Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 19: Đi học ở tuổi 40

26/02/2013 03:35 GMT+7

Người hâm mộ bóng đá VN không thể nào quên cô gái nhỏ nhắn, nhưng rất lì trên sân bóng là vua phá lưới một thời của bóng đá nữ Lưu Ngọc Mai.

Người hâm mộ bóng đá VN không thể nào quên cô gái nhỏ nhắn, nhưng rất lì trên sân bóng là vua phá lưới một thời của bóng đá nữ Lưu Ngọc Mai.  

>> Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 18: Cao thủ taekwondo huấn luyện shorinji kempo

Dân đá phủi hay đá ở sân Tao Đàn từ hơn 3 năm qua mỗi khi thi đấu đều may mắn được gặp ngôi sao một thời của bóng đá nữ VN trong vai trò trọng tài. Với tấm bằng trọng tài quốc gia, Lưu Ngọc Mai cũng thường được phân công làm trọng tài ở các giải đấu phong trào như một cách để giúp cô tăng thêm thu nhập. Bởi với khoản tiền lương của trợ lý HLV hơn 3 triệu đồng/tháng cộng thêm tiền ăn dành cho HLV thì Mai khá chật vật để xoay xở giữa TP.HCM đắt đỏ.

Chính vì thế, sau một ngày huấn luyện ở sân bóng, Ngọc Mai chỉ dành thời gian nghỉ ngơi, xem ti vi hoặc nghe nhạc, thỉnh thoảng cà phê tán gẫu với bạn bè, chứ hiếm khi dám vung tiền mua sắm như sở thích của các bạn nữ khác.

Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 19: Đi học ở tuổi 40
Trợ lý HLV Lưu Ngọc Mai đang hướng dẫn các cầu thủ nữ TP.HCM - Ảnh: Khả Hòa

Để phục vụ cho nghề tốt hơn, Lưu Ngọc Mai đã quyết định theo học năm đầu tiên Đại học TDTT. Hỏi chị vì sao bước lên giảng đường khi đã ở tuổi 40, Mai nói lạc quan: “Tuổi nào cũng học được mà. Quan trọng là tôi muốn có thêm kiến thức để giảng dạy cho đàn em. Tôi tin rằng mình sẽ vượt qua 4 năm đại học một cách suôn sẻ”.

Rồi Mai tâm sự, trước đây do bận thi đấu và phải dành thời gian học các bằng cấp huấn luyện nên không thể sắp xếp thời gian học lấy bằng đại học để lận lưng. Bước vào công tác huấn luyện, Ngọc Mai thấy rõ hơn sự hy sinh mà giới má hồng phải chấp nhận khi gắn đời mình với quả bóng tròn. “Nhìn mấy cầu thủ nữ dầm mưa dãi nắng ăn tập suốt ngày này đến ngày khác mình cũng thấy đồng cảm với mấy em. Ước một ngày nào đó, kinh tế VN phát triển, mồ hôi nước mắt các cầu thủ nữ bỏ ra trên sân bóng được trả công một cách tương xứng, để họ có thể toàn tâm toàn ý cống hiến hết mình”.

Ngọc Mai nói rằng cô rất ray rứt mỗi khi các cầu thủ xách giỏ rời đội vì không thể chịu nổi sự khắc nghiệt của môn bóng đá với cầu thủ nữ. Nhưng buồn nhất là khi thấy những cầu thủ có đam mê và tố chất tốt nhưng phải sớm chia tay bóng đá vì gia đình không cho phép. “Khó lắm, hồi xưa tụi Mai toàn phải trốn gia đình mới có thể đi tập đá banh. Bây giờ có nhiều môn thể thao hơn để lựa chọn, nên không ai muốn con em mình phải tàn phai dung nhan trên sân bóng mỗi ngày”.

 

Lưu Ngọc Mai sinh ngày 10.5.1974. Cô thuộc thế hệ đầu của bóng đá nữ TP.HCM, nhiều năm vô địch quốc gia, từng giành HCV bóng đá nữ SEA Games 2001, 2003, đoạt quả bóng vàng nữ VN đầu tiên năm 2001.

Theo Ngọc Mai, đó cũng là nguyên nhân chính khiến bóng đá VN bị chững lại và ngày càng ít cầu thủ giỏi để giúp đội tuyển nữ VN tiến xa trên đấu trường Đông Nam Á. Mai nói: “Tôi chỉ hy vọng bóng đá nữ được quan tâm và các em có thu nhập chỉ bằng một nửa của bóng đá nam là cầu thủ nữ có thể yên tâm sống chết với nghề và bóng đá nữ sẽ có cơ hội phát triển nhiều hơn”. 

“Sát thủ”

Bóng đá nữ VN thống trị Đông Nam Á đầu những năm 2000 gắn liền với tên tuổi chân sút lẫy lừng Lưu Ngọc Mai. Thân hình nhỏ thó lọt thỏm trong bộ quần áo thi đấu rộng thùng thình, nhưng Mai di chuyển nhanh như sóc.

Nhớ lại hồi đó, mỗi khi tới kỳ SEA Games, các báo thể thao trong khu vực đều gọi Ngọc Mai là “sát thủ” số 1 Đông Nam Á mà các đối thủ khác phải dè chừng.

Không có lợi thế về thể hình và thể lực, nhưng Mai lại thi đấu khôn khéo, chọn điểm rơi tốt và biết xuất hiện đúng thời điểm để tung ra những cú sút trái phá xé toang mành lưới đối phương. Bây giờ, Ngọc Mai đã giã từ sân cỏ gần 10 năm, nhưng vẫn chưa có tiền đạo nào có thể làm lu mờ hình ảnh của cô.

Sau khi cùng đội tuyển VN đoạt HCV SEA Games 2003, Ngọc Mai quyết định treo giày ở tuổi 30. Độ tuổi mà Mai thừa nhận đã quá già để chơi bóng đá đỉnh cao. Dù sau đó, Mai được nhiều công ty lớn nhận vào làm việc như sự tưởng thưởng cho những cống hiến của cô, nhưng cô đã từ chối, bởi “nếu vào các công ty đó thì chắc mình chỉ ăn bám chứ chẳng thể cống hiến được gì vì không có chuyên môn”.

Thế là Mai quyết định dấn thân vào nghiệp HLV để được làm việc mình yêu thích và tiếp tục cống hiến cho thể thao TP.HCM. Xem Ngọc Mai hướng dẫn các cầu thủ đội tuyển TP.HCM tập luyện cho giải vô địch quốc gia 2013, mới thấy được “chất lửa” trong người phụ nữ đam mê bóng đá này. Dù chỉ là trợ lý nhưng Mai luôn hò hét, đốc thúc các học trò của mình tập luyện. Nhiệt huyết đó đã giúp Mai làm nên tên tuổi, bởi với Mai làm bất cứ điều gì cũng phải nỗ lực hết mình.

Ngọc Mai hy vọng trong tương lai không xa VN sẽ có những trung tâm đào tạo bóng đá nữ như các học viện đào tạo trẻ của HAGL, PVF hay Viettel... để đội tuyển nữ VN có thể tiến đến đấu trường World Cup.

Quang Huy

>> Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 18: Cao thủ taekwondo huấn luyện shorinji kempo
>> Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 17: Nỗi lòng nữ hoàng xứ Huế
>> Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 16: Cựu thủ môn mở lò đào tạo
>> Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 15: Bà mẹ 33 tuổi múa quyền
>> Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 14: “Sét đánh” với Trương Việt Hoàng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.