Sao để đến tình trạng thủng dạ dày, đuối sức vì ôn thi?

09/06/2023 15:48 GMT+7

Vì quá căng thẳng ôn thi vào lớp 10, một nam sinh tại Hà Nội phải nhập viện vì bị viêm loét và thủng dạ dày nghiêm trọng.

Câu chuyện của nam sinh đã khiến nhiều người bàng hoàng, từ đây gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả thí sinh, đặc biệt là những thí sinh lớp 12 đang chuẩn bị đối diện với kỳ thi được đánh giá là rất quan trọng trong đời học sinh.

Ôn thi nhưng như... hành xác

Bản thân cũng đã rơi vào tình trạng áp lực thi cử rất nhiều, Lê Thị Kim Thùy, học sinh Trường THPT An Mỹ (tỉnh Bình Dương), cho biết có lúc phải thức khuya ôn thi đến 2-3 giờ sáng để học bài. Với thời gian ngủ vốn đã rất ít và còn phải dậy sớm để chuẩn bị thi nên đa phần Thùy thường bỏ bữa ăn sáng.

Bị thủng dạ dày, đuối sức vì bỏ ăn, thức khuya... để dồn ép ôn thi - Ảnh 1.

Mang áp lực thi cử nên nhiều thí sinh không tránh khỏi được tình trạng ôn thi quá độ

THƯỢNG HẢI

"Vì lý do đó mà mình thường xuyên bị đau dạ dày nên phải đi bệnh viện và uống thuốc thường xuyên. Sau nhiều lần tái khám, mình thấy được mức độ nghiêm trọng của bệnh đau dạ dày nên đã sắp xếp việc học lại một cách hợp lý, không để nước đến chân mới nhảy thì sẽ rất áp lực", Kim Thùy bày tỏ. 

Cũng từng rơi vào tình trạng kiệt quệ vì lý do học bài không đúng cách, Lê Phan Thùy Dương, học sinh Trường THPT Duyên Hải (tỉnh Trà Vinh), cho hay: "Do tâm lý mình quá đặt nặng vấn đề điểm số để so sánh với bạn bè nên lo sợ bị thua thiệt. Dù gia đình có bảo miễn là cố gắng hết sức mình là được nhưng vì lo học quá mà mình không có cảm giác đói nên liên tục nhịn ăn để ôn bài".

Bị thủng dạ dày, đuối sức vì bỏ ăn, thức khuya... để dồn ép ôn thi - Ảnh 2.

Học ôn thi bất kể mọi lúc mọi nơi

THƯỢNG HẢI

"Lúc đó mình nghĩ đơn giản là việc này sẽ giúp mình có thời gian để học bài được nhiều hơn nhưng mà rõ ràng là phản tác dụng. Mình cảm thấy đuối sức, buồn ngủ và học hoài cũng không thuộc, không hiểu nên về sau chỉ học mức độ vừa phải thôi và nếu thấy mệt quá thì mình thường nghe nhạc không lời hoặc uống một chút đồ ngọt để lấy lại tinh thần", nữ sinh này bày tỏ.

Còn đối với Lương Minh Tuyết, học sinh Trường THPT Đặng Thai Mai ( tỉnh Thanh Hóa), thì bày tỏ: "Mình nghĩ là không nên đặt cho bản thân quá nhiều áp lực như vậy. Mặc dù học nhiều là tốt nhưng việc cân bằng giữa học tập và nghỉ ngơi cũng rất quan trọng, trong khoảng thời gian còn là học sinh sẽ phải trải qua rất nhiều kỳ thi quan trọng hơn và nếu cách ôn tập theo chiều hướng tâm lý dồn ép rất khó để vững vàng cho khoảng thời gian tiếp theo".

Có kế hoạch ôn tập bài bản

Hơn 15 năm kinh nghiệm giảng dạy, tư vấn và luyện thi cho học sinh, thạc sĩ Bùi Văn Công, giáo viên luyện thi trực tuyến tại TP.HCM, nhận định: "Việc áp lực ôn thi lớn dẫn đến ảnh hưởng sức khỏe, tâm lý và thể chất, thường xuyên xuất hiện hầu như ở mọi cấp học. Tôi đã từng tư vấn cho một trường hợp một bạn đã đậu đại học nhưng sau khoảng thời gian học quá áp lực đã dẫn đến dấu hiệu trầm cảm, hoảng loạn và không muốn tiếp tục học nữa".

Cũng theo thạc sĩ Công, việc học của người trẻ dễ dẫn đến vấn đề áp lực hiện nay bắt nguồn từ 3 nguyên nhân chính, là: gia đình, bạn bè đồng trang lứa và xã hội. 

"Nhiều gia đình muốn con có thành tích tốt hơn con người khác nhưng lại không nhìn nhận những điểm tốt của con mà thường lấy điểm thiếu để bắt con phải hoàn thiện một bảng điểm đẹp. Cho nên gia đình cần phải đồng hành, động viên và chia sẻ cùng con trẻ nhiều hơn nữa, phải là người bạn học với con để cảm nhận được áp lực học khủng khiếp thế nào", thạc sĩ Công cho hay.

Ngoài ra, theo thạc sĩ Công, nhiều bạn do thấy có người học giỏi hơn mình rồi tự ti, rơi vào trầm cảm và ảnh hưởng sức khỏe do không thể bắt kịp tiến độ học của bạn bè. Cùng với đó là ảnh hưởng của xã hội khi bị đem ra so sánh hay bắt gặp những thông tin về những bạn bằng tuổi đoạt giải này giải kia, có bằng khen... thì thấy mình tệ và càng áp lực.

Bị thủng dạ dày, đuối sức vì bỏ ăn, thức khuya... để dồn ép ôn thi - Ảnh 4.

Gia đình nên đồng hành và quan tâm con nhiều hơn trong các giai đoạn thi cử

THƯỢNG HẢI

Theo thạc sĩ Công, để đạt được một kết quả tốt trong các kỳ thi, đặc biệt là kỳ thi quan trọng như: thi tuyển sinh lớp 10 hay kỳ thi tốt nghiệp THPT, việc học phải là 1 quá trình dài chuẩn bị kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm mới để có thể thi tốt chứ không phải trong một thời gian ngắn 1-2 tháng với áp lực cao dồn lại như vậy thì sẽ không đạt hiệu quả.

"Nếu buộc phải ôn trong thời gian ngắn, cần có một kế hoạch ôn tập vì người trẻ học thường vô kỹ luật và không chủ động được trong thời gian của họ, chỉ bị áp đặt việc học từ giáo viên, gia đình. Do đó, các bạn thường có thói quen thấy giờ nào rảnh là học, cho rằng nhịn ăn hay thức khuya một chút sẽ có thời lượng học nhiều hơn mà không biết việc này dễ gây mất tập trung, lo lắng mà học lại không hiệu quả nên có khi học ngày học đêm nhưng kết quả vẫn thấp", thạc sĩ này bày tỏ.

"Trong thời gian ôn thi phải lên kế hoạch cụ thể để xem từng ngày, từng tháng, từng giờ học cái gì, học bao nhiêu tiếng, ngủ giờ nào, ăn uống và thư giãn ra sao. Nên có một nhóm bạn cùng chia sẻ, cùng giúp đỡ nhau học tập hoặc tìm đến bố mẹ, giáo viên hỗ trợ về bài tập và tinh thần sẽ giúp các bạn trải qua mùa thi bớt căng thẳng hơn", thạc sĩ Công nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.