Một ngày tại trại huấn luyện chó của anh Huỳnh Thanh Long (Q.12, TP.HCM), chúng tôi được chứng kiến công việc của những chàng thanh niên với nghề nuôi, huấn luyện chó. 7 giờ sáng, cánh cửa trại nuôi chó mở ra, một mùi rất đặc trưng xông vào mũi. Khó thể hình dung được ngày nào 10 chàng trai tại trung tâm nuôi chó cũng chịu đựng cái mùi đặc trưng này để dọn chuồng cho mỗi chú chó.
Không đơn giản là vậy, trước khi dọn, những anh chàng “bảo mẫu” này phải kiểm tra thật kỹ phân của từng con. Theo anh Long, vì qua một đêm con chó rất dễ có những dấu hiệu bệnh, nếu không phát hiện sớm sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của nó.
Hôm chúng tôi đến, có một chú chó con bị bệnh, 2 ngày không ăn, sáng nay lại nôn trong chuồng nên Phan Văn Chiến (nhân viên) phải truyền nước biển cho nó. Truyền nước cho chó không dễ tí nào. Chiến phải ngồi giữ con chó trong suốt quá trình truyền. “Nếu bỏ ra thì con chó cựa quậy, vùng vẫy làm trật ven truyền và nước sẽ không truyền vào được. Ngược lại máu sẽ chảy ngược ra”, Chiến nói.
Đinh Hữu Hải là chàng trai chuyên lo bữa ăn cho chó. Sáng nào anh cũng dậy từ tờ mờ sáng để đi lấy thức ăn về chuẩn bị bữa ăn cho những chú chó. Sáng nay là đầu gà. Sau khi lấy từ chỗ đặt về, Hải tỉ mỉ ngồi rửa sạch từng cái. Thấy vậy, tôi không khỏi bật hỏi: “Sao phải kỹ đến mức này?”. Hải vừa nói vừa chỉ tay vào thau nước khử trùng đang ngâm bát ăn của chó: “Không rửa kỹ thì chó ăn dễ đau bụng lắm. Ngay cả bát ăn của chó cũng phải khử trùng”.
Thấy tôi chưa hết thắc mắc, Hải nói tiếp: “Chó này là chó nhà giàu, người ta thương chó như thương con. Mình nhận chăm sóc nó thì phải vậy thôi”.
Chờ nắng lên, 10 chàng trai, mỗi người phụ trách 10 con, sẽ cho từng con chó của mình đi tắm. Sau khi tắm là làm vệ sinh tai, miệng và chải lông. Mỗi công đoạn đều cần sự khéo léo, vì hầu hết những giống chó ở đây đều là chó quý. Lông thì mỗi ngày phải chải 2 đến 3 lần tùy theo loại chó. “Làm vậy lông sẽ đẹp và không bị rối”, Ngô Công Đại (nhân viên) nói.
Buổi sáng là khâu vệ sinh và cho chó ăn. Buổi chiều sẽ bắt đầu buổi dạy học cho những chú chó. Như thế cả ngày của những chàng trai tại trung tâm huấn luyện này đều gắn liền với chó.
Chó cũng phải… học
Chủ nhân của những chú chó này cũng xem chó của họ rất đặc biệt. Họ cho chó đi học như cho con đi học mỗi ngày. Sáng sáng lại đưa chó đến trung tâm, chiều lại đón về. Cũng có những trường hợp vì muốn con chó của mình được học bài bản hơn thì gửi chó tại trung tâm.
Hai anh Chiến và Đại truyền nước biển cho chó bị bệnh - Ảnh: N.V
|
Gặp anh Nguyễn Vũ Quảng (Q.12, TP.HCM) đến thăm chú chó gửi học “nội trú” tại trung tâm của anh Long, anh tâm sự: “Gửi nó đi rồi lại nhớ, mặc dù ở nhà còn có 2 con nữa. Nhưng cứ rảnh công việc lúc nào lại chạy qua nhìn rồi chơi với nó tí cho đỡ nhớ”.
Anh Quảng nuôi 3 con chó. Mỗi con anh gửi học 3 tháng với chi phí 15 triệu đồng. “Cho chó đi học thì nó sẽ ngoan hơn”, anh Quảng nói.
Còn với chị Nguyễn Thị Như Quỳnh (Q.7, TP.HCM) cũng cho chó đi học, chị nói: “Mình nghĩ rất đơn giản, người đi học thì chó cũng đi học”. Ngoài việc cho chó học ở trường chị còn mời thêm chuyên gia về dạy tại nhà. Chị thương chó đến nỗi chị hiểu được từng tính cách của mỗi con.
Chồng chị cũng rất thương yêu con vật này, khi con chó đầu tiên mà hai vợ chồng nuôi bị chết, họ đã hỏa táng rồi mang tro ra rải ngoài biển nơi anh công tác. Chồng chị quan niệm, khi còn sống ngày nào nó cũng quấn với mình thì lúc chết cũng muốn nó gần mình.
Ở trung tâm của anh Long còn có rất nhiều trường hợp: Lúc con chó còn nhỏ thì cho đi học, đến khi già, con chó mắc nhiều bệnh lại gửi đến trung tâm để có được sự chăm sóc tốt nhất. Một tháng chi phí tùy theo yêu cầu của chủ, có thể từ 3 đến 5 triệu đồng hoặc cũng có thể hơn.
Bình luận (0)