Dù cho có hàng chục ngàn định nghĩa khác nhau được gọi theo phương diện rộng hay hẹp về văn hóa nhưng bao trùm tất cả, văn hóa chỉ có giá trị khi đặt trong tương quan với văn minh; đặc biệt là khi chúng ta xem xét chủ thể văn hóa ở đây là cấp độ Văn hóa Quốc gia - Văn hóa Dân tộc. Luận điểm này đưa đến hai kết luận quan trọng.
Một là, nội hàm bản chất và toàn vẹn nhất của văn hóa cũng phải đồng dạng với các đặc tính của văn minh hoặc để kiến tạo văn minh. Đó là sự toàn vẹn và đầy đủ của hệ giá trị Chân-Thiện-Mỹ tuần hoàn. Nói cụ thể hơn, văn hóa phải mang tính khoa học, tính thực tế, tính hiệu dụng; văn hóa phải chứa đựng đầy đủ các giá trị đạo đức, luân lý, nhân văn, nhân bản, nhân sinh và kể cả môi sinh; văn hóa phải chứa đựng đầy đủ các giá trị của cái đẹp trong nghệ thuật, giải trí, các hoạt động cộng đồng của con người cho đến mối tương tác của con người với tự nhiên. Các định nghĩa được coi là hẹp của văn hóa hiện nay chỉ bao hàm các hoạt động giải trí nghệ thuật của tính Mỹ, các định nghĩa được coi là rộng hơn thì bao hàm một phần của tính Thiện và rất ít nhắc đến tính Chân, và gần như không đặt các giá trị Chân-Thiện-Mỹ này trong tính tuần hoàn, tương tức như chính sắp đặt tự nhiên của Tạo Hóa.
Hai là, nền văn hóa của một quốc gia-dân tộc sẽ được định dạng thành hai nhóm cơ bản: Nhóm thứ nhất là Văn hóa kiến tạo văn minh và nhóm thứ hai là Văn hóa hấp thụ văn minh. Và mối quan hệ này là mối quan hệ động, vận động đồng hành với diễn trình phát triển của nhân loại, không hề có văn hóa đứng yên, không thể có văn minh không vận động. Do vậy, mệnh đề căn cốt, cần thiết và có ý nghĩa mang tính sống còn cho quốc gia-dân tộc Việt Nam ở lĩnh vực văn hóa cần phải được đặt trong tương quan với bản đồ và diễn trình phát triển văn minh của nhân loại. Theo đó, văn hóa Việt Nam là thuộc nền văn minh nào, đã từng có khả năng kiến tạo văn minh hay chưa? Tương lai chúng ta muốn nền văn hóa Việt Nam nằm trong một nền văn minh như thế nào, và văn hóa Việt Nam có vai trò gì trong nền văn minh đó - là sáng tạo chủ động hay hấp thụ bị động với văn minh?
Quán xét lại toàn bộ lịch sử biện chứng của nhân loại chúng ta có thể thấy rõ, đó chính là quá trình hình thành, va chạm, xung đột, giao thoa, hòa nhập và phát triển của các nền văn hóa, văn minh được dẫn dắt, dẫn đạo chủ lưu bởi các nền văn hóa có khả năng kiến tạo văn minh. Đó là các nền văn hóa mạnh, làm nền tảng cho các nền văn minh lớn.
Trong thời tiền sử, các yếu tố địa kinh tế tự nhiên đã định hình nhân loại thành 4 nhóm văn hóa lớn, cũng là bốn nền tảng lớn để định hình phát triển văn minh; đó là văn hóa Nông Nghiệp Đất Liền (lúa cạn, lúa nước), Nông Nghiệp Biển, Du Mục Đất Liền, và Du Mục Biển.
Ở thời cổ đại, văn hóa và đặc biệt là yếu tố tôn giáo của các dân tộc nòng cốt, đã tạo nên các nền văn minh cổ đại hùng vĩ như văn minh Trung Hoa, Ấn Độ, Lưỡng Hà, Ai Cập, Hy Lạp, La Mã. Từ những cái nôi văn minh cổ đó, các quốc gia-dân tộc khác đã hấp thu, chọn lọc một cách tự nguyện và/hoặc cưỡng chế để định hình nên bản sắc văn hóa riêng của dân tộc mình. Trong thời cận đại và hiện đại, ý thức hệ chính trị một lần nữa phân chia văn minh nhân loại ra làm bốn nhóm (tư bản, cộng sản, phát xít, và chủ nghĩa dân tộc không liên kết - không chọn phe ý thức hệ), các hệ giá trị này lại được hấp thụ và chuyển hóa thêm lớp nữa vào văn hóa của các quốc gia hiện đại, để hình thành nên bức tranh tổng thể gồm định dạng văn hóa cơ bản cho 216 quốc gia và vùng lãnh thổ độc lập như hiện nay với 3 nhóm văn minh lớn là văn minh phương Đông, văn minh phương Tây, và văn minh Giao thoa.
Hòa chung dòng chảy lịch sử hình thành và phát triển của nhân loại, nền văn hóa quốc gia-dân tộc Việt Nam mang trong mình đặc trưng thích nghi - sinh tồn thụ động; đặc trưng này hay được nhiều học giả gọi là hài hòa thiên về âm tính, nhưng thực ra đó chỉ là sự thích nghi chứ chưa đạt được tính hài hòa; khả năng sinh tồn cho thấy sức mạnh chỉ được biểu hiện rõ ràng trong các điều kiện chiến tranh hay thảm họa ngặt nghèo, tính thụ động là sự miêu tả cụ thể và chính xác hơn cho tính âm. Văn hóa Việt Nam, vì vậy, thuộc nhóm các nền văn hóa hấp thụ văn minh đa lớp từ các nước lớn như văn minh Trung Hoa, Ấn Độ trong thời cổ đại, cho đến các lớp văn hóa khác nhau từ phương Tây trong thời cận đại và hiện đại; và chưa từng là một nền văn hóa có đủ sức mạnh để kiến tạo văn minh. Vậy thì tiếp theo, câu hỏi chiến lược đặt ra ở đây sẽ là: liệu chúng ta có nên và có thể tiếp tục xây dựng một nền văn hóa hấp thụ văn minh hay không, nếu có thì nên hấp thụ từ những nền văn minh nào trên thế giới? Hay giờ đây chính là thời điểm lịch sử và chúng ta bắt buộc và chúng ta hoàn toàn có khả năng để định hướng xây dựng một nền văn hóa kiến tạo văn minh?
Việc duy trì hình thái văn hóa tiếp thu văn minh hiện nay sẽ trở nên ngày càng khó khăn và kém hiệu quả, thậm chí ngày càng nguy hiểm khi mà hiện trạng của các nền văn minh lớn, các siêu cường quốc, quốc gia chủ chốt trong các nền văn minh đều đang đối mặt với các thách thức hỗn loạn riêng; đồng thời với việc va chạm, mâu thuẫn, đối nghịch, xung đột đang ngày càng leo thang giữa các siêu cường quốc, cũng như giữa các nhóm quyền lực cũ với các nhóm quyền lực công nghệ mới. Thực trạng văn hoá - văn minh toàn cầu bị tha hóa trầm trọng chưa từng có, mặc cho các thành tựu phát triển kinh tế, khoa học, công nghệ hào nhoáng bên ngoài; các giá trị đạo đức cơ bản bị băng hoại và không còn nữa, thay vào đó, chỉ là ngôn ngữ bề ngoài để lừa mị và nhân danh các lợi ích mang tính vị kỷ, cục bộ.
Thế giới mà nhân loại hiện đang sống đang phải đối mặt với hai đại vấn nạn. Một là, việc chạy theo lợi ích vật chất của con người đã tàn phá nặng nề môi sinh, gây ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu khiến cho ngôi nhà chung Trái Đất của nhân loại trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Hai là, chủ nghĩa dân tộc vị kỷ-chủ nghĩa quốc gia vị kỷ đang trỗi dậy, thống trị và hoành hành ở khắp nơi, đặc biệt là các cường quốc; tại mỗi cường quốc, chủ nghĩa vị kỷ lại thúc đẩy tinh thần dân tộc–tinh thần quốc gia theo các hình thái cực đoan khác nhau nhưng tựu chung lại là gây chia rẽ và bất ổn; đồng thời, chủ nghĩa vị kỷ đó đang hành hạ và tha hóa mọi cấp độ dưới quốc gia (cá nhân, gia đình, dòng tộc, tổ chức,…) cho tới mọi định chế liên quốc gia. Hai đại vấn nạn đó cộng hưởng với nhau tạo thành nguy cơ ngày càng hiện hữu của Tứ Đại Hủy Diệt (nạn đói, chiến tranh, bệnh dịch, thiên tai) cùng lúc diễn ra để phán xét và tiêu diệt nhân loại.
Do vậy, khác với quá khứ, việc duy trình hình thái văn hóa tiếp thụ văn minh trong bối cảnh hiện nay là hết sức khó khăn và nguy hiểm. Đã đến lúc Việt Nam chúng ta cần có đủ khát khao, có đủ dũng khí để dám nghĩ, dám có cảm hứng và động lực, dám dũng cảm thực thi một định vị Văn Hóa Quốc Gia-Văn Hóa Dân Tộc Kiến Tạo Văn Minh, một nền văn minh đủ Minh Triết để nhận diện, đối phó và vượt qua các mối họa chung mà văn minh nhân loại đã tích tụ và đang phải đối mặt đồng thời trong thời điểm lịch sử này. Đó là thử thách lịch sử của quốc gia-dân tộc Việt Nam, đó cũng là Thiên cơ, là Thiên Mệnh lịch sử cho quốc gia-dân tộc Việt Nam.
Để chuẩn bị đón nhận Thiên Cơ, Thiên Mệnh nêu trên, Việt Nam cần phải có một sự chuẩn bị đầy đủ để trở thành một cường quốc kiểu mới với các hệ giá trị văn hóa mới nhằm kiến tạo một nền văn minh dẫn dắt toàn nhân loại vượt qua các vấn nạn và khủng hoảng toàn cầu hiện nay; từ đó, đưa nhân loại tiến hóa lên thành một nhân loại thống nhất trong sự siêu việt của Tạo Hóa. Sự chuẩn bị để biến Việt Nam từ một quốc gia ngoại vi trở thành quốc gia trung tâm dẫn đạo nhân loại, từ một nền văn hóa có tính thích nghi-sinh tồn thụ động sang Sáng tạo-Minh triết chủ động, đòi hỏi dân tộc ta phải hiểu rõ và vận dụng được công thức gồm 5 thành tố có mối quan hệ biện chứng qua lại chặt chẽ, tương tức và tuần hoàn ma trận với nhau:
* ĐỘ LỚN CỦA KHÁT VỌNG QUỐC GIA;
* ĐỘNG LỰC QUỐC GIA DÙNG ĐỂ NUÔI DƯỠNG KHÁT VỌNG QUỐC GIA;
* TRÍ HUỆ VÀ SỰ MINH TRIẾT CỦA QUỐC GIA;
* HỆ SÁCH LƯỢC QUYỀN LỰC QUỐC GIA;
* SỰ ĐOÀN KẾT - CỐ KẾT VỮNG BỀN CỦA QUỐC GIA ĐÓ.
Bản thân trong mỗi cấu phần lại có 5 cấp độ tiến hóa từ thấp lên cao, nhưng cũng có thể tồn tại theo dạng thức kết hợp, chồng lấn và đan xen. Do vậy, tổ hợp lại các yếu tố để tạo nên một bảng mã gen gốc của một quốc gia vừa là rất đa dạng, vừa là rất rõ ràng rằng bất cứ quốc gia nào cũng có thể trở nên hùng mạnh, có sức mạnh và ảnh hưởng bền vững khi đạt tới và giữ vững một cách hài hòa ở các cấp độ cao nhất của từng cấu phần cấu thành Công thức nêu trên; và ngược lại.
Để kiến tạo được một quốc gia có sức mạnh ở cấp độ sức mạnh và tiến hóa cao nhất như trên, quốc gia-dân tộc Việt Nam cần phải được chuẩn bị và cài đặt trong mình mật mã vĩ đại của Tạo Hóa, đó là:
• Chuẩn bị về Ý chí và Khát vọng vĩ đại-Khát vọng Dẫn đạo Văn Minh nhân loại trở nên đồng nhất, thống nhất và hợp nhất trong thể hoàn hảo, siêu việt.
• Chuẩn bị về cái Học-cái Biết toàn diện, bao quát, bao trùm trên bình diện Vũ trụ cho Dân tộc Dẫn đạo; sự hiểu biết thiết yếu bao gồm Vũ Trụ Quan Minh Triết với các Đại Nguyên Lý, Đại Định Luật, Đại Nguyên Tắc nguồn có tính bao quát, bao trùm cho mọi sự vật-hiện tượng trong toàn cõi Vũ Trụ; Địa Sinh Quan Minh Triết để thấu hiểu sự tuần hoàn hoàn mỹ của hệ sinh thái Tinh Cầu để có thể tôn tạo, chữa lành và sống hài hòa, trường xuân - trường thọ tại Trái Đất; Nhân Sinh Quan Minh Triết là hệ giá trị văn hóa mới cho nhân loại bao trùm nhân đạo, nhân tâm, nhân hòa.
• Chuẩn bị về Sách lược Lãnh tụ Tâm cho Dân tộc Dẫn đạo;
• Chuẩn bị về Mô hình vận hành tối ưu và toàn hảo - Mô hình vận hành Nguồn cho Dân tộc Dẫn đạo;
• Chuẩn bị về Phẩm hạnh-Phẩm tính và Năng lực thực thi một cách toàn diện, toàn cầu, toàn hảo, minh triết cho Dân tộc Dẫn đạo.
Mật mã Vĩ đại nêu trên chính là ADN của nền văn hóa mới cho Việt Nam, một nền văn hóa mà Việt Nam vì cả thế giới, mà vì thế, mọi nguồn lực tiên tiến và tiến bộ của cả thế giới cũng sẽ cùng với Việt Nam kiến tạo nên một nền văn minh mới, nền Văn minh Tâm-nền Văn minh thống nhất và siêu việt cho loài người.
Đây là con đường duy nhất để chống lại tụt hậu và lệ thuộc trong thế giới mới, và cũng là con đường duy nhất để cứu nhân loại khỏi bến bờ hủy diệt. Đây là Thiên Cơ, là Thiên Mệnh của Việt Nam!
Bình luận (0)