Những gì đang xảy ra trong khâu xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ đã được nhiều người làm công tác tuyển sinh lâu năm của các trường dự báo. Tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn khi Bộ GD-ĐT có những quyết định mà không nhìn từ gốc của vấn đề.
Tuyển sinh là việc của các trường nên cần phải để các trường chủ động. Mặc dù vẫn khẳng định điều này nhưng những quy định của Bộ lại là những ràng buộc khiến các trường rất dễ bị động. Điều khó khăn nhất trong xét tuyển hiện nay, theo các trường, nằm ở kho dữ liệu tuyển sinh chung. Phần mềm không hoàn chỉnh, đường truyền yếu khiến việc truy xuất dữ liệu của thí sinh (TS) lúc được, lúc không. Từ đó dẫn đến những trở ngại khác.
Việc TS nộp rồi rút hồ sơ năm nào cũng diễn ra, năm nay cũng vậy. Mọi năm, các trường tự làm, mọi việc đơn giản hơn. Năm nay do dữ liệu chung nên trường có kinh nghiệm sẽ ít khó khăn hơn các trường khác. Vì vậy, TS vất vả khi rút hồ sơ chỉ là hiện tượng chứ không phải là bản chất của tình trạng rối rắm trong việc xét tuyển.
Cái khó hiện nay là sự tương tác giữa các trường với kho dữ liệu trên phần mềm tuyển sinh của Bộ còn nhiều trục trặc. Những thông tin về tuyển sinh cập nhật của các trường mà TS muốn biết mỗi nơi mỗi khác, thiếu rõ ràng.
Nay lại để các sở GD-ĐT và các trường THPT tham gia vào việc chỉnh sửa nguyện vọng xét tuyển của TS không những không giải quyết được vấn đề mà còn gây ra những lo ngại khác.
Từng trường có những đặc thù nên việc xét tuyển cũng không thể giống nhau. Chẳng hạn quy định kéo dài đến 20 ngày xét tuyển đợt 1 có thật sự cần thiết cho tất cả các trường? Có những trường tốp đầu họ đã nhận được TS đủ yêu cầu của trường từ rất sớm, họ có thể công bố sớm. Trường nào chưa được thì kéo dài đến hạn cuối cùng theo quy định. Cứ như hiện nay trường nào cũng như trường nào khiến mọi chuyện càng nặng nề, bị động hơn.
Xét tuyển vào ĐH, CĐ là chuyện bình thường nhưng thời gian qua gây mất ăn, mất ngủ cho TS và phụ huynh, là thời sự nóng hổi trên các phương tiện truyền thông. Cả xã hội rối tung lên vì một chuyện xem ra là đơn giản. Trong khi đó, giáo dục đâu phải chỉ mỗi chuyện thi và xét tuyển.
Thay vì tập trung vào chuyện dạy và học, qua những việc như thế này, dư luận không khỏi có suy nghĩ Bộ chỉ chăm chăm vào những chuyện hành chính, thủ tục, nặng về kỹ thuật. Mà những chuyện như vậy, đâu cần đến sức của Bộ.
Bình luận (0)