Sao Mai Group “lấn sân” ngành du lịch

09/12/2016 08:00 GMT+7

Tập đoàn Sao Mai (ASM) không chỉ khẳng định thương hiệu trên thị trường xuất khẩu thủy sản, chế biến bột - mỡ cá, dầu ăn cao cấp Ranee... mà còn “bén duyên” với ngành du lịch.

Chỉ trong 2 năm trở lại đây, đã có 3 công ty cổ phần du lịch của nhà nước trở thành thành viên của ASM, gồm: Công ty CP du lịch Đồng Tháp, Công ty CP du lịch Phú Hùng - Phú Quốc và Công ty CP du lịch An Giang.
Phát triển thương hiệu gắn với chữ “tâm”
Theo ông Lê Thanh Thuấn, Chủ tịch ASM, tiềm năng du lịch đến từ điều kiện khách quan nhưng biến tiềm năng thành khả năng phụ thuộc vào tầm nhìn và ý chí của con người. Nhiều người thường nghĩ rằng có tiền sẽ thay đổi được bộ máy, phương thức quản lý và đầu tư cơ sở vật chất mới. Tuy nhiên, tiền mới chỉ điều kiện đủ, còn nguồn nhân lực và phương thức quản lý là điều kiện cần. Ở một khía cạnh mang tầm vĩ mô, vấn đề thủ tục đầu tư ở nước ta vẫn còn nhiêu khê. Muốn đầu tư một dự án mới và vận hành trôi chảy phải mất ít nhất 1 năm để có đất sạch và hoàn tất các thủ tục. Nói như thế để thấy rằng muốn tái cấu trúc lại các công ty du lịch cũ, ASM cũng phải mất thời gian khá lâu để xoay chuyển tình thế.
Thời gian qua, ASM đã dám đương đầu với thách thức để phát triển trong mọi hoàn cảnh. Việc tái cấu trúc nguồn nhân lực và ứng dụng phương thức quản lý mới được xem là quyết sách trong tái cấu trúc công ty du lịch. Thứ nhất là tăng cường nguồn nhân lực tốt, đánh giá và giữ lại những bộ phận có khả năng phát triển. Thứ hai là nâng cấp, đầu tư thêm cơ sở vật chất hiện đại, khang trang tại những vị trí tiềm năng. Bên cạnh đó, ASM luôn đề cao vấn đề nguồn nhân lực, xem nhân lực công ty là những người “đồng tay chèo” con thuyền mang tên Sao Mai vươn ra biển lớn, vì vậy Tập đoàn đã giữ lại 100% nhân sự ở các công ty cũ. “Đặc biệt, trong thời kỳ hậu khủng hoảng, tỷ lệ thất nghiệp lao động tăng lên, chúng ta không thể ngẫu hứng cho tất cả nhân viên nghỉ việc để sửa chữa nhiều năm. ASM phát triển thương hiệu gắn liền với chữ “tâm” nên tôi không cho phép mình làm điều đó. Vì thế tôi chấp nhận mất một khoảng thời gian nhất định để sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, từng bước tạo nên diện mạo mới cho các công ty du lịch cũ”, ông Lê Thanh Thuấn chia sẻ.
Tạo luồng gió mới cho du lịch Đồng Tháp
Cũng theo ông Lê Thanh Thuấn, Công ty CP du lịch Đồng Tháp là đơn vị đầu tiên trở thành công ty thành viên ngành du lịch của ASM. Sau một thời gian tiếp quản, ASM nhận thấy công ty này có lực lượng CB-CNV dày dặn kinh nghiệm nhưng việc phân bổ vốn kinh doanh không hợp lý. Vì vậy ASM mong muốn “tôn tạo” lại để có những điểm đột phá xứng tầm với số vốn đã đầu tư.
Ngoài ra, ASM còn khai thác thêm nhiều điểm “vàng” ở tỉnh. Cụ thể, tại TP.Sa Đéc (Đồng Tháp), ASM đang tiến hành xây dựng một nhà hàng hiện đại để phục vụ cho các sự kiện lớn và tham gia đấu thầu triển khai dự án khách sạn 5 sao bên cạnh Co.opmart Sa Đéc. Động thái này không chỉ góp phần thổi luồng sinh khí mới cho vùng đất Sa Đéc mà còn mang lại những điểm sáng mới cho du lịch Đồng Tháp.
Mặc dù còn gặp một số trở ngại nhưng ASM vẫn đang dồn sức cho công cuộc kiến tạo ngành du lịch cho các công ty thành viên, góp phần đánh thức tiềm năng du lịch khu vực ĐBSCL, giúp ASM khai thác hiệu quả và phát triển bền vững ngành du lịch trong thời gian không xa.
Chưa đầy 5 năm qua, ASM đã có những “cú nhảy” ngoạn mục về quy mô sở hữu các công ty thành viên, vốn điều lệ lên gần 6.000 tỉ đồng và nguồn nhân lực hơn 7.000 người. Ngày 12.12 tới đây, tại TP.Long Xuyên (An Giang), ASM sẽ ra mắt Công ty CP du lịch An Giang. Đây là nghi thức chào đón công ty thành viên thứ 16 của Tập đoàn.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.