có tên tuổi tham gia phong trào, kéo theo sự tham gia của nhiều người hâm mộ.

Đến từ Đắk Nông, ĐB Đặng Huy Toàn chia sẻ kinh nghiệm của chi đoàn, Chi hội thanh niên cơ sở xã Tân Thắng đã thực hiện tốt phong trào tình nguyện bảo vệ môi trường khi kết nghĩa với các chi đoàn trong khối doanh nghiệp tại KCN Nhân Cơ trên địa bàn xã. 

Gắn kết các hội thành viên

Lý giải vì sao phong trào an sinh xã hội tại Hà Nội thực hiện thành công, ĐB Chu Hồng Minh cho rằng, đó là do Thành Đoàn và Hội LHTN TP đã biết huy động, kết hợp các nguồn lực ở hội thành viên, từ vật chất, kinh phí đến nhân lực. Cụ thể, khi triển khai hoạt động tình nguyện, TP lên ý tưởng, kế hoạch đề án cụ thể, sau đó họp tất cả hội trực thuộc để phân công công việc cụ thể dựa trên thế mạnh của từng hội. Chẳng hạn, khi thực hiện chương trình tình nguyện chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Hội Thầy thuốc trẻ sẽ nhận nhiệm vụ thực hiện chính bằng kinh nghiệm chuyên môn của mình, còn Hội Dẫn chương trình trẻ sẽ tận dụng mối quan hệ cá nhân của mình để kêu gọi tài trợ vì họ đều là người nổi tiếng nên nhiều người biết đến, khả năng quan hệ và thuyết phục cao hơn. Hội Doanh nghiệp trẻ sẽ kêu gọi các thành viên trong hội tài trợ, hỗ trợ về kinh phí để phong trào được thực hiện thành công.

“Cách làm gắn kết các hội thành viên cùng chung tay vì mục đích tình nguyện chung này đem lại hiệu quả rất thiết thực cho các chương trình an sinh xã hội mà Thành Đoàn nói chung, Hội LHTN TP nói riêng phát động. Kinh nghiệm cho thấy, hoạt động nào xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của đời sống sẽ được đông đảo người dân đón nhận”, ĐB Minh đúc kết.

Không cam chịu đói nghèo

Tại diễn đàn “Thanh niên lập thân, lập nghiệp và hội nhập kinh tế quốc tế”, nhiều ý kiến đã tập trung vào việc hỗ trợ thanh niên lập nghiệp.

Dưới sự điều hành của anh Võ Quốc Thắng - Phó chủ tịch Hội LHTN VN, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ VN, các đại biểu (ĐB) đã tập trung vào nhiều nội dung thiết thực như: những yêu cầu để thanh niên VN hội nhập cùng thế giới; thanh niên cần rèn luyện những kỹ năng gì để lập thân, lập nghiệp; những đề xuất, giải pháp của Hội Doanh nhân trẻ VN trong việc giúp đỡ và hỗ trợ thanh niên trong quá trình lập thân, lập nghiệp và hội nhập kinh tế quốc tế...

 
 Thanh niên tình nguyện giúp người dân Quảng Nam dựng nhà sau bão lũ - Ảnh: H.X.H

Anh Mai Hữu Tín - Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ VN, khẳng định: “Hiện nay, giới doanh nhân trẻ VN là bộ phận tiêu biểu của thanh niên VN có trình độ học vấn, năng động sáng tạo trong lập nghiệp, có ý chí làm giàu cho bản thân, cương quyết không cam chịu đói nghèo, đã quyết tâm vươn lên lập nghiệp thành công. Nhu cầu thành lập doanh nghiệp, nguyện vọng muốn lập thân lập nghiệp của thanh niên là rất lớn”.

 
 Tặng quà cho gia đình chính sách - Ảnh: Lê Thanh

Còn Lê Việt Phương, ĐB đến từ Bộ Ngoại giao khẳng định: Trong tình hình hội nhập kinh tế thế giới đang diễn ra ngày một mạnh mẽ, chúng ta không còn bơi trong “ao làng” nữa. Chính vì vậy, muốn lập thân, lập nghiệp và hội nhập kinh tế quốc tế, mỗi người phải tích cực trang bị những công cụ tối cần thiết, đó là kiến thức về ngoại ngữ, kinh tế và pháp luật của VN và quốc tế. Có như thế, khi đàm phán, ký kết hợp đồng với nước ngoài chúng ta mới tránh được nhiều rủi ro. Việt Phương đề xuất cần tổ chức nhiều hơn nữa các nhóm, câu lạc bộ để các thành viên có điều kiện chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường hợp tác lẫn nhau để mở rộng thị trường.

Doanh nhân trẻ VN tại Ukraine - anh Đinh Tấn Hưng (Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần xúc tiến thương mại và đầu tư Á - u) cho biết: Những doanh nhân VN tại nước ngoài như anh rất mong muốn đóng góp bằng những công việc cụ thể để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước làm ăn với nước ngoài. Tấn Hưng đề xuất cần xây dựng nhiều chương trình giao lưu giữa các doanh nghiệp của người Việt trong nước và ngoài nước, với các doanh nghiệp nước ngoài để kết nối các đầu mối lại với nhau.

Khẳng định Hội Doanh nhân trẻ VN sẽ luôn sát cánh cùng với thanh niên để lập thân, lập nghiệp, ĐB Mai Hữu Tín cho biết: “Với hơn 8.000 hội viên (trong đó hơn 95% là doanh nghiệp tư nhân) và mạng lưới rộng khắp các tỉnh, thành, ngành..., Hội Doanh nhân trẻ VN cam kết sẽ hỗ trợ các thanh niên có nhu cầu thực tập và làm việc thực tiễn tại các doanh nghiệp. Hội sẽ xây dựng các chương trình đào tạo, tư vấn phong phú như: mở diễn đàn, qua mạng, qua truyền hình, qua hộp thư thoại... Hội cũng sẽ đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp cho các bạn trẻ.

T.Sơn - T.Hằng - P.Nguyên - N.Minh

* ĐB Ngụy Đình Phúc, Phó chủ tịch Hội đồng huấn luyện Hội LHTN tỉnh Kon Tum, cho rằng: Cần tăng cường tổ chức các lớp, khóa huấn luyện kỹ năng sống cho thanh niên. Các hoạt động này theo anh Phúc sẽ giúp thanh niên có bản lĩnh, tự tin qua đó khơi dậy tinh thần vì cộng đồng. Anh Phúc chia sẻ, chính nhờ tham gia các khóa huấn luyện mà trong trận bão lũ 2009 anh cứu sống được nhiều người và tài sản của nhân dân. Sau sự kiện này anh Phúc đã được T.Ư Hội LHTN VN trao tặng Cúp thanh niên sống đẹp 2009.

* ĐB Võ Ngọc Kiên (Hòa Bình) phát biểu: “Việc tuyên truyền, giáo dục thanh niên thông qua các hoạt động của Hội còn khá hình thức, khuôn mẫu, nội dung chưa được coi trọng. Chính vì những lý do này các hoạt động chưa thu hút được thanh niên, việc tập hợp thanh niên tại địa bàn gặp nhiều khó khăn”.

* ĐB Nguyễn Việt Hùng (Hà Nội) cho biết: Có rất nhiều vấn đề bức xúc, thiết thực cần được quan tâm liên quan đến “sống đẹp vì cộng đồng” cần được đưa ra một cách cụ thể. Một vấn đề nhức nhối hiện tại đó là văn hóa ứng xử nơi công cộng từ các hành vi tham gia giao thông, xả rác, chen lấn khi xếp hàng, vặt cây, hoa... của thanh niên rất cần sự chấn chỉnh. Anh Hùng góp ý, cần có những chiến dịch cụ thể như “Thanh niên và ứng xử văn hóa công cộng” để giáo dục cho thanh niên các hành vi ứng xử văn minh đặc biệt tại các đô thị. “Nếu tạo được sự thay đổi trong các hành vi này, chắc chắn hình ảnh của Việt Nam sẽ trở nên đẹp hơn trong mắt của du khách nước ngoài”, anh Hùng nói.

Ý kiến tại trung tâm “Thanh niên làm theo lời Bác, sống đẹp vì cộng đồng”

Vì hai tiếng Việt Nam!

...Khi tôi đến Nhật Bản học, điều mà tôi quan tâm trước tiên là tìm đến thư viện trường Đại học Kagawa, tôi đã choáng ngợp với một biển sách mà thiết nghĩ sẽ rất vất vả để tìm hiểu vì vốn tiếng Anh rất hạn chế của mình. Đến từng kệ, chọn những cuốn sách, tôi lật từng trang và từng trang, tìm kiếm xem có nhà khoa học Việt Nam nào được công bố ở các loại sách và tạp chí quốc tế hay không, nhưng thật đáng buồn, vì gần như không thấy tên những nhà khoa học Việt Nam xuất hiện trên các thông tin chính thống này. Lác đác một vài cái tên người Việt Nam; nhưng họ là những Việt kiều sống xa đất nước, trong đó có nhiều giáo sư nổi tiếng mà bây giờ tôi có dịp gặp họ tại Việt Nam như giáo sư K.Trần Thanh Vân. Từ những điều tai nghe, mắt thấy tôi nghĩ đến việc phải cố gắng học tập để đạt được những công bố như vậy, nhưng than ôi đây là một việc vô cùng khó khăn các bạn ạ...

Tôi học được nhiều ở các bạn sinh viên quốc tế cùng lớp và ở các giáo sư Oluf. L Gamborg (Mỹ), K.Trần Thanh Vân (Pháp) và Michio Tanaka (Nhật Bản), là những người đã cho tôi những kiến thức đầu tiên về viết báo tiếng Anh. Từ những thuật ngữ lạ lẫm, qua những lối diễn tả mộc mạc, ngây ngô khởi đầu của tôi đã được chỉnh sửa tận tâm bởi các người thầy đáng kính... Dần dần tôi tự tin hơn. Để có được công bố đầu tiên tại Mỹ trên đối tượng cây hoa Lily (năm 1998), tôi phải mất 2 năm để hoàn thiện bài báo khoa học này. Tôi hạnh phúc khi nhìn thấy nó được in trên một tạp chí có uy tín...

Điều tôi hạnh phúc lớn nhất trong đời là được nhà xuất bản hàng đầu thế giới Kluwer Academic Publishers mời tôi viết sách chuyên khảo, cuốn sách dày 530 trang mà tôi đã phải mất 3 năm để viết... Tôi đã viết 5 cuốn sách tiếng Việt về “Công nghệ sinh học thực vật” do nhà nước và các tổ chức khác đặt hàng.

Tên của tôi một ngày nào đó cũng sẽ bị lãng quên nhưng 2 chữ Việt Nam hiện hữu bên tôi trong địa chỉ làm việc in trên các tạp chí và sách quốc tế vẫn lưu giữ muôn đời. Nhiều nhà khoa học có thể chẳng thể nào đọc hay nhớ được tên tôi, nhưng với hai chữ Việt Nam thì họ có thể đọc và nhớ đến mà không thể nhầm lẫn được.

Tôi biết rằng cuộc sống hiện tại của chúng ta còn nhiều khó khăn, vẫn còn đây đó những mảnh đời bất hạnh, chúng ta hằng ngày phải đối mặt với những thách thức khắc nghiệt. Nhưng chúng ta hãy hát lên lời ca: “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà tự hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”.

Chúng ta hãy tin vào sức mạnh vĩ đại của dân tộc Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng một đất nước Việt Nam giàu đẹp và nhân ái, nếu mỗi người chúng ta đều nguyện sống hết mình chỉ vì hai tiếng Việt Nam!

Trích phát biểu của PGS-TS Dương Tấn Nhựt - đại biểu dự đại hội

T.Sơn - T.Hằng - P.Nguyên - N.Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.