Sao cứ hành động muộn màng

27/09/2020 05:30 GMT+7

Không phải lần đầu chúng ta phải đau đớn nghe chuyện trẻ em bị xâm hại tình dục ở ngay trong trường học.

Mới năm trước là vụ việc 13 nữ sinh ở Trường tiểu học Tiên Sơn (Việt Yên, Bắc Giang) bị xâm hại tình dục. Và mới đây nhất là chuyện clip tung lên mạng liên quan đến một nữ sinh 12 tuổi bị một người đàn ông được cho là bảo vệ trường giở trò đồi bại rồi tự quay video bằng điện thoại.
Theo lời khai thì em học sinh này bị sàm sỡ từ lớp 4, và đến khi lên lớp 6 thì bị ép quan hệ tình dục ngay trong phòng bảo vệ của trường. Các tình tiết theo lời khai như gieo vào lòng công chúng những nỗi lo âu khắc khoải về cách mà xã hội chúng ta bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ làm tổn hại đến cả cuộc đời.
Và cũng không phải lần đầu, chúng ta thấy kiểu phản ứng quen thuộc: cộng đồng bức xúc, nhà quản lý chỉ đạo đanh thép, công an vào cuộc quyết liệt ngay lập tức.
Nhưng có lẽ chúng ta còn thiếu điều gì đó quan trọng lắm để thật sự bảo vệ trẻ em hiệu quả hơn. Chúng ta không thiếu cơ chế pháp lý để bảo vệ trẻ em. Chúng ta không thiếu các chương trình truyền thông liên quan đến bảo vệ trẻ em.
Chúng ta không thiếu sự quan tâm của cộng đồng, vì nếu thiếu những phản ứng và hành động kịp thời của cộng đồng thì chắc là nhiều số phận trẻ em nạn nhân sẽ còn thê thảm hơn nữa. Chúng ta cũng không thiếu các hành động được triển khai khi cần thiết để bảo vệ trẻ em.
Nhưng điều xót xa nhất là chúng ta luôn hành động muộn, hành động sau những kẻ đồi bại có âm mưu hãm hại trẻ em. Chúng ta vẫn cứ luôn phản ứng và hành động theo kiểu “mất bò mới lo làm chuồng”. Mà cũng chỉ là “làm chuồng” tạm bợ dăm ba bữa, chuyện qua rồi thì trở lại trạng thái như cũ mà thôi.
Chuyện học sinh bị xâm hại tình dục ngay trong khuôn viên nhà trường đâu phải lần đầu chúng ta biết đến, nhưng một quy cách quản lý có hiệu lực kiểm soát và ngăn chặn hiệu quả hơn có được các nhà quản lý thiết lập sau đó hay không, để ngăn chặn những trường hợp tương tự có thể xảy ra. Chẳng hạn, một bộ quy tắc nghiêm khắc quy định các trường hợp bảo vệ trường học được phép tiếp cận học sinh.
Hay cứ mãi là lối nghĩ, chắc chuyện đó xảy ra ở nơi khác, ở trường khác, chứ chỗ mình chắc chẳng bao giờ có đâu. Hay cứ mãi là lối nghĩ, chắc chuyện đó là chuyện hiếm gặp, đặt ra quy tắc kiểm soát làm gì cho phiền phức.
Rồi mỗi khi xảy ra chuyện đau lòng, thì cùng nhau bức xúc, cùng nhau lao vào chỉ trích, cùng nhau hành động quyết liệt, mà sau đó khi chuyện nguôi ngoai rồi thì chẳng có thêm hành động nào hiệu quả hơn để bảo vệ trẻ em.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.