Giải cứu ngập úng
Với trọng lượng 30 kg, robot này được thiết kế nhỏ, gọn để di chuyển linh hoạt trong đường cống có đường kính nhỏ hơn 0,8m. Trần Phương Nam, một thành viên của nhóm chia sẻ về mục tiêu thực hiện đề tài: “Trước tình hình ngập úng của các thành phố lớn ở VN hiện nay, tiêu thoát nước là việc làm rất cấp bách. Tuy nhiên, với đường cống nhỏ thì công nhân không thể chui lọt, nên việc làm sạch cống rất khó khăn và tốn nhiều công sức. Do vậy, tụi em thiết kế robot này nhằm giám sát và làm sạch đường cống nhỏ, vừa tiện ích vừa giảm hao tổn nhân công và kinh tế”.
|
Nguyễn Huy Hoàng - một thành viên khác tỉ mỉ miêu tả: “Để có thể quan sát và kiểm tra tình trạng ống cống, robot được gắn camera để người điều khiển từ xa, đồng thời robot cũng được điều khiển vận hành qua một dây cáp. Trên đầu robot có dao cắt, vòi nước phun giúp loại bỏ bùn, đất, rác, cặn nằm bên trong đường ống”. Robot đã được chạy thử nghiệm phiên bản đầu tiên tại một đoạn đường ống thoát nước ở Q.6, TP.HCM. Kết quả cho thấy đã đạt được mục tiêu ban đầu đặt ra là làm sạch cống với các loại rác thải gia đình. Tuy nhiên, với những đoạn cống có chứa rác thải xây dựng thì còn gặp nhiều trở ngại, nhóm đang tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện phần còn lại.
Tiến sĩ Nguyễn Trường Thịnh - Trưởng bộ môn Cơ điện tử nhà trường, giảng viên hướng dẫn đề tài của nhóm chia sẻ: “Sau một tháng nữa, robot có thể đưa vào sử dụng trong thực tế. Nếu được đầu tư đưa vào sản xuất đồng loạt, giá thành mỗi robot chỉ khoảng 30 triệu đồng, rẻ hơn rất nhiều so với giá thành hàng tỉ đồng khi nhập từ nước ngoài về”. Để hoàn thành con robot này, nhóm đã tốn khoản kinh phí trên dưới 100 triệu đồng.
|
Nhiều lần chui cống
Chủ nhân của robot là nhóm sinh viên năm cuối ngành công nghệ tự động thuộc bộ môn cơ điện tử, khoa Đào tạo chất lượng cao trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM gồm: Trần Phương Nam, Trần Vương Hùng, Nguyễn Khánh Cường và Nguyễn Huy Hoàng. Đây là đề án tốt nghiệp có tên đầy đủ là “Thiết kế và chế tạo robot giám sát, vệ sinh đường ống nước thải”, nhưng xuất phát của nghiên cứu này thì theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp với nhà trường. Trần Phương Nam chia sẻ: “Dù là đề tài đặt hàng của trường, nhưng doanh nghiệp chỉ đặt ra yêu cầu cơ bản. Mọi ý tưởng trong thiết kế, chế tạo đều phải do nhóm tự mày mò dưới sự hướng dẫn của giảng viên trong trường. Nguyễn Khánh Cường cho biết: “Tụi em đã mất rất nhiều công sức để nghiên cứu, thăm dò địa hình về đường cống tại TP.HCM trước khi đưa ra ý tưởng phù hợp. Thậm chí, có thành viên nhiều lần chui cống để khảo sát địa hình”. Ngoài ra, để phục vụ cho quá trình thiết kế, trường đã đầu tư xây dựng hẳn một ống cống ngay cạnh phòng thí nghiệm mở để nhóm thực hành.
Trong nhóm, Hùng được phân công chủ yếu trong việc xây dựng ý tưởng, Cường đảm nhiệm phần hệ thống điện, Hoàng lo tính toán bộ phận chuyển động, còn Nam chịu trách nhiệm về thiết kế các chi tiết và gia công. Chia sẻ về việc làm nhóm, Hùng dí dỏm: “Cách làm việc hiệu quả nhất của nhóm là tranh luận nảy lửa. Ai cũng nghĩ ý tưởng của mình hay, tìm mọi cách bảo vệ. Nhiều khi nhóm không thể tự phân định nên phải nhờ sự can thiệp của thầy hướng dẫn. Nhưng sau mỗi lần đó, tiến độ công việc nhanh đến chóng mặt”.
Hà Ánh
Bình luận (0)