Lễ thông xe 2 cao tốc được tổ chức tại 2 điểm cầu Thanh Hoá và Bình Thuận với sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó thủ tướng Trần Hồng Hà.
Với việc tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020, đoạn Mai Sơn - QL45 và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, cao tốc đã rút ngắn thời gian di chuyển giữa Hà Nội và Thanh Hóa còn 2 giờ, từ TP.HCM đi Phan Thiết cũng sẽ rút ngắn còn khoảng 2 giờ.
Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Mai Sơn - QL45 và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020.
Đây những dự án thành phần có quy mô lớn, có vai trò quan trọng trong hệ thống cao tốc Bắc Nam, kết nối các tỉnh miền Trung với thủ đô Hà Nội và các tỉnh Nam Trung bộ với TP.HCM.
Cao tốc Mai Sơn - QL45 dài 63,37 km, đi qua 2 tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa. Trong đó, đoạn qua tỉnh Ninh Bình dài 14,35 km, Thanh Hóa dài 49,02 km.
Giai đoạn 1 được đầu tư xây dựng quy mô 4 làn xe, rộng 17 m, vận tốc thiết kế tối đa 80 km/giờ. Tổng mức đầu tư hơn 12.111 tỉ đồng, trong đó chi phí xây dựng và thiết bị 7.684 tỉ đồng.
Giai đoạn hoàn chỉnh, cao tốc mở rộng 6 làn xe, nền đường rộng 32,25 m, vận tốc thiết kế 120 km/giờ.
Khi cao tốc Mai Sơn - QL45 đưa vào khai thác, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông tại phía bắc được nối thông từ Chi Lăng (Lạng Sơn) đến Thanh Hóa gồm các dự án thành phần Bắc Giang - Lạng Sơn, Hà Nội - Bắc Giang, Pháp Vân - Cầu Giẽ (đoạn giữa Hà Nội - Bắc Giang và Pháp Vân - Cầu Giẽ có đoạn nối từ cầu Phù Đổng qua cầu Thanh Trì đến Pháp Vân, vành đai 3 Hà Nội), Cầu Giẽ - Ninh Bình, Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - QL45.
Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây dài 99 km, đi qua 2 tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai. Trong đó, đoạn qua tỉnh Bình Thuận dài 47,5 km, Đồng Nai dài 51,5 km.
Đây là dự án duy nhất trong giai đoạn này được đầu tư cấp đặc biệt với quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, mỗi bên 1 làn dừng khẩn cấp, tốc độ thiết kế tối đa 120 km/giờ.
Tổng mức đầu tư 12.577 tỉ đồng. Điểm đầu dự án giao điểm cuối đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết ở H.Hàm Thuận Nam, Bình Thuận. Điểm cuối đấu nối tại km43+125 cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây ở H.Thống Nhất, Đồng Nai.
Khi cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đưa vào khai thác, các phương tiện ở TP.HCM xuất phát tại cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ thông suốt đến TP.Phan Thiết (Bình Thuận), rút ngắn thời gian dự kiến từ 4 giờ xuống còn 2 giờ.
Bình luận (0)