Sao rồi, sao rồi?

17/07/2010 14:05 GMT+7

(TNTS) Dạo trước, chồng một cô học viên cao học ở Huế bỗng dưng người gầy tọp, sụt đến 14 kg, đang phải nằm viện. Tin đồn ra ngoài, nói như đinh đóng cột, anh này bị AIDS. Thế là hôm sau, nhiều vị giảng sư khả kính âm thầm đi xét nghiệm HIV. Nghe kể khôi hài lắm, các giảng sư gặp nhau ở trung tâm xét nghiệm nhưng mặt cứ giả lơ nhau coi như không nhìn thấy, chết cười!

Những người gặp nhau không chỉ là các vị dạy lớp cao học mà có rất nhiều giảng viên, vì cô học viên này từng vượt khó học bổ túc văn hóa hết PTTH, rồi chịu khó lên học đại học tại chức, từ đó chịu mọi thứ để vào cao học cũng ở trường này.

Vui hơn nữa là vợ của các vị khả kính kia cũng biết chuyện nên điện thoại cho nhau, hỏi: "Sao rồi, sao rồi?". Ha ha, vui phết!

*

Dạo này rộn lên tin, một em X nào đó sinh con. Em này vốn nổi tiếng nay nổi tiếng hơn nhờ vào sự chuyên nghiệp. Khi quyết định sinh con, hai người đã ra công chứng chứng thực tất cả tài sản riêng của mình trước khi có con với nhau. Chuyện này ở nước ngoài không lạ nhưng ở ta thấy cũng ngồ ngộ.

Cuộc sống của hai người chưa kết hôn mà có con chung gần như được lập trình. Họ chọn trước một nhóm bác sĩ cho ca đỡ đẻ. Đến giờ sinh đến bệnh viện đó, nhóm bác sĩ đó đã sẵn sàng. Và tất nhiên là mẹ tròn con vuông!

Cũng rất chuyên nghiệp, cháu bé được xét nghiệm ADN ngay. Kết quả chưa  ai biết thế nào.

Nghe chuyện, nhiều người bàn tán, bữa ni chuyên nghiệp sướng thiệt. Xét cái biết liền. Không như ngày xưa chờ lớn lên, thậm chí già đi mới biết. Ví dụ đến lúc đứa con lớn lên, già đi, nếu tóc bạc râu đen thì đoán là con ông này; tóc bạc râu bạc là con ông kia; vừa ria vừa râu là con ông nọ; có năng khiếu gì thì nghi cho người gần đó... Đâm ra nhiều cặp vợ chồng nghi kỵ lẫn nhau, mất đoàn kết, rất có thể tan nát gia đình.

Nhưng cũng có nhiều người băn khoăn, xét nghiệm thì chính xác, nhưng người công bố kết quả xét nghiệm mới là quan trọng. Không khéo một cha chết tiệt nào đó nó biết chắc của mình nhưng lại đút lót đểđổ thừa cho cha khác... Chuyện này về lý thuyết có thể xảy ra nên cũng chưa biết sao mà lần.

Nghe nói trong lúc chờ biết tin chính xác, người được coi là "thủ phạm đương nhiên" không hề hé răng, không biểu lộ vui buồn nên bàn dân thiên hạ càng tò mò hơn. Điều kỳ lạ là nhiều cha điện thoại hỏi nhau "Sao mày, sao mày?".Không biết sao mày là sao?

Mấy bà vợ có chồng trong diện "nghi can" cũng liên lạc với nhau hỏi "Sao rồi, sao rồi?". Không biết sao rồi là sao?

*

Một cặp vợ chồng quyền cao chức trọng có hai con gái lại muốn kiếm thêm thằng cu nối dõi nên vợ có bầu. Sợ ảnh hưởng vị trí công tác nên chị vợ xin đi học lên cao. Rời xa nơi mình ở vừa học hành vừa sinh con mà không ai biết. Sau hai năm học cao, chị vợ ra về tay cầm tấm bằng thạc sĩ, tay dắt đứa con trai nói là con nuôi. Vẹn cả đôi đường. Cả gia đình vui vẻ, hạnh phúc vô ngần.

Năm tháng trôi qua, hai vợ chồng cùng thăng tiến. Khi hay tin cả hai vợ chồng được cơ cấu vào chức vụ cao hơn thì có người đâm đơn kiện. Đơn nói rằng vợ chồng ông này đã sinh con thứ ba, vi phạm chủ trương mỗi gia đình chỉ một hoặc hai con. Đứa con mà vợ ông ấy dắt về nói là con nuôi chính là con đẻ của vợ chồng ông.

Để chứng minh đó là con nuôi thật, người đứng đơn yêu cầu xét nghiệm ADN cả ba người: cha - con, mẹ - con. Mọi phí tổn do người đứng đơn chịu. Vì đơn có người đứng tên cụ thể nên tổ chức không thể không xem xét. 

Một thời gian sau, người kiện không còn kiện nữa, ông chồng được thăng chức nhưng chị vợ thì không. Bàn dân thiên hạ xì xào, ông ấy được lên chức chứng tỏ không phải con ông ấy thiệt. Bà ấy không được lên chức chứng tỏ đứa con đó là con ruột bà ấy chứ không phải con nuôi... Tùm lum hết lên.

Khi hai vợ chồng ông sống ly thân, người ta càng nghi hơn nên hỏi nhau "Sao rồi, sao rồi?". Không biết sao rồi là sao?

Hiện đại cũng thiệt là... hại điện!

Nguyễn Thế Thịnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.