‘Sáng tác' thêm tiểu sử các lãnh đạo chủ chốt của Đảng

11/12/2020 10:18 GMT+7

Một số chi tiết trong sách cho thấy ban biên soạn đã "sáng tác" thêm vào tiểu sử các lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Cách mạng Việt Nam.

Các "sáng tác" này trong các cuốn Hoàng Quốc Việt tiểu sử, Lê Quang Đạo tiểu sử, Võ Nguyên Giáp tiểu sử… thuộc Chương trình sưu tầm tài liệu, viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng và cách mạng Việt Nam.

Đua nhau “sáng tác”

Trong cuốn Võ Nguyên Giáp tiểu sử, do PGS.TS Phạm Ngọc Anh (chủ biên) - Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật (2020) - viết về làng quê của Đại tướng Võ Nguyên Giáp như sau: “An Xá là một vùng đất có truyền thống hiếu học, khoa bảng và có lịch sử lâu đời của tỉnh Quảng Bình. Dưới chế độ khoa cử phong kiến, An Xá đã có 3 người đỗ đại khoa” (trang 18-19).

Những trang sách “sáng tác” tiểu sử nhân vật.

ẢNH: K.M.S

Tiếc rằng bạn đọc không thấy ban biên soạn cho biết cụ thể 3 người đỗ đại khoa ấy là ai? Ở đây còn cho thấy sức tưởng tượng của người viết hết sức phong phú, bay bổng nhưng lại không hiểu nội hàm khái niệm “đại khoa” là gì, thời phong kiến thi đỗ học vị nào được gọi là bậc đại khoa? Đại khoa là những người thi đỗ trong kỳ thi Hội thời phong kiến, qua thi Đình sẽ được xếp hạng: Tam khôi (Trạng nguyên, Bảng Nhãn, Thám hoa); Hoàng giáp và Tiến sĩ (thời Nguyễn chia thêm Phó bảng là bậc dưới Tiến sĩ). Trong lịch sử khoa cử phong kiến Việt Nam (1075 – 1919), làng An Xá không có ai thi đỗ Phó bảng trở lên, thì lấy đâu ra 3 người đỗ đại khoa?
Tác giả viết tiếp: “Ngày 28.1.1941, sau khi bắt liên lạc được với Trung ương Đảng ở trong nước, đồng chí Nguyễn Ái Quốc cùng Hoàng Văn Thụ, Vũ Anh, Phùng Chí Kiên trở về hoạt động trong nước”. (trang 102)
Các tư liệu lịch sử từ trước đến nay đều cho biết khi đồng chí Nguyễn Ái Quốc vượt cột mốc 108 từ Trung Quốc về Cao Bằng ngày 28.1.1941 thì không có đồng chí Hoàng Văn Thụ và đồng chí Vũ Anh đi theo. Chẳng hay, nhóm biên soạn có tư liệu mới phát hiện mà đông đảo bạn đọc chưa được biết tới? Mong nhóm biên soạn chia sẻ cho bạn đọc được tỏ tường về nguồn gốc của “phát hiện” mới này!
Trước đó, trong sách Lê Quang Đạo tiểu sử do PGS.TS Nguyễn Thị Kim Dung (chủ biên), Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật (2018), ban biên soạn viết: “Chỉ đạo phong trào tỉnh Bắc Ninh là đồng chí Trần Quốc Hoàn. Trực tiếp hoạt động ở Từ Sơn, Bắc Ninh là các đồng chí Phạm Văn Đông (Đồng), Kỳ Vân”. (trang 53-54)
Chúng tôi đối chiếu với các sách Lịch sử xã Đình Bảng xuất bản năm 2001, sách Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh xuất bản năm 1998 và sách Lịch sử Đảng bộ huyện Từ Sơn xuất bản năm 2004, cho biết, người chỉ đạo phong trào tỉnh Bắc Ninh thời gian này là đồng chí Lê Hoàng sau này làm Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên (1970-1976) và đồng chí Phạm Văn Đông, cán bộ Xứ ủy Bắc Kỳ.
Như vậy, không có chuyện đồng chí Trần Quốc Hoàn chỉ đạo phong trào cách mạng ở tỉnh Bắc Ninh năm 1939. Thêm vào đó, khi viết: “Phạm Văn Đông (Đồng), Kỳ Vân” khiến bạn đọc hiểu đây là hai người nhưng thực sự chỉ là một người. Đó là ông Phạm Văn Đông tức Kỳ Vân, chứ không phải Phạm Văn Đồng. Ông Phạm Văn Đông tức Kỳ Vân, sau này tham gia Biên ủy Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản).
Trang 35 sách Lê Quang Đạo tiểu sử còn viết kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia” khi cho “Đình Bảng từng là địa điểm Đề Thám đóng đại bản doanh để chỉ đạo vụ đầu độc ở Hà Thành”. Các tài liệu lịch sử cho thấy, vụ đầu độc ở thành Hà Nội năm 1908 là vụ mưu sát, binh biến trong hàng ngũ đầu bếp và binh lính người Việt.
Trước đó nữa, cuốn sách Hoàng Quốc Việt tiểu sử do TS.Phạm Văn Bính chủ biên, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật (2016), cũng “sáng tác” tiểu sử đồng chí Hoàng Quốc Việt. Cụ thể, trang 188 viết: “Nhận được tin báo có dấu hiệu Nhật sẽ đảo chính Pháp, nhạy bén với tình hình, ngay đêm 9 tháng 3 năm 1945, Tổng Bí thư Trường Chinh đã triệu tập Hoàng Quốc Việt về dự”.
Đây là “sáng tác” tiểu sử vì tháng 3.1945, ông Hoàng Quốc Việt còn hoạt động bên Trung Quốc. Chính trong sách này, ở trang 173 đã viết: “Cuối năm 1944, đầu năm 1945, Hạ Bá Cang với tên mới là Hoàng Quốc Việt sang Trung Quốc”. Đến trang 177 ghi: “Hai hôm sau, giữa tháng 3 năm 1945, Hoàng Quốc Việt được thông báo Trương Phát Khuê mời đến Bách Sắc”. Còn trang 186 viết rất cụ thể: “Cuối tháng 4 năm 1945, Hoàng Quốc Việt và đoàn lên đường về nước”.
Như vậy, trong thời gian tháng 3 năm 1945, đồng chí Hoàng Quốc Việt đang ở Trung Quốc cho nên không thể có chuyện tham dự Hội nghị mở rộng của Thường vụ Trung ương Đảng.
Ngoài ra, trang 230 cuốn sách Hoàng Quốc Việt tiểu sử, ban biên soạn còn đưa ra chi tiết: “Tại Răng-gun, đoàn đã tổ chức Phòng thông tin Việt Nam do đồng chí Trần Văn Luân phụ trách và dịch cuốn sách Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh để phục vụ công tác tuyên truyền đối ngoại”. Thực tế, cuốn sách này, đoàn ngoại giao mang đi là bản tiếng Pháp, chứ không hề có bản tiếng Việt. Trang 250 cuốn hồi ký Con đường theo Bác, đồng chí Hoàng Quốc Việt nêu rõ cuốn sách “viết bằng tiếng Pháp”.

Bìa sách Lê Quang Đạo tiểu sử, Hoàng Quốc Việt tiểu sử

ẢNH: K.M.S

Chủ biên "không liên quan sai sót"

Trao đổi với PV về những "sáng tác" trong sách tiểu sử đồng chí Lê Quang Đạo, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Dung người chủ biên cuốn sách cho biết, bà chỉ có trách nhiệm chủ biên, còn nội dung sách đúng hay sai thì các cơ quan như Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh, Bộ Tổng tham mưu và gia đình phải chịu trách nhiệm.
“Thứ nhất, tư liệu về gia đình tôi chuyển xin ý kiến của gia đình, của dòng họ và họ có ý kiến, họ phải đảm bảo độ chính xác.Thứ hai, hoạt động của địa phương ở Bắc Ninh, tôi gửi bản thảo xuống Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh để xin ý kiến. Họ sửa cái gì thì họ phải đảm bảo và họ có văn bản gửi cho tôi. Tất cả những sự kiện, tôi phải xin ý kiến thẩm định của tất cả các cơ quan liên quan và họ phải chịu trách nhiệm về những ý kiến của họ đưa ra, có văn bản, có dấu má các thứ. Em phải hiểu tôi là chủ biên chứ tôi không thể làm được tất cả mọi thứ. Em hiểu không?”, bà Dung nói.
Khi được hỏi những thông tin trong sách Lê Quang Đạo, người chủ biên có đảm bảo chính xác các thông tin không, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Dung trả lời: “Tôi không biết là nó chính xác hay không chính xác nhưng tôi phải xin tất cả ý kiến của họ và đề nghị họ phải đọc thật kỹ. Họ yêu cầu sửa cái gì thì tôi chỉnh sửa. Họ yêu cầu chưa đúng thì phải sửa. Có nghĩa là họ phải chịu trách nhiệm toàn bộ những cái đấy. Em hiểu không?”.
Còn GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Chủ nhiệm Chương trình Sưu tầm tài liệu, viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng và cách mạng Việt Nam, bày tỏ: “Tôi có nhắc anh em rồi. Sau đó anh em có nói lại những sách chưa in thì anh em sẽ so sánh với tài liệu để anh em chỉnh sửa, còn sách đã in rồi thì bây giờ chờ sửa chữa ở lần tái bản”.

Tác hại rất lớn đối với nghiên cứu lịch sử

“Điều tối kỵ nhất là viết sai lịch sử cá nhân, nhất là những yếu nhân của các tổ chức chính trị và đó lại là nhân vật làm nên lịch sử.Những sai sót này có tác hại rất lớn đối với nghiên cứu lịch sử vì đã làm cho người đọc hiểu sai. Khi đã hiểu sai sự kiện và nhân vật lịch sử thì người ta sẽ nghi ngờ các thông tin, làm giảm đi giá trị tin cậy của tài liệu”.

GS.TS Mạch Quang Thắng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

 

Qua đọc các sách Huỳnh Thúc Kháng tiểu sử, Nguyễn Văn Tố tiểu sử, Nguyễn Hữu Thọ tiểu sử, chúng tôi nhận thấy tình trạng tương tự: “sáng tác” tiểu sử cho nhân vật và viết sai tên người, sai tên địa danh, sai tên nhiều sự kiện lịch sử. Điều đáng nói là, với mỗi cuốn sách này, đều phải trải qua 2 khâu thẩm định chặt chẽ và nghiêm ngặt của Hội đồng khoa học; lại được cấp phép ở Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, vì sao lại để xảy ra những chuyện sai sót nghiêm trọng này?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.