Dù bất kỳ ở vị trí nào, thầy cô luôn lấy niềm vui, sự tiến bộ của học trò là sức mạnh để đeo đuổi công việc mình đã chọn.
Nhóm giáo viên trẻ đồng tác giả của công trình thiết kế trò chơi học tập cho học sinh lớp 3 - Ảnh: L.Thanh |
Thu hút học sinh bằng phương pháp dạy mới
Làm thế nào để học sinh (HS) cảm thấy thích thú và đam mê với những tiết học luôn là nỗi trăn trở của thầy Lê Tiến Hải, giáo viên môn địa lý Trường THCS Chu Văn An (TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương).
Chính từ những trăn trở ấy, thầy Hải đã có những sáng kiến trong giảng dạy để giúp HS thấy thú vị khi học tập.
Trong năm học 2012 - 2013, thầy Hải cho ra đời sáng kiến “Bộ đồ dùng thiết bị bản đồ, lược đồ đa năng để dạy môn sử - địa”. Bộ đồ dùng này rất gọn, nhẹ gồm một tấm bản đồ làm bằng tấm tôn mỏng có tính từ. Còn các ký hiệu về hướng gió, các khu công nghiệp, địa danh, rừng, núi, biển, các móc lịch sử, ký hiệu đường... được thiết kế trên những miếng nam châm lá để có thể di chuyển linh động trên tấm bản đồ.
Sáng kiến không những nhận được sự đồng tình của thầy cô trong trường, HS hưởng ứng mà còn mang về cho thầy Hải giải nhì tại Hội thi sử dụng đồ dùng dạy học tự làm do Phòng GD-ĐT TP.Thủ Dầu Một tổ chức năm 2014. Thầy Hải cho biết: “Tâm lý của HS phần lớn không thích nghe những kiến thức khô khan, khó tiếp thu. Khi dạy, có những hình ảnh minh họa, chứng minh cho những điều mình giảng thì mới thuyết phục và gây được sự thích thú cho các em”.
Liên tục từ năm 2010 cho đến nay, thầy Hải cho ra đời nhiều sáng kiến trong giảng dạy giúp HS tiếp thu bài học tốt nhất.
Hiểu từng khó khăn, sở thích của HS
Một nhóm giáo viên trẻ tại TP.HCM gồm: Ngô Thị Thanh Phương (Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1), Nguyễn Thị Thanh Huyền (Trường tiểu học Lê Quý Đôn, Q.Gò Vấp), Hứa Yến Nhi (Trường tiểu học An Lạc 3, Q.Bình Tân), Vũ Thị Hà (Trường tiểu học Nguyễn Văn Triết, Q.Thủ Đức) đã dày công thực hiện một công trình nghiên cứu khoa học “Thiết kế trò chơi học tập môn toán hỗ trợ cho HS lớp 3 có khó khăn về toán học”. Công trình vừa nhận giải 3 cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật TP.HCM do Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật TP.HCM tổ chức vào tháng 11.2015.
Nói về ý tưởng để nghiên cứu giải pháp hữu ích này, trưởng nhóm Ngô Thị Thanh Phương cho biết: “Những đứa trẻ gặp khó khăn về tính toán có thể cải thiện tốt nếu được phát hiện và hỗ trợ kịp thời với những bài tập và cách thức tác động phù hợp thông qua các trò chơi thực tế đầy sáng tạo”. Bộ trò chơi gồm các quân cờ domino, xúc xắc, bộ thẻ số. Các trò chơi được thiết kế theo nguyên tắc từ dễ tới khó, từ đơn giản tới phức tạp để HS tiếp cận dần.
Cô Nguyễn Thị Thanh Thúy, giáo viên Trường mầm non Sơn Ca (Q.5, TP.HCM) đã trình làng sáng kiến đồ chơi sách vải cho trẻ mầm non tại hội thi Sáng tạo kỹ thuật TP.HCM thu hút sự quan tâm của nhiều người. Cô Thúy chia sẻ: “Trong quá trình dạy trẻ, tôi nhận thấy trẻ mầm non đặc biệt thích sách vải. Do đó, tôi đã nghiên cứu và làm ra bộ sách vải để phục vụ nhu cầu giảng dạy cho trẻ mầm non tại trường”.
Nói về tính tiện dụng của loại sách này, cô Thúy cho biết: “Sách vải dễ bảo quản, dễ vệ sinh. Hơn nữa, sách do chính mình giảng dạy thiết kế nên đưa vào nhiều hình ảnh sinh động, dễ thương và ngộ nghĩnh để kích thích sự quan tâm, thích thú của trẻ”.
Cô Thúy bật mí: “Sáng kiến này đã được Viện Khoa học giáo dục VN Bộ GD-ĐT công nhận và đang tiến hành nghiên cứu để đưa vào sản xuất đại trà nhằm phục vụ công tác giảng dạy tại các trường mầm non”.
Những “người lái đò” không chuyên
Không học sư phạm, cũng không học qua một lớp nghiệp vụ nào, nhưng bằng cái tâm, nhiều người vẫn đứng lớp gieo chữ cho các em nhỏ ở những lớp học tình thương.
Mỗi ngày Nguyễn Anh Đào (sinh viên Trường TC Tổng hợp Đông Nam Á, TP.HCM), chạy xe hơn 20 km để đến lớp học tình thương khu phố 2, P.10, Q.6, TP.HCM. “Mình muốn các em phải biết được cái chữ. Thời buổi giờ mà không biết chữ thì thiệt thòi lắm”, Đào nói. Còn Hy Kim Phú, sinh viên năm 2 Trường ĐH Sài Gòn, chia sẻ. “Em đăng ký lịch học hầu hết buổi sáng, buổi chiều đi làm thêm để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Còn buổi tối, em dành cho các em nhỏ ở lớp học tình thương”.
Còn Huỳnh Thị Mỹ Phượng (vừa tốt nghiệp Trường ĐH Luật TP.HCM) đến với lớp học tình thương Bà Mười (Q.7, TP.HCM) từ những ngày đầu mới bước chân vào đại học. Đến nay tuy đã ra trường, bận rộn với việc làm, nhưng Phượng vẫn luôn tranh thủ thời gian và sắp xếp lịch làm việc để tiếp tục dạy cho các em nhỏ. Có những “thầy giáo” thầm lặng như anh Huỳnh Lưu Nghĩa (cộng tác viên của UBND P.10, Q.6, TP.HCM) hơn 10 năm kiên trì gieo chữ cho trẻ em nghèo.
Nữ Vương
|
Bình luận (0)