Võ Thị Trúc Ly và Cao Tiến Trung, học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Bình Định đã dùng hạt chùm ngây để xử lý nước lũ thành nước sinh hoạt.
Trúc Ly và Tiến Trung với cây và hạt chùm ngây - Ảnh: Tâm Ngọc
|
Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng hạt chùm ngây để xử lý nước lũ thành nước sinh hoạt” của hai học sinh trên đã được giải nhì cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia 2015 (khu vực phía nam).
Làm sạch nước lũ
Trung kể: “Quê nội em ở thôn Vĩnh Đức, xã Ân Tín, H.Hoài Ân, nằm giữa hai con sông Lại và Kim Sơn. Mỗi mùa mưa đến, cả xã chìm trong biển nước lũ. Lũ rút, người dân không có nước sinh hoạt, đành phải dùng nước lũ có nhiều hợp chất độc hại và vi khuẩn gây bệnh về đường ruột. Chứng kiến điều đó, trong em đã ấp ủ ý tưởng tìm kiếm cách có khả năng xử lý nguồn nước lũ thành nước sinh hoạt, giúp người dân đỡ nhọc nhằn. Trong một lần về quê, em thấy dưới gốc cây chùm ngây gần nhà, nước chảy qua trong vắt trong khi xung quanh, cũng dòng nước ấy lại đục ngầu. Em đã tự hỏi: Phải chăng loại cây này có thể giúp lọc nước sạch?”.
Trung đem câu chuyện về cây chùm ngây nói với Ly. Với cả hai, đây là một câu hỏi cần có lời giải, tìm ra những nghiên cứu thuyết phục bằng các thí nghiệm khoa học để giải đáp thắc mắc. Với sự hướng dẫn và hỗ trợ nhiệt tình của thầy Hà Huy Giáp (Trưởng tổ hóa, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn) và ba của Trung (hiện là giảng viên dạy hóa của Trường ĐH Quy Nhơn), đề tài nghiên cứu của hai bạn trẻ về tác dụng của hạt chùm ngây được hình thành với những kết quả đầy thuyết phục.
Các hạt chùm ngây có chất lượng tốt được chọn ra, thu lấy nhân bên trong hạt, sấy nhẹ ở 40 - 70 độ C trong 24 giờ rồi đem nghiền nhỏ. Nhân hạt chùm ngây sau khi được xay nhỏ thành bột mịn dùng làm chất keo tụ trong nghiên cứu. Mẫu nước lũ được lấy ở 3 con sông: Lại, Tuy Phước và Hà Thanh. Nước lũ được cho qua lớp keo tụ là nhân hạt chùm ngây xay nhuyễn, lắng nước rồi lọc ra. Theo kết quả phân tích, mẫu nước sau khi lọc đã xử lý được gần như triệt để hàm lượng COD, Fe, Mn. Ngoài ra, việc sử dụng vật liệu từ hạt chùm ngây còn xác định được hàm lượng vi khuẩn Ecoli và Colifom trong mẫu nước lũ trước khi xử lý và có thể kháng khuẩn triệt để.
Hạt cây chùm ngây có tác dụng lọc nước lũ
|
Tự tin vào đại học
Không chỉ đạt giải cao về nghiên cứu khoa học, cả hai bạn còn đạt điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, đỗ vào Trường ĐH Y Dược TP.HCM với số điểm là 29,75 (Trúc Ly) và 28,75 (Tiến Trung). Võ Thị Trúc Ly khiêm tốn chia sẻ: “Có được kết quả này là nhờ các thầy cô ở Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, nhất là thầy Hà Huy Giáp, đã hết lòng dạy dỗ, hướng dẫn bọn em trong từng giai đoạn. Ngay như phần thuyết trình đề tài nghiên cứu khoa học trước hội đồng giám khảo bằng tiếng Anh của em cũng được sự động viên của thầy Giáp. Điều đó giúp em thêm tự tin hoàn thành tốt bài thi ngoài sức tưởng tượng”.
Với đề tài mà Ly và Trung đã nghiên cứu, cả hai cho biết không mong muốn gì hơn ngoài mục đích cuối cùng là vì sức khỏe của người dân vùng lũ sau mỗi đợt thiên tai. Đề tài này mang tính thực tế, ứng dụng cao mà giá thành lại rẻ. Bản thân cây chùm ngây là loại cây rất dễ trồng, dễ mọc, có thể sống được ở nhiều vùng với các loại thổ nhưỡng, khí hậu khác nhau. Ngoài hạt có tác dụng lọc nước lũ, lá cây chùm ngây còn được dùng để nấu ăn, nấu nước tắm rất tốt, có tác dụng làm mát gan, giải độc.
Trúc Ly tâm sự: “Sau cuộc thi, em thấy mình trưởng thành hơn nhiều. Hóa ra, làm nghiên cứu khoa học là đi theo và giải đáp những câu hỏi nảy sinh từ vấn đề mà đề tài đặt ra. Kiên nhẫn mày mò rồi cũng có kết quả. Cả em và Trung đều thấy tự tin hơn trong hành trang vào đại học sắp tới”.
... Đến lá khóm
Những lá khóm bị vứt bỏ ngoài đồng, 5 học sinh của Trường THPT An Lạc Thôn đã chế tạo thành sợi có thể ứng dụng trong ngành thời trang và thay thế bao bì ni lông.
Sợi từ lá khóm (đã nhuộm màu) có thể dệt vải, làm thắt lưng, bao bì... - Ảnh: Thanh Nhàn
|
Được sự hướng dẫn của thầy Nguyễn Ngọc Hải, 5 học sinh của Trường THPT An Lạc Thôn (TT.An Lạc Thôn, H.Kế Sách, Sóc Trăng) gồm: Lê Song Hồ, Trần Thanh Tú, Nguyễn Liêm Phúc, Ngô Tường Khánh, Mai Nguyễn Bảo Hân đã triển khai thực hiện đề tài: “Sợi thiên nhiên từ lá khóm”.
Lá khóm sau khi thu gom tại các nông hộ được nhóm học sinh này đem về rửa sạch, dùng chày đập dập hay sử dụng vi sinh vật phân hủy thịt lá, tỉ mỉ loại bỏ phần thịt lá, giữ lại các sợi. Sau đó, đem các sợi này ngâm qua dung dịch a xít axetic đến khi nào thấy trắng thì đem phơi nắng. “Mỗi ngày nhóm của em đem từng lá về nhà làm vì còn bận việc học ở trường. Để có màu đẹp, thầy Hải còn hướng dẫn đem sợi khóm ngâm với vỏ cây sắn (loại trái nhỏ, chín có màu đỏ nâu) ra màu đỏ nâu”, Song Hồ nói. “Sợi từ lá khóm chịu lực rất tốt. Nếu đem ngâm trong nước chúng cũng không nở ra. Vì vậy có thể dùng dệt vải, làm thắt lưng, dây thừng... Các sợi này rất mỏng, mượt nên dùng làm những bộ tóc giả cũng rất hay”, thầy Hải khẳng định.
Ngoài việc dùng làm nguyên liệu cho các ngành trên, tơ sợi từ lá khóm có thể dệt thành tấm vải sản xuất ra bao bì thân thiện với môi trường, trong khi các sản phẩm từ nhựa, ni lông, sợi tổng hợp khó phân hủy. Hằng năm, VN thu hoạch khoảng 600.000 tấn khóm và có đến 1,2 triệu tấn lá bị bỏ ngoài đồng. Nếu sử dụng khối lượng lớn lá khóm này sẽ tạo ra được nguồn nguyên liệu mới và làm thành những sản phẩm nói trên, giúp người trồng khóm tăng thu nhập.
Theo thầy Hải, để tạo màu cho sợi từ lá khóm, có thể dùng các màu tự nhiên như: màu đỏ nâu của vỏ sắn hoặc vỏ măng cụt, nhưng tuyệt đối không dùng hóa chất.
Với những ứng dụng thực tiễn, đề tài của nhóm học sinh Trường THPT An Lạc Thôn đã đoạt giải nhất tại Hội thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng Sóc Trăng 2015 và đề tài này đã được gửi đi dự giải toàn quốc. Bà Vũ Thị Hiếu Đông, Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Sóc Trăng, nhận xét: “Sợi từ lá khóm mang tính ứng dụng rất cao vì có nguồn gốc từ thiên nhiên. Tuy nhiên, các em chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu, còn việc đưa nó vào thực tế cần sự đầu tư, khai thác của nhiều đơn vị khác. Hiện chúng tôi đang hướng dẫn trường đăng ký bảo hộ bản quyền”.
Bình luận (0)