Sao không xử hình sự?

05/03/2012 03:40 GMT+7

Loạt bài Kinh hoàng heo siêu nạc đăng trên Thanh Niên, phản ánh tình trạng sử dụng chất cấm nhóm Beta Agonists trong nuôi heo, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Loạt bài Kinh hoàng heo siêu nạc đăng trên Thanh Niên, phản ánh tình trạng sử dụng chất cấm nhóm Beta Agonists trong nuôi heo, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Từ phản ánh của phóng viên, dư luận không chỉ quan ngại vì đây là những chất độc hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng con người mà còn băn khoăn về cách thức kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi của cơ quan hữu trách từ T.Ư đến địa phương. Tại sao các chất độc này đã xuất hiện ở nước ta từ năm 2007 nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa dẹp bỏ, thậm chí lại đang có dấu hiệu bùng phát?

Mặc dù Cục Chăn nuôi và các cơ quan chức năng khác khẳng định “không buông lỏng quản lý”, nhưng trong suốt mấy năm qua, chúng ta mới chỉ 2 lần “bắt quả tang” những người có hành vi buôn bán và sử dụng chất cấm. Trong đó, cuối năm 2011, lực lượng Công an tỉnh Đồng Nai bắt quả tang vụ vận chuyển 5 kg chất cấm Sabutamol đi tiêu thụ. Và mới đây nhất là vụ việc do PV Thanh Niên phanh phui. 

"Khó bắt quả tang", ngoài các yếu tố khách quan như người vi phạm xé lẻ hàng, đem đến tận trang trại tiếp thị và người chăn nuôi chỉ cho thứ mà họ coi là “thần dược” này vào máng ăn trước khi đổ cám vào…, còn bởi vì cách thức kiểm soát của cơ quan hữu trách đang có vấn đề khi chỉ đi lấy mẫu tại các cơ sở sản xuất, buôn bán thức ăn chăn nuôi và đại lý bán thuốc thú y giữa thanh thiên bạch nhật. Ông Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai thì lý giải việc xử lý rất khó khăn "vì người bán sử dụng lén lút như ma túy". Tuy nhiên, sự “vào cuộc” của PV Thanh Niên cho thấy việc mua các chất cấm thuộc nhóm Beta Agonists rất dễ dàng, không lén lút như mua ma túy, không chỉ ở một cơ sở bán thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi, không quá khó như những “lời than phiền” của cơ quan hữu trách. Phải chăng, lực lượng chức năng đã không sâu sát, không quyết liệt hoặc thậm chí bị “bịt mắt”?

Ảnh hưởng của các chất cấm này đến sức khỏe người tiêu dùng là điều không có gì phải bàn cãi. Hậu họa của tình trạng lạm dụng các chất cấm trong chăn nuôi, theo ông Nguyễn Xuân Dương, Cục phó Cục Chăn nuôi - Bộ NN-PTNT, còn là việc người tiêu dùng sẽ mất niềm tin, quay lưng lại với thịt nội. Khi đó, thịt ngoại sẽ ào ào tràn vào, trên 3 triệu tấn thịt do dân ta làm ra mỗi năm bán cho ai? 5 - 6 triệu hộ chăn nuôi sẽ sống bằng gì? Vì thế, phải chấm dứt việc nuôi heo bằng chất cấm. Nhưng bằng cách nào để điều đó không chỉ là khẩu hiệu?

Theo thông tin được cung cấp thì cơ quan hữu trách chỉ xử lý hành chính, phạt tiền 6,5 triệu đồng đối với đối tượng bị bắt quả tang đang vận chuyển 5 kg Sabutamol đi tiêu thụ ở Đồng Nai. Nếu đúng như vậy thì hình thức xử phạt này quá nhẹ, chưa thấm vào đâu so với tác hại ghê gớm mà hành vi này để lại. Người ta sẽ lại sẵn sàng bỏ tiền nộp phạt để tái phạm, để kiếm lời. Nạn “nuôi heo siêu nạc” xử như vậy khó có thể dẹp bỏ. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Xuân Dương, bộ luật Hình sự đã có điều khoản quy định có thể truy tố hình sự, bỏ tù các đối tượng này. Chỉ có áp dụng nghiêm quy định "bỏ tù" trong thực tế thì mới đủ sức dẹp được việc nuôi heo nguy hiểm này. Thái Lan và Trung Quốc cũng đều đã dùng “chiếc gậy” hình sự để đối phó tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và đạt được thành công. 

Quang Duẩn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.