Có những phụ huynh mong muốn các trường có xe đưa rước học sinh. Tuy nhiên, không phải trường nào cũng tổ chức được việc này.
Xe đưa đón học sinh Trường tiểu học Tân Hương, Q.Tân Phú, TP.HCM - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
Chị Trần Thị Kim Phương, phụ huynh Trường THCS Trần Văn Ơn, Q.1, TP.HCM, cho biết: “Công việc của tôi khá bận rộn nên không có thời gian đưa đón con, tuy nhiên trường lại không có nên phải cho con đi xe đưa rước cùng với học sinh (HS) Trường THCS Trần Đại Nghĩa, Q.1”.
Nói về vấn đề này, bà Trần Thúy An, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn cho biết: “Hằng năm, trong những buổi họp phụ huynh đầu năm học mới, chúng tôi thường lấy ý kiến phụ huynh về việc sử dụng xe đưa rước. Tuy nhiên, trong số 2.700 phụ huynh của trường chỉ có mười mấy người có nhu cầu sử dụng dịch vụ này, vì vậy chúng tôi không thể tổ chức được”.
Theo tìm hiểu, chương trình xe đưa đón HS được TP.HCM triển khai từ đầu những năm 2000. Đến thời điểm hiện nay, sau hơn 10 năm thực hiện, hơn 10% số trường có HS tham gia. Ông Nguyễn Minh, Trưởng phòng Công tác HS-SV Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết mục đích của chương trình này nhằm hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông. Tuy vậy, ông Minh cũng nhìn nhận chương trình thật sự chưa thu hút được sự tham gia của phụ huynh, HS. Trước hết, theo ông Minh, chương trình phù hợp hơn với các quận, huyện ngoại thành và HS từ bậc THCS trở lên do tâm lý những bậc học dưới rất cần cha mẹ đưa đón.
Còn ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Tân Bình, cho biết hiện nay quận có 3 trường THCS tổ chức xe đưa đón HS là Nguyễn Gia Thiều, Trường Chinh, Ngô Sĩ Liên. Ông Huy cho hay so với tổng số trường học trên địa bàn thì tỷ lệ trường tham gia còn hạn chế, do phụ thuộc giờ giấc, tâm lý phụ huynh và nhiều HS sau giờ học chính khóa còn học thêm văn hóa, năng khiếu…
Bà Ngô Nguyễn Thiên Trang, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (Q.Tân Bình), thông tin: “Trường có tổng số 2.300 HS nhưng cũng chỉ có khoảng 12% đăng ký sử dụng xe đưa đón. Ngoài mức hỗ trợ từ kinh phí của TP thì mỗi HS đóng phí 300.000 đồng/tháng”. Sở dĩ tỷ lệ tham gia thấp là do “tâm lý phụ huynh cảm thấy yên tâm hơn khi trực tiếp đưa đón con em. Ngoài ra, do đưa đón nhiều HS một lượt nên có bất cập cho những em nhà thuộc điểm đầu của tuyến xe sẽ phải đi sớm hơn và về trễ hơn”, bà Trang phân tích.
Một hiệu trưởng trường tiểu học tại Q.1, TP.HCM cho hay do quy định tuyển sinh của bậc tiểu học, THCS là phân tuyến theo địa bàn cư trú, nên phần đông HS cư trú ở địa bàn phường nào sẽ được phân tuyến vào học tại trường đóng trên địa bàn phường đó. Vì vậy khoảng cách từ nhà đến trường không quá xa, gây khó khăn trong việc đưa đón của phụ huynh.
Xe buýt đưa rước học sinh được trợ giá theo đầu người
Liên quan đến vấn đề trợ giá đối với xe buýt đưa rước HS tại TP.HCM, một lãnh đạo phòng quản lý vận tải đường bộ thuộc Sở GTVT TP.HCM, cho biết việc trợ giá được thực hiện theo hợp đồng giữa nhà trường, doanh nghiệp vận tải và Trung tâm quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng. Hợp đồng trợ giá không thực hiện theo chuyến mà thực hiện theo số lượng khách. Cụ thể, đối với các trường học khu vực nội thành có mức trợ giá hiện nay là 2.830 đồng/người/lượt; đối với trường ở khu vực ngoại thành như H.Cần Giờ, mức trợ giá 3.537 đồng/người/lượt. Việc thanh toán tiền trợ giá sẽ được thực hiện hằng tháng.
Đ.Mười - An Huy
|
Ý kiến:
“Công ty của tôi và ông xã đều ở cách trường con học khá xa. Đặc biệt hướng trường học của con ngược lại hoàn toàn với hướng làm việc của chúng tôi nên việc đưa đón rất bất tiện. Nhiều lần tôi cũng đề nghị với nhà trường việc sử dụng dịch vụ xe đưa rước. Tuy nhiên, sau đó thì nhà trường không có thông báo lại.
Chị Trần Thị Ánh Hồng (ngụ ở Q.7, TP.HCM)
“Thu nhập của vợ chồng tôi chỉ ở mức vừa đủ chi tiêu. Sách vở của con hằng tháng cũng chỉ mua những thứ thật cần thiết nên khi thấy nhà trường thông báo việc sử dụng dịch vụ xe đưa rước, tôi thật sự không hào hứng. Cứ nghĩ tới việc mỗi tháng lại phải bỏ thêm một khoản tiền tôi thấy rất tiếc nên không đăng ký dịch vụ này”.
Chị Bùi Thị Kiều Trinh (ngụ ở P.9, Q.Gò Vấp, TP.HCM)
|
Bình luận (0)