Sao phim truyền hình ngày ấy, bây giờ: Gặp cha 'thằng Cò', nghe chuyện 'Đất phương Nam'

24/06/2015 09:23 GMT+7

(TNO) Đã gần 20 năm, trải qua hàng chục vai diễn, vậy mà nhiều khán giả vẫn trìu mến gọi NSƯT Mạnh Dung bằng cái tên 'ông Ba Rắn' bắt nguồn từ vai diễn của ông trong bộ phim Đất phương Nam . Điều đáng nói là dù đã bước vào tuổi 'xưa nay hiếm' nhưng 'ông già Nam bộ' quắc thước ngày nào vẫn miệt mài với nghệ thuật đến nỗi lớp trẻ cũng phải chào thua vì sức lực và sự bền bỉ của ông.

(TNO) Đã gần 20 năm, trải qua hàng chục vai diễn, vậy mà nhiều khán giả vẫn trìu mến gọi NSƯT Mạnh Dung bằng cái tên 'ông Ba Rắn' bắt nguồn từ vai diễn của ông trong bộ phim Đất phương Nam. Điều đáng nói là dù đã bước vào tuổi 'xưa nay hiếm' nhưng 'ông già Nam bộ' quắc thước ngày nào vẫn miệt mài với nghệ thuật đến nỗi lớp trẻ cũng phải chào thua vì sức lực và sự bền bỉ của ông.

NSƯT Mạnh Dung chết danh "ông Ba Rắn" sau phim Đất phương Nam - Ảnh: Chụp màn hình
Bị rắn cắn, thổ huyết trên phim trường Đất phương Nam
Những khán giả yêu mến bộ phim Đất phương Nam sẽ khó lòng quên được nhân vật ông Ba bắt rắn, cha của "thằng Cò". Giữa vùng sông nước Nam bộ mênh mông, hình ảnh một ông già mặc bà ba, quấn khăn rằn, tóc búi sau gáy, dáng người gầy nhom mà yêu nước, can trường đã trở thành một biểu tượng trong phim.
Bằng diễn xuất tự nhiên, NSƯT Mạnh Dung đã làm bật lên khí chất của một ông già Nam bộ hồn hậu, khẳng khái và đầy nghĩa tình. Thế nhưng, ít ai biết rằng "ông Ba Rắn" ngoài đời lại là người... gốc Bắc. Ai hỏi "sao mà hay quá vậy", ông chỉ cười, đáp: "Khi mình sống với một nhân vật thì bất luận nhân vật đó là ai, vùng miền nào thì mình cũng phải quên mình đi và sống theo họ".
Nghe thì dễ nhưng để có được sự am hiểu và nhập vai đến độ người ta phải gọi một diễn viên gốc Bắc bằng cụm từ "ông già Nam bộ" cho đến tận hôm nay không phải dễ dàng. Nói đến điều này, phải kể đến cuộc đời "như phim" của NSƯT Mạnh Dung. Cha làm nghề soát vé của tàu Bắc - Nam nên từ khi lọt lòng mẹ, ông đã xem tàu là nhà, ga là quê hương. Thậm chí cái tên Mạnh Dung thì chữ Dung cũng là đọc trại từ Vinh - cái ga mà ông chào đời.
Tuổi thơ hun hút theo những chuyến tàu xuôi ngược đã giúp NSƯT Mạnh Dung dễ dàng thích nghi với hoàn cảnh. Có lần, ra miền Trung đóng phim, ông được giao vai một người làm nước mắm. Ông đứng quan sát hồi lâu rồi bắt tay vào làm. Người dân xem ông đóng phim thì xầm xì bàn tán: "Mấy ông ở thành phố vào thì biết làm gì đâu". Vậy rồi khi nhìn ông thao tác hệt như người làm nước mắm lành nghề, người ta bắt đầu hoài nghi đây có phải là một lão nông làm nước mắm không?
NSƯT Mạnh Dung kể về những vai diễn mà ông từng thể hiện trên phim - Ảnh: Thiên Hương
Với vai ông Ba Rắn trong Đất phương Nam cũng vậy. Những con rắn đưa vào phim phần lớn đều được may miệng nhưng vẫn còn nọc độc. NSƯT Mạnh Dung kể nghệ sĩ Hồ Kiểng là người chính gốc Nam bộ vậy mà có lần (trong một bộ phim khác), bắt rắn bỏ vào hom, thay vì đưa đầu vào trước thì ông lại đưa đuôi rắn vào. Vậy là nọc độc chảy vào tay, Hồ Kiểng hôn mê tưởng như không qua khỏi, may mà vẫn còn sống. 
Đóng những cảnh này sợ lắm chứ vì người ta đi bắt rắn phải mang ủng, đeo kính, còn mình thì tay không bắt rắn nhưng lúc vào phim trường thì quên sợ hẳn. Nhờ vậy mà giờ tôi cũng có chút kinh nghiệm về rắn
NSƯT Mạnh Dung
"Những con rắn trong Đất phương Nam mà tôi và thằng Cò (Phùng Ngọc), thằng An (Hùng Thuận) bắt đã được khâu miệng bằng dây cước nhưng vẫn còn nọc như thường nên phải có người trại rắn theo sát". Nói đoạn, NSƯT Mạnh Dung chìa dấu răng rắn còn hiện rõ mồn một trên mu bàn tay.
Ông kể: "Đây nè, dấu tích còn lại là của rắn bông súng. Lúc đó, theo yêu cầu của đạo diễn Vinh Sơn, tôi bóc ra rất nhiều rắn để giơ lên cho bà con xem. Mình bóc ra mà mình không để ý, bóp mạnh tay quá, có con đau nên cắn bụp một phát vào tay mình. Rắn bông súng không độc nhưng cắn vào thì buốt lắm. Đóng những cảnh này sợ lắm chứ vì người ta đi bắt rắn phải mang ủng, đeo kính, còn mình thì tay không bắt rắn nhưng lúc vào phim trường thì quên sợ hẳn. Nhờ vậy mà giờ tôi cũng có chút kinh nghiệm về rắn". 
Cảnh lội sông giết thằng Tây cũng là một trong những cảnh nhớ đời của NSƯT Mạnh Dung. Cảnh quay này được ghi hình ở Cần Giuộc. Những ngày quay, trời mưa dầm dề, NSƯT Mạnh Dung lúc đó đang bệnh nặng vậy mà vẫn phải ngụp lặn dưới nước.

NSƯT Mạnh Dung trong cảnh quay ông Ba Rắn bắn chết thằng Tây phim Đất phương Nam - Ảnh: Chụp màn hình

Rồi đến cảnh quay gia đình Mười Chức ở đồng Nọc Nạn, đạo diễn Vinh Sơn yêu cầu NSƯT Mạnh Dung phải chạy thật nhanh trên cánh đồng rộng mênh mông. Cái đất Nam bộ càng chạy càng lún sâu, rút chân này lên thì chân kia lún xuống. NSƯT Mạnh Dung cứ cố chạy đến khi thổ huyết ra. Ông buộc lòng phải nói với đạo diễn Vinh Sơn rằng: "Sơn ơi, anh bệnh lắm rồi, nếu một lần nữa bắt anh chạy chắc anh sẽ chết trước khi xong phim".
Đó là chưa kể những ngày quay cảnh làm nhà, phải ngụp lặn dưới sông suốt từ sáng đến chiều. Nước ở Cần Giờ gặp lá cây phân hủy, hôi thúi không chịu được, vậy mà vẫn phải hít vào. Sau đợt đó, NSƯT Mạnh Dung mắc khá nhiều chứng bệnh như viêm họng, viêm xoang... Có như thế mới biết để hoàn thành bộ phim này, các diễn viên, không riêng gì NSƯT Mạnh Dung, đã phải bỏ biết bao công sức, tâm huyết cho vai diễn của mình.
"Ông già gân" miệt mài với phim ảnh
Giờ đây, khi đã bước vào hàng U80, NSƯT Mạnh Dung vẫn tự chạy xe máy đi khắp các phim trường, thậm chí còn chở vợ - nghệ sĩ Thanh Dậu đi đóng phim. Ông "khoe" vừa theo đoàn làm phim đi Hà Nội, Đà Lạt... và sắp tới là xuống Vĩnh Long.
Cũng bởi thế mà hẹn gặp "ông già Nam bộ" vô cùng khó khăn bởi lịch làm việc của ông lúc nào cũng dày đặc. Khi chúng tôi thực hiện bài viết này, cũng là lúc NSƯT Mạnh Dung vừa dự xong Đại hội Hội Điện ảnh TP.HCM lại tất tả lôi kịch bản ra đọc để chuẩn bị cho dự án phim mới.
Dù đã ở cái tuổi "xưa nay hiếm", "ông Ba Rắn" vẫn còn rất khỏe. Tóc búi sau gáy, dáng người gầy nhom nhưng nhanh nhẹn. Ít ai biết, nghệ sĩ Mạnh Dung thời trai trẻ còn là kép chánh của đoàn cải lương Kim Chung lừng danh ngoài Bắc. Ngoài công việc đi diễn, NSƯT Mạnh Dung còn từng là giảng viên của Trường Sân khấu điện ảnh TP.HCM nhiều năm liền. Ngoài ra, ông còn kinh qua cả vai trò đạo diễn. 
Tuy nhiên, những năm gần đây, NSƯT Mạnh Dung đã xin nghỉ hưu và chỉ tham gia đóng phim để duy trì niềm đam mê của mình. Điều đáng khâm phục ở "ông già Nam bộ" này là dù nghỉ hưu, ông vẫn có những suy nghĩ rất lạc quan: "Mình phải biết dừng đúng lúc. Những người lớn tuổi nhiều kinh nghiệm nhưng sự nhạy bén, nhanh nhẹn và sức khỏe không còn nữa thì phải nhường lại cho lớp trẻ. Nếu cứ bảo thủ thì sẽ làm trì trệ những người khác".
Dù đã bước sang hàng U80, NSƯT Mạnh Dung vẫn miệt mài với phim ảnh - Ảnh: Thiên Hương
Dẫu vậy, khi nói đến chủ đề phim ảnh, dăm ba chén trà cũng chưa hết chuyện với "lão nghệ sĩ" này. Nói về nguyên nhân khiến những bộ phim ngày trước như Cánh đồng hoang, Đất phương Nam... cứ chiếu đi chiếu lại nhiều mà vẫn khiến khán giả coi hoài không chán, NSƯT Mạnh Dung lý giải: "Có lẽ ngày trước, cũng vì những người làm phim không đặt vấn đề kinh tế lên đầu mà coi trọng đặt vấn đề trách nhiệm và nghệ thuật. Một bộ phim có mình tham gia, dù vai lớn hay vai nhỏ, cũng đều mong cho nó được thành công. Lúc đó, đời sống kinh tế không o ép như bây giờ. Tuy nhiên, cũng không thể so sánh bởi hai thời khác nhau. Bây giờ mình đi chữa bệnh cũng phải có tiền mới chữa được. Mình làm việc thì phải trả công xứng đáng, mình mới làm. Chúng ta không so sánh mà chỉ đặt ra câu hỏi vì sao ngày xưa đóng phim rất cực nhưng diễn viên lại rất tâm huyết với nghề, còn bây giờ cát sê cao nhưng lại thiếu đi những bộ phim để lại dấu ấn trong lòng khán giả?".
Theo NSƯT Mạnh Dung, thời xưa, điện ảnh chưa được xã hội hóa, đời sống diễn viên rất khó khăn bởi kinh phí làm phim phải gói ghém trong ngần ấy tiền nhưng bù lại, nghệ sĩ làm nghề vô tư, đặt chất lượng tác phẩm lên đầu. "Tôi đóng nhiều phim mà vai diễn khiến người ta quên bẵng tên mình đi chính là vai ông Ba Rắn trong Đất phương Nam. Điều này thì không gì mua cho được. Bây giờ thì vẫn đặt trách nhiệm lên trên nhưng sau đó thì cũng phải nói đến vấn đề kinh tế vì không có tiền sao mua thuốc để uống mà tiếp tục làm nghề", ông cười hề hề.
Hình vợ chồng NSƯT Mạnh Dung
NSƯT Mạnh Dung và NSƯT Thanh Dậu - Ảnh: Thiên Hương
Hiện tại, NSƯT Mạnh Dung đang sống cùng vợ trong căn nhà bình dị tại một chung cư trên đường Đinh Tiên Hoàng (TP.HCM). Hai con của ông, một trai, một gái, tuy không nối nghiệp cha mẹ nhưng luôn ủng hộ ông bà sống với đam mê của mình. Khi chúng tôi đến nhà gặp "ông Ba Rắn" cũng là lúc nghệ sĩ Thanh Dậu và cô con gái đang chuẩn bị bữa cơm đặc biệt mừng Ngày của ba. Không khí gia đình vô cùng ấm cúng.
Kết hôn hơn 50 năm nhưng NSƯT Mạnh Dung và NSƯT Thanh Dậu vẫn dành cho nhau những cử chỉ quan tâm, ngọt ngào. Mỗi khi ông đi diễn xa là bà lại chuẩn bị nào là dầu gió, thuốc men, khăn áo kèm thêm những lời dặn dò, nhắn nhủ. Gian nhà nhỏ treo rất nhiều hình ảnh của hai người từ thời trẻ đến tận bây giờ.
Giữa lúc vợ chuẩn bị bữa cơm trưa, NSƯT Mạnh Dung tranh thủ đọc lại kịch bản. Điện thoại để bên cạnh nhưng ông chủ yếu nghe gọi, không biết... nhắn tin. Ông bảo: "Ngay cả kịch bản này, người ta nhắn tin mà tôi có biết đâu, phải gọi điện mới biết rồi chạy đến hãng phim mang về".
Hỏi NSƯT Mạnh Dung khi nào mới "chịu" nghỉ ngơi, ông nói ngay: "Trời cho mình còn khỏe đến chừng nào, khán giả còn yêu mến mình đến chừng nào thì mình còn làm, còn phấn đấu. Chỉ mong rằng mỗi phim có mình xuất hiện đều để lại cảm tình trong lòng người xem". 
Bất ngờ khi biết thông tin về "thằng Cò"
Khi chúng tôi chia sẻ thông tin về cuộc sống hiện tại của Phùng Ngọc - người từng vào vai "thằng Cò" trong Đất phương Nam, NSƯT Mạnh Dung tỏ ra khá bất ngờ.
Ông cho biết sau bộ phim Đất phương Nam, ông có gặp lại Phùng Ngọc trong phim Ông nội và cháu đích tôn. "Sau này thì tôi không còn gặp cũng không có tin tức gì về Phùng Ngọc vì về sau, không thấy cậu ấy làm nghề nữa. Như Hùng Thuận thì thỉnh thoảng ông cháu vẫn gặp nhau", NSƯT Mạnh Dung chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.