Không có gì là rác
“Quần áo cũ, tạp chí cũ, chai lọ thủy tinh hay các đồ vật bị hư hỏng sẽ là rác, nếu chúng ta có ý tưởng sáng tạo, biết cách tận dụng lại thì chắc chắn rác đó sẽ trở thành những sản phẩm vừa độc đáo vừa tiện dụng”, Lê Khôi, HS lớp 11 trường THPT Hàn Thuyên (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) bộc bạch. Chứng minh cho điều vừa nói, Khôi khoe hàng loạt sản phẩm mà mình tái chế được: những túi đựng dụng cụ học tập với nhiều ngăn đựng bút, thước kẻ… được kết lại từ những túi quần jean đã sờn màu; đồng hồ treo tường làm bằng… dụng cụ đánh trứng và vỏ hộp sữa bằng nhôm. Khôi đúc kết: “Không có gì là rác cả”.
|
Không chỉ riêng Khôi, mà hiện nay việc tận dụng những thứ tưởng chừng như vô dụng vì bị hư hỏng để sáng tạo, làm thành những đồ vật tái chế hữu ích đã trở thành xu hướng mới của nhiều bạn trẻ. Tâm Lan, nữ sinh trường THPT Hùng Vương (Q.5) kể lại, một lần tình cờ thấy mẹ đem bàn phím máy vi tính bị hỏng vứt vào thùng rác. Tâm Lan lóe lên suy nghĩ không được vứt bỏ vì không những lãng phí mà còn góp phần gây ô nhiễm môi trường, phải giữ lại để “làm thành cái gì đó”. Suy nghĩ, tìm ý tưởng, cuối cùng Tâm Lan cũng thực hiện được khung đựng hình ngộ nghĩnh không đụng hàng, viền khung hình được trang trí bằng những nút phím. “Nếu lúc đó mình không giữ lại, thì bây giờ nó đã là rác đang nằm ngổn ngang giữa những bãi rác rồi. Chỉ cần mình biết sáng tạo tí là có thể biến thứ vô dụng thành vật hữu dụng. Không có gì là khó tưởng tượng cả” - nữ sinh này trò chuyện. Cũng nhờ “bước ngoặt” này mà giờ đây, mỗi khi thấy đồ gì bị hư hỏng, sắp bị vứt đi là cô bạn lại suy nghĩ đến những sản phẩm sắp được tái chế thành.
Tương tự, cậu bạn Hoàng Long, SV khoa Môi trường, trường ĐH Sài Gòn cho biết: “Từ những rác thải hết sức bình thường trong sinh hoạt hằng ngày, chúng ta có thể tạo thành những vật dụng đẹp đẽ và có ích”. Chính vì thế mà chàng trai này luôn tranh thủ giờ rảnh, lang thang tìm đến những nơi đổ rác tại khu phố mình ở trọ với suy nghĩ “nhất định sẽ tìm được những thứ rác mà từ đó mình có thể thỏa sức sáng tạo”. Hiện, khắp phòng trọ của Long như phòng trưng bày những sản phẩm từ rác tái chế: gối ôm làm bằng quần áo cũ rách; mô hình máy ảnh làm từ lon bia…
Mở shop từ… rác
Tâm Lan kể, từ khi biết sáng tạo từ rác như vậy đã khiến Tâm Lan trở thành “người nổi tiếng” trong khối lớp 11 của trường. Bạn bè tỏ ra thích thú với những đồ vật được tái chế từ rác do Tâm Lan sáng tạo ra và luôn nhờ bày cách thực hiện. Hơn một năm nay, CLB Sáng tạo vì môi trường do Tâm Lan làm trưởng nhóm thu hút rất đông thành viên cùng tham gia. Qua đó cùng chung tay góp phần bảo vệ môi trường, tận dụng tối đa rác thải để tái chế thành những sản phẩm độc đáo.
Nói về bộ sưu tập sản phẩm tái chế của mình, Hoàng Long cho biết, bạn “để dành” dùng để tặng những người bạn thân mỗi khi đến dịp sinh nhật. “Mình tin rằng các bạn sẽ rất thích với những món quà tái chế độc đáo và thú vị này. Đã có nhiều bạn nữ “chết mê” với những vòng đeo tay, dây chuyền rất dễ thương được kết từ những mảnh giấy carton hay những kẹp tóc làm bằng nút áo”, Hoàng Long cười khoe.
Còn với đôi bạn thân Thu Thảo và Thu Thủy, SV trường ĐH Tài chính Marketing TP.HCM, mỗi khi sáng tạo, tái chế được vật dụng gì đó từ rác, các bạn chụp ảnh và đăng lên Facebook của mình để chia sẻ với mọi người. Được bạn bè khắp nơi thích và đề nghị được mua lại sản phẩm. Hai bạn mạnh dạn mở shop online chuyên bán đồ tái chế và luôn nhận đơn đặt hàng mỗi ngày. Thu Thảo bật mí: “Chúng mình không ngờ lại có thể kinh doanh từ… rác”.
Nguyễn Thanh Nam
Bình luận (0)