Anh không hiểu sao lòng em lúc nào cũng nhớ đến những chuyện cũ, mà phần nhiều đã không còn liên quan gì đến cuộc sống của chúng ta cả. Anh có cảm giác, sự “nhớ dai thù vặt” của em đã và đang giết dần giết mòn hạnh phúc của gia đình mình.
Anh nhớ bữa nọ, khi con gái lớn đang dạy em học bài, trong đó có câu: “Cô Th. là giáo viên tiểu học”, thì hết sức bất ngờ, em nói: “Th. Th. cái gì, hết tên đọc rồi hả?”. Anh lặng người đi. Con trẻ nào có biết Th. là tên người yêu cũ của anh. Mà có biết thì “tên cữ chữ đọc”, trách con sao được. Trên tất cả, mọi thứ đã đi vào quá khứ rồi, ai cũng có gia đình riêng, bản thân anh đôi lúc chỉ nhớ ra cái tên ấy từng một thuở rất quen thuộc với mình sau khi được em… nhắc nhở. Vậy mà…
|
Một lần khác, đang nói chuyện phim ảnh, anh có nhắc đến tên một nữ diễn viên. Tức thì em bĩu môi: “Anh hay lắm, cứ nhắc cái tên đó để được gọi lại tên người xưa chứ gì!”. Anh thấy bẽ bàng quá đỗi. Dù anh đã nhận lỗi với em rằng hai người từng có chút tình ý với nhau nhưng cũng chỉ là tình ý do thông cảm với nhau nhiều điều chứ chẳng có chút gì đi quá xa. Vậy mà bao nhiêu năm rồi em vẫn đay nghiến anh. Cứ gặp cái tên đó thì lại nói hành nói tỏi với anh. Thậm chí, em gái của em cũng có tên đó, nhưng em không cho anh gọi cô ấy bằng tên mà bắt gọi bằng “dì”, sao mà xa cách thế!
Mới rồi, một cô bạn học cũ đến nhà chơi. Em thừa biết ngày xưa cô ấy có tình cảm với anh nên anh thấy em không được tự nhiên. Suốt buổi, em trò chuyện nhát gừng khiến anh thấy ngại với bạn hết sức. Khi cô ấy ra về, em lại “mát mẻ”, rằng “tình cũ không rủ cũng đến”, rằng “sao anh không hẹn ở khách sạn mà hẹn đến nhà làm chi”… Đã vậy, mấy hôm sau, đột nhiên em còn nhắc lại câu nói của anh với cô ấy “sao nay em cắt tóc ngắn rồi” và “không quên” bình luận: “Người ta để tóc ngắn dài thì kệ họ, mắc gì mà anh ý kiến ý cò?”. Nghe vậy, anh không còn biết nói gì nữa.
Anh biết có những điều “cấm kỵ” nên đã cố tránh những cái tên, những từ, những câu chuyện có thể gợi cho em nhớ đến chuyện cũ. Nhưng ở đời có biết bao nhiêu việc trùng hợp nhau, dù anh tránh nhưng em không tránh thì anh còn biết làm sao cho vừa lòng em được?
Vậy đó, có những điều anh đã không còn nhớ đến nữa, cũng chẳng bận tâm nữa, vậy mà em vẫn nhớ, vẫn nghĩ (và nghĩ thay cho anh!) rồi nói mát anh hay “đá thúng đụng nia”, thậm chí làm mình làm mẩy, rồi giận hờn, cau có. Nhiều lần các con trở thành “nạn nhân” thái độ đó của em. Lắm lúc anh mệt mỏi, không còn hứng thú chuyện trò gì nữa, vì thể nào một hồi rồi em cũng bắt quàng bắt xiên. Sự vô tình thì tránh thế nào được với sự cố ý bắt bẻ của em đây?
Ngô Đồng Vũ
Bình luận (0)