Sao thể thao được thưởng tết ra sao ?

30/01/2021 09:09 GMT+7

Hầu hết VĐV thể thao Việt Nam không có thưởng tết như nhiều ngành nghề khác, nên tiền tết của họ chính là khoản thưởng từ thành tích thi đấu trong năm. Nhưng dịch Covid-19 hoành hành cả năm qua khiến VĐV thất thu lớn.

 

Giành vé đi Olympic mà không được thưởng

Võ sĩ quyền anh quê Bắc Ninh Nguyễn Văn Đương là người có thành tích quốc tế đáng kể nhất trong năm 2020 khi đoạt vé tham dự Olympic Tokyo nhờ giành HCĐ vòng đấu loại khu vực châu Á diễn ra tại Jordan hồi tháng 3. Kết quả xuất sắc này giúp Đương về nhì trong cuộc bầu chọn danh hiệu VĐV tiêu biểu Việt Nam năm 2020. Nhưng quá thiệt thòi cho Đương, bởi mặc dù giành “cú đúp” thành tích ngoạn mục như vừa kể trên nhưng anh không được đồng tiền thưởng nào bởi vòng đấu loại Olympic không nằm trong hệ thống tính thưởng của Tổng cục TDTT lẫn địa phương.
Cũng vì dịch bệnh Covid-19 phức tạp trên toàn thế giới mà tất cả giải đấu quốc tế trong năm 2020 (kể từ tháng 5) gần như bị hủy hoặc hoãn vô thời hạn. Khá may mắn khi tại Việt Nam, các giải thể thao quốc nội vẫn được khởi tranh và đây có thể được coi như nguồn động lực lớn của các VĐV Việt Nam, không chỉ thuần túy chuyên môn mà còn về giá trị vật chất. Vẫn tranh tài 2 giải thuộc hệ thống tính thưởng của địa phương, Văn Đương được thưởng 21 triệu đồng (15 triệu đồng cho tấm HCV vô địch quốc gia, 6 triệu đồng cho HCV Cúp quốc gia). Đương tự coi đó là tiền thưởng tết. Ngày 30.1, Đương được rời Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia TP.HCM về quê nhà Bắc Ninh ăn tết cùng gia đình. Anh cầu mong dịch bệnh sớm được dập tắt, vắc xin phòng bệnh sớm đại trà để các giải quốc tế, đặc biệt Olympic không bị hủy bỏ để mình được lần đầu thử sức ở giải đấu lớn nhất hành tinh.
Nữ hoàng tốc độ Lê Tú Chinh năm nay không thể tham dự giải quốc tế nào nên cũng thất thu tiền thưởng. Tú Chinh cũng không có khoản thưởng tết mà trông chờ vào tiền thưởng từ thành tích thi đấu trong năm. Năm 2020 được xem là thành công của cô gái tuổi Sửu khi đoạt tới 5 HCV giải vô địch quốc gia, 3 HCV Cúp tốc độ TP.HCM, 2 HCV giải TP.HCM mở rộng. Tuy nhiên theo quy định, ngành thể thao TP.HCM cũng chỉ thưởng cho thành tích ở giải vô địch quốc gia là 5 triệu đồng/HCV nên tổng tiền thưởng trong năm của Tú Chinh cũng tầm 25 triệu đồng. Đồng đội của Chinh ở tuyển điền kinh quốc gia - Quách Thị Lan được đơn vị chủ quản Thanh Hóa thưởng 30 triệu đồng nhờ giành 2 HCV cá nhân, 1 HCV tiếp sức tại giải điền kinh quốc gia. Anh của Lan là Quách Công Lịch được nhận 24 triệu đồng vì đoạt 1 HCV cá nhân, 2 HCV tiếp sức cũng ở giải quốc gia. Chinh, Lan, Lịch sẽ trích một phần từ tiền thưởng làm quỹ tiêu tết. Rủng rỉnh hơn một chút có lẽ là cô gái quê Bắc Giang Nguyễn Thị Oanh - đương kim vô địch SEA Games môn điền kinh. Oanh giành 4 HCV giải vô địch quốc gia, HCV giải leo núi Bà Rá. Do Bắc Giang tính lương, thưởng theo hệ số nên những thành tích trên sẽ giúp Nguyễn Thị Oanh “ôm” khoản thưởng kha khá đủ ăn tết “có thịt”. Ngoài ra với việc phá kỷ lục quốc gia đã tồn tại 17 năm ở nội dung 10.000 m nữ, Oanh còn được thưởng nóng 20 triệu đồng. Cô còn tham dự nhiều giải marathon phong trào nên cũng kiếm được kha khá tiền thưởng. Riêng tiền thưởng tết năm nay cô chưa biết sẽ được bao nhiêu vì dự kiến đến ngày 28 tết mới được nhận.

Cầu thủ bóng đá - Nơi rủng rỉnh, nơi “tằn tiện”

Khoảng hơn 10 năm về trước, các CLB bóng đá tại V-League thưởng rất lớn cho cầu thủ vào dịp tết. Thời đó, có cầu thủ từng khoe rằng phải “khệ nệ” ôm một đống tiền thưởng tết vì đội bóng không chuyển khoản mà thưởng bằng tiền mặt, cỡ khoảng 60 - 70 triệu đồng. Nhưng câu chuyện đó xưa rồi. Các đội giờ không thưởng tết một con số khá khủng như thế mà có phần khiêm tốn hơn. Các năm trước, đương kim á quân V-League Hà Nội được nhận thưởng khoảng gần 1 tháng trước tết nhưng năm nay chưa thấy Tập đoàn T&T thông báo cụ thể là bao nhiêu. Một thành viên của đội tiết lộ, hy vọng vẫn sẽ được kha khá như năm ngoái. Cỡ như đội trưởng Văn Quyết, thưởng tết dao động trên dưới 40 triệu đồng. Các cầu thủ trẻ như Quang Hải, Thành Chung thì ít hơn.
Đấy là đội được coi “đại gia”. Còn đội không quá dư dả về tài chính như SLNA cũng cố gắng thưởng tết cho cầu thủ, tương đương 1 tháng lương, cao nhất 20 triệu đồng/người, còn thấp hơn thì 8 - 15 triệu đồng. Thật ngạc nhiên khi một đội bóng khá có tiếng ở khu vực phía nam, tiền thưởng tết lại rất thấp. Một cầu thủ của CLB này tiết lộ: “Chúng tôi chỉ được nhận 2 - 3 triệu đồng. Năm nào cũng thế, quen rồi. Chắc xuân này cũng chỉ thế. Nhưng bù lại, sau mỗi trận thắng, đội lại được thưởng cao. Nên tiền tết có thấp chút cũng không thấy tủi thân đâu”.
Được chăm sóc bởi một ông bầu có tiềm lực tài chính nên CLB futsal Thái Sơn Nam nhận tiền tết là 1 tháng lương, mà lương của cầu thủ đội này rất đáng ngưỡng mộ: Cao nhất khoảng 30 triệu, 40 triệu đồng/người; thấp nhất cũng khoảng 12 triệu đồng. Còn nếu đặt lên bàn cân để so sánh với bóng đá nữ thì dĩ nhiên, các cầu thủ nam luôn hưởng chế độ đãi ngộ cao hơn, bao gồm cả tiền tết. Ví dụ như đương kim vô địch giải nữ quốc gia là CLB TP.HCM, mỗi cầu thủ được khoảng 3,5 - 4 triệu đồng/người. Còn những đội như Hà Nam thì vài trăm nghìn đồng/cầu thủ. Năm nay không có giải quốc tế nào nên các cầu thủ nữ coi như “trắng tay” tiền thưởng nên được đồng nào kể cả ít ỏi cũng là đáng quý lắm rồi!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.