Sáng tạo và bờ tường

16/02/2012 03:05 GMT+7

TS Rita Colwell, Phái viên khoa học của Tổng thống Mỹ Barack Obama phụ trách khu vực Nam Á và Đông Nam Á, vừa tham gia buổi thảo luận tại Đại học (ĐH) Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. Nội dung xoay quay chủ đề kết nối chính phủ, doanh nghiệp và trường ĐH trong việc nghiên cứu đổi mới phục vụ phát triển đất nước.

Theo bà Colwell, việc chính phủ cùng doanh nghiệp tham gia kích thích, khai thác khả năng sáng tạo của sinh viên, chuyên gia tại các ĐH đóng vai trò then chốt trong sự phát triển quốc gia. Tuy nhiên, cần tạo ra những sinh viên, chuyên gia giàu khả năng sáng tạo ngay từ sớm, trước khi họ đặt chân vào ngưỡng cửa ĐH. Vì thế, chính phủ Mỹ và nhiều doanh nghiệp nước này từng thực hiện không ít chương trình khuyến khích sáng tạo từ bậc tiểu học đến trung học.

TS Colwell không chỉ đảm nhiệm vai trò phái viên chính phủ mà còn là giáo sư tại ĐH Maryland và Johns Hopkins, đồng thời trực tiếp điều hành Công ty Canon US Life Sciences. Nói một cách khác, TS Colwell tham gia đầy đủ trong cả 3 phía: chính phủ, doanh nghiệp lẫn ĐH nên những chia sẻ của bà chắc chắn có ích cho sự phát triển của chúng ta.

Để làm được điều mà TS Colwell chia sẻ, chúng ta cần có một tư duy giáo dục tốt trong các cấp quản lý của ngành này. Những người làm giáo dục cần hiểu được nền tảng thực sự của ngành là tạo ra môi trường cởi mở để học sinh phát huy tất cả khả năng vốn có. Thành tích đúng nghĩa của giáo dục không phải bao nhiêu học sinh giỏi, tỷ lệ đỗ ĐH cao mà là nhà trường cần đào tạo ra những người đủ sức đóng góp cho sự phát triển. Tiếc thay, đã có lúc chúng ta luẩn quẩn trong một tư duy khép kín với mớ thành tích nhùng nhằng.

Trong lần về thăm quê Quảng Ngãi mới đây, người viết không khỏi ngạc nhiên khi thấy ngôi trường chuyên, niềm tự hào của tỉnh, kín đáo quá mức. Toàn bộ các khe hở trên bờ tường cao đều bị lấp kín bằng xi măng. Một vài giáo viên cho biết nhà trường làm thế để ngăn không cho học sinh thò tay ra ngoài mua hàng rong, làm mất mỹ quan. Thế nhưng, ngôi trường vẫn cần có một không gian cởi mở tượng trưng cho môi trường giáo dục tiên tiến. Trong khi đó, không gian cởi mở, rộng thoáng là điều mà nhiều trường ở các thành phố lớn mong mỏi nhưng chưa có được vì điều kiện giới hạn.

Ví dụ trên được nêu ra để thấy rằng tư duy giáo dục tốt phải bắt đầu từ những điều nhỏ nhất. Muốn như thế, chúng ta cần phải có một đội ngũ nhân lực tương xứng, có tư duy giáo dục hiện đại. Nếu không, việc kiến tạo khả năng sáng tạo cho học sinh sẽ bị vây trong những bức tường vô hình vì thiếu tư duy đúng đắn.

Ngô Minh Trí

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.