Một vụ tranh chấp đòi tài sản sau ly hôn nhiều năm qua vẫn chưa được xét xử sơ thẩm. Đó là trường hợp giữa nguyên đơn là bà Dương Thị Thúy Phượng và bị đơn là ông Cao Văn Phú.
Năm 2003, bà Phượng và ông Phú kết hôn, có một con chung. Năm 2007, TAND Q.12 (TP.HCM) công nhận thuận tình ly hôn và thỏa thuận của các đương sự. Tuy nhiên, việc tự thỏa thuận phân chia tài sản không hề dễ dàng. Ngày 20.2.2009, bà Phượng nộp đơn khởi kiện tranh chấp, đòi chia tài sản sau ly hôn. TAND Q.12 đã thụ lý ngày 4.3.2009.
Trong khối tài sản tranh chấp có 3 căn nhà do bà Phượng đứng tên sở hữu. Trước đó, bà Phượng dùng 3 căn nhà này để bảo lãnh cho Công ty Cao Phú Thịnh của ông Phú vay tiền ngân hàng. Sau khi bà Phượng và ông Phú ly hôn, Công ty Cao Phú Thịnh đã giải chấp số tiền vay và ngân hàng đã trả lại 3 giấy chủ quyền số nhà trên, nhưng ông Phú đem cất giữ, không trả lại cũng như chia phần vốn góp vào 2 công ty cho bà Phượng.
Khi khởi kiện, bà Phượng nộp cho tòa án bản sao một số giấy tờ liên quan, nhưng TAND Q.12 lại yêu cầu bà cung cấp các tài liệu “bản chính” hoặc bản sao lục đối với các tài sản đang tranh chấp, điều mà bà Phượng không thể thực hiện được vì bên bị tranh chấp - ông Phú, đang giữ các giấy tờ này. Vì vậy, TAND Q.12 đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ kiện với lý do “chưa đủ điều kiện khởi kiện”.
Việc xử lý trái quy định này của TAND Q.12 đã bị Viện KSND Q.12 kháng nghị vì quyết định đình chỉ là không có cơ sở. Theo kháng nghị, tuy bà Phượng không nộp các giấy tờ bản chính để tòa án đối chiếu nhưng cũng đã nộp đầy đủ các giấy tờ bản sao cần thiết để chứng minh yêu cầu khởi kiện. Và như vậy đã có đủ cơ sở để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của bà Phượng.
Tiếp đó, ngày 31.8.2009, TAND TP.HCM có quyết định số 1625 hủy quyết định đình chỉ giải quyết vụ kiện của Tòa án Q.12; đồng thời chuyển hồ sơ vụ án cho TAND Q.12 giải quyết lại. Tuy nhiên đến nay, dù bà Phượng nhiều lần có đơn đề nghị sớm đưa vụ kiện ra xét xử nhưng mọi việc vẫn giậm chân tại chỗ.
Theo quy định của pháp luật, một vụ án dân sự, dù có phức tạp thế nào thì thời gian thụ lý hồ sơ đến khi đưa ra xét xử cũng không quá 8 tháng. Ngoài ra, trong vụ kiện này việc kéo dài có phần trách nhiệm của thẩm phán.
Quang Hiển
Bình luận (0)