|
Bộ nói miễn, Sở nói chưa thực hiện được
Như đã thông tin ở số báo trước, theo công văn hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ công nghệ thông tin năm học 2013 - 2014 của Bộ GD-ĐT thì dịch vụ sổ liên lạc điện tử (SLLĐT) hoàn toàn miễn phí. Theo ông Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Bộ GD-ĐT, một số công ty đã tích hợp thành công SLLĐT, dịch vụ báo điểm miễn phí vào các phần mềm quản lý trường học. Nhà trường chỉ cần sử dụng các phần mềm này là hoàn toàn có thể cung cấp thông tin miễn phí cho học sinh thay vì sử dụng dịch vụ tin nhắn thu phí.
Tuy vậy, ông Nguyễn Trọng Cường, Trưởng phòng Công nghệ thông tin Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết: “Cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực chưa được đầu tư để làm việc này. Liên hệ với các doanh nghiệp thì không có đơn vị nào tài trợ miễn phí cả. Chúng tôi chưa tìm ra hướng để thực hiện theo yêu cầu của Bộ”.
Ông Nguyễn Văn Đang, Trưởng phòng Công nghệ thông tin, Sở GD-ĐT Bắc Ninh, cũng nói: “Bộ đề ra yêu cầu như vậy nhưng không có hướng dẫn cụ thể làm thế nào để có thể sử dụng SLLĐT miễn phí nên chúng tôi cũng chưa thể thực hiện được”. Tỉnh này còn dự kiến triển khai dịch vụ này tới 100% các trường trong năm học 2014 - 2015.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Đang cho biết: “Kế hoạch này đã được dừng lại sau khi Bộ có hướng dẫn thực hiện kế hoạch về công nghệ thông tin trong năm học 2014 - 2015, trong đó Bộ nêu rõ không khuyến khích các trường sử dụng dịch vụ SLLĐT có thu phí”.
Phần mềm miễn phí, tin nhắn phải trả tiền !
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho hay Sở đã phối hợp với Viettel nối cáp quang và triển khai phần mềm quản lý nhà trường đến hầu hết các trường. Với các phương tiện kỹ thuật này, các trường sẽ hệ thống thông tin dữ liệu cập nhật điểm số của học sinh. Vì vậy phụ huynh có thể đăng ký địa chỉ thư điện tử để nhà trường gửi thông tin theo từng học kỳ mà không phải chịu bất cứ một khoản phí nào.
Về phía nhà trường, ông Hiếu cho biết các trường có nhiệm vụ thông báo và hướng dẫn phụ huynh truy cập vào website thông qua tài khoản của mỗi học sinh để nắm thông tin khi cần thiết. Ông Hiếu cũng thông tin hiện nay trên thị trường có rất nhiều phần mềm quản lý nhà trường với nguyên tắc hoạt động tương đối giống nhau. Nhà trường muốn sử dụng phần mềm nào cũng được nhưng trên nguyên tắc là phải miễn phí. Còn việc sử dụng tin nhắn hằng ngày qua điện thoại là dịch vụ riêng lẻ, phụ huynh phải trả tiền theo cước tin nhắn.
|
Còn ông Nguyễn Trọng Hoàn, Phó chánh văn phòng Sở GD-ĐT Nghệ An, cho biết đến thời điểm hiện tại Sở chưa có chủ trương chỉ đạo triển khai sử dụng SLLĐT trong trường. Việc sử dụng là quyền của phụ huynh. “Sở không cho phép, nếu trường nào bị phát hiện bắt buộc phụ huynh, học sinh sử dụng SLLĐT, Sở sẽ có hình thức xử lý”, ông Hoàn khẳng định.
Tuy nhiên, tại thỏa thuận hợp tác về việc triển khai dịch vụ quản lý giáo dục và sổ liên lạc điện tử giữa Sở GD-ĐT Nghệ An và VNPT Nghệ An số 142 ngày 25.10.2013, có nội dung: “VNPT Nghệ An được quyền thu phí hoặc không thu phí đối với gia đình học sinh đăng ký sử dụng sổ liên lạc bằng hình thức nhận tin nhắn SMS”. Với kiểu thỏa thuận lấp lửng này thì VNPT Nghệ An hoàn toàn có thể triển khai dịch vụ tin nhắn thu phí của phụ huynh.
Lạm dụng, học sinh sẽ thụ động
Chị Thư Hiên, một phụ huynh có con học tiểu học ở Hà Nội, nêu quan điểm: “Tôi không tiếc vài chục nghìn đồng/tháng cho SLLĐT nhưng tôi muốn rèn cho con kỹ năng chủ động và thái độ biết chịu trách nhiệm trong việc học hành của mình. Con phải tự ghi và nhớ những gì giáo viên yêu cầu. Nếu phụ huynh cứ nhận được tin nhắn hằng ngày về việc các con phải học gì và nhắc nhở thì con sẽ có tâm lý ỷ lại, dần dần trở nên rất thụ động - bảo thì làm, không thì thôi”.
Mặt khác, cũng theo chị Thư Hiên, phụ huynh cũng cần quan tâm đến con bằng việc xem xét sách vở của con, trao đổi trực tiếp để con chia sẻ những vấn đề con gặp phải ở trường để cùng hướng dẫn cách giải quyết. Nếu chỉ nhận những tin nhắn lạnh lùng ấy rồi chê trách hoặc coi thông tin như vậy là đủ thì sẽ khiến con cái và cha mẹ ngày càng xa cách, không tìm được tiếng nói chung.
Chị H.Anh, phụ huynh một trường tiểu học tại Q.1 (TP.HCM), cho rằng việc này chỉ cần thiết cho một số học sinh trong những ngày đầu tiên của lớp 1, chưa biết viết chữ. Còn đến học kỳ 2 của lớp 1 thì càng không nên vì việc tự ghi những thông tin báo bài cũng là một cách rèn chính tả.
Ông Nguyễn Văn Vượng, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (Q.Tân Bình, TP.HCM), cũng băn khoăn về lợi ích thiết thực của việc sử dụng dịch vụ này. “Thông tin về điểm số quan trọng nhưng cần thiết hơn cả vẫn là sự phối hợp giữa giáo viên với phụ huynh. Việc trao đổi thường xuyên và trực tiếp từ hai phía sẽ nắm vững, thúc đẩy quá trình học tập của các em. Đồng thời trong trường bộ phận giám thị cũng giám sát rất kỹ, trao đổi kịp thời với phụ huynh việc thực hiện nội quy học tập, sinh hoạt của học sinh. Nếu có những thông tin đột xuất thì học sinh ở lứa tuổi này đều đã tiếp nhận một cách rõ ràng”.
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý - giáo dục Hà Nội, phân tích: “Ngay từ nhỏ, học sinh cũng cần được rèn luyện ghi nhớ lời thầy cô và chịu trách nhiệm khi bỏ sót công việc của mình. Nếu người lớn cứ nhắn cho nhau công việc cần làm của học sinh thì sẽ tạo ra một sự thụ động rất nguy hiểm cho các cháu”. Cũng theo ông Lâm, nguy hiểm hơn khi công nghệ thông tin lúc đó trở thành kẻ “mách lẻo” trước khi các cháu có cơ hội bày tỏ với cha mẹ vì sao con mắc lỗi ở trường. Việc lúc nào cũng có cảm giác bị theo dõi, bị “tố” tội sẽ tạo cho trẻ tâm lý ngày càng lì lợm, bất cần. “Do đó, trước khi áp dụng SLLĐT, các trường cần quan tâm, chú ý đến tâm lý, thái độ của học sinh. Việc sử dụng SLLĐT cũng nên có liều lượng vừa phải và tùy đối tượng”, ông Lâm đề nghị.
Cũng theo ông Tùng Lâm, phụ huynh cũng vì SLLĐT hằng ngày mà ít có trao đổi, gặp gỡ phối hợp trực tiếp với giáo viên của con. Vì vậy mối quan hệ giữa gia đình - nhà trường trong giáo dục con trẻ sẽ theo hướng lạnh lùng, vô cảm hơn.
T.Nguyễn - B.Thanh - K.Hoan - L.Hoàn
>> Sao phải trả tiền sổ liên lạc điện tử ?
>> Vì sao sổ liên lạc điện tử chưa phổ biến?
>> Phụ huynh cần sổ liên lạc điện tử?
Bình luận (0)