(TNO) Sao Hỏa từng có một đại dương mênh mông bao phủ 1/5 bề mặt, giúp hành tinh này trở thành nơi ẩm ướt, ấm áp và lý tưởng cho sự sống tồn tại, các nhà khoa học của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết.
Bề mặt của sao Hỏa - Ảnh: AFP
|
Đại dương đó bao phủ gần một nửa bán cầu bắc của sao Hỏa và biến hành tinh đỏ thành một nơi có môi trường sống thuận lợi, The Guardian dẫn lời các nhà khoa học của NASA.
Nước trên sao Hỏa giống với nước trên Trái Đất với hai nguyên tử hydro, một nguyên tử oxy. Một dạng khác của nước trên sao Hỏa được tạo thành từ chất đồng vị nặng của hydro là deuterium. Trên sao Hỏa, nước có chứa nguyên tố hydro sẽ bị bốc hơi vào không gian và để lại hydro đồng vị nặng, tức deuterium.
Ảnh mô phỏng tàu tự hành Curiosity trên sao Hỏa - Ảnh: NASA
|
Lượng nước này có thể phủ toàn bộ bề mặt sao Hỏa với độ sâu khoảng 137 m. Tuy nhiên, nước chỉ phủ khoảng 1/5 bề mặt hành tinh do địa hình sao Hỏa cao thấp không đều, các nhà khoa học NASA ước tính.
Nước có thể đã tồn tại hàng triệu năm trên sao Hỏa. Nhưng qua thời gian, không khí loãng dần và áp suất giảm khiến nước bị bốc hơi. Sao Hỏa giờ chỉ còn giữ khoảng 13% lượng nước của đại dương dưới dạng các khối băng ở vùng cực.
Hành trình tìm kiếm sự sống trên sao Hỏa sẽ được mở rộng vào năm 2018 khi Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) gửi xe tự hành ExoMars lên sao Hỏa. ExoMars có nhiệm vụ tìm kiếm dấu tích của sự sống trên hành tinh đỏ. Chúng có thể là những vi khuẩn sống sâu dưới bề mặt hành tinh.
Bình luận (0)