Trong làng điền kinh Việt Nam, chắc sẽ còn lâu lắm mới có người xô đổ được kỷ lục 8 lần liên tiếp vô địch giải việt dã toàn quốc do vận động viên Lưu Văn Hùng đang nắm giữ.
>> Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 20: Cô gái silat vẫn giữ lửa với nghề
Từ chiếc huy chương đồng đầu tiên đến đỉnh cao
Năm 1988, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Lưu Văn Hùng thi vào Trường trung cấp Sư phạm thể dục thể thao Thanh Hóa với dự tính sau khi ra trường sẽ về làm thầy giáo dạy môn thể dục thể chất ở một trường THCS thuộc huyện miền núi Thạch Thành (Thanh Hóa) quê anh. Ở thời điểm ấy, ngay cả những HLV giàu kinh nghiệm của ngành thể thao Thanh Hóa cũng ít người nghĩ rằng Lưu Văn Hùng sẽ trở thành một VĐV điền kinh chuyên nghiệp, chứ chưa nói đến việc anh sẽ trở thành một VĐV có đẳng cấp như sau này. Bởi lúc nào Hùng cũng tỏ ra thong thả đến chậm chạp, với nụ cười hiền lành luôn hiện trên khuôn mặt chất phác của anh. Nhưng có một người là HLV Phạm Minh Đức của Sở TDTT Thanh Hóa đã nhận ra bên trong dáng vẻ không mấy cao to và chậm chạp ấy của Hùng lại có một nguồn nội lực mạnh mẽ và một ý chí phi thường.
|
Vì vậy, vào năm 1991, khi HLV Đức gọi Hùng vào đội tuyển điền kinh của Thanh Hóa tham dự giải việt dã toàn quốc, không ít người ngạc nhiên. “Thực tình ngày đó mọi người và ngay cả bản thân tôi cũng chỉ nghĩ mình tham gia cho có phong trào thôi. Thêm vào đó mình cũng nghĩ mấy năm đi học sư phạm thể thao, nên một lần thử sức cho biết. Ai ngờ, ngay lần đầu tiên ấy tôi đã giành được tấm HCĐ cho đoàn Thanh Hóa…”. Và chính chiếc HCĐ đầu tiên ấy đã khiến sự nghiệp của Hùng chuyển sang hướng mới.
Điền kinh vốn là môn đòi hỏi VĐV phải kiên trì trong luyện tập, nếu không có một nền tảng thể lực dẻo dai cùng với sự đam mê nghề nghiệp thì dù có dùng dopping cũng không thể thành công. Hiểu được điều đó, nên khi đã trở thành VĐV chuyên nghiệp, Hùng bắt đầu lao vào luyện tập. Bước chân anh đã chạy gần khắp các cung đường của xứ Thanh, nhưng đường chạy quen thuộc nhất chính là cung đường từ nhà anh ở H.Thạch Thành xuống TP.Thanh Hóa dài khoảng 60 km.
|
Ngày ấy, đường sá chưa tấp nập người xe như bây giờ, vì vậy sáng sáng, bất kể mưa gió, rét mướt, người dân dọc hai bên QL1 vẫn thường thấy một chàng trai chạy phăm phăm trên đường. Buổi chiều họ lại thấy anh chạy ngược trở về TP.Thanh Hóa. Thi thoảng vào những ngày cuối tuần lại có một cô gái chạy xe máy theo với nước uống và vài ba chiếc bánh ngọt để tiếp sức cho anh. Người con gái vẫn lẽo đẽo theo Lưu Văn Hùng trong những tháng ngày ấy sau này đã trở thành vợ của anh. "Tôi lấy vợ năm 1995, sau khi 2 lần giành quán quân vào năm 1993 và 1994. Bình thường sau khi lập gia đình, phong độ của các VĐV thường có chiều hướng đi xuống, nhưng tôi thì khác. Lấy vợ xong, phong độ lại càng trở nên ổn định hơn trước rất nhiều. Tất cả là nhờ sự sẻ chia, chăm sóc của vợ tôi cả đấy”, Hùng tâm sự.
Phía sau nhà vô địch
Năm 2.000, sau khi bị đứt gân chân trong quá trình luyện tập, Hùng đã giã từ sự nghiệp thi đấu và chuyển qua công tác HLV cho Sở TDTT Thanh Hóa. Hiện anh là Phó phòng Quản lý huấn luyện và là HLV trưởng bộ môn điền kinh tại Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT Thanh Hóa. "Nếu không dính chấn thương thì tôi cũng sẽ dừng sự nghiệp thi đấu vào năm 2000, bởi khi ấy tôi đã 34 tuổi rồi. Với tôi, thành công trong sự nghiệp là quan trọng, nhưng gia đình mới là số 1. Mình phải tham gia luyện tập, thi đấu quanh năm suốt tháng, nên mọi việc trong nhà đều một tay vợ lo toan vun vén. Vì vậy, mình muốn có nhiều thời gian hơn để cùng cô ấy lo toan cho gia đình”, Hùng chia sẻ.
Tâm sự với tôi, điều mà Lưu Văn Hùng tự hào không chỉ là những tấm huy chương mà đó còn là một gia đình yên ấm. Cậu con trai đầu của Hùng năm nay học lớp 11 chuyên tin Trường THPT chuyên Lam Sơn. “Cháu học toán rất khá, đoạt giải nhì tại kỳ thi học sinh giỏi toán toàn tỉnh và được tuyển thẳng vào Trường Lam Sơn cơ đấy. Bây giờ lo lắng nhất của vợ chồng tôi là hướng cho cháu chọn trường đại học để thi, sau này dễ kiếm công ăn việc làm”, Hùng tâm sự.
Giờ đây, trên cương vị là một HLV, gạt những vinh quang của cá nhân sang một bên, Hùng vẫn còn nhiều suy tư về cái nghề đã cho anh danh tiếng và hiện anh đang dìu dắt lớp học trò đi theo. "Ngày trước điều kiện luyện tập vất vả lắm. Nhóm tôi có 3 VĐV, nhưng chỉ có mỗi một đôi giày mềm, anh em phải thay nhau luyện tập đến khi nó rách bươm ra mới thôi. Bây giờ điều kiện đầy đủ hơn nhưng tôi chưa thấy niềm đam mê và sự nỗ lực hết mình của các em. Nhiều người đã sớm trượt dốc chỉ sau một vài lần chiến thắng. Các em không hiểu được rằng, làm thể thao nghĩa là phải kiên trì và nỗ lực liên tục ngay cả khi đã ở đỉnh cao. Nếu không đủ nghị lực để vượt lên chính mình thì làm sao có thể đi đến vinh quang”.
Ngọc Minh
>> Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 20: Cô gái silat vẫn giữ lửa với nghề
>> Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 20: Cựu danh thủ bóng bàn thành phóng viên
>> Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 19: Đi học ở tuổi 40
>> Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 18: Cao thủ taekwondo huấn luyện shorinji kempo
>> Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 17: Nỗi lòng nữ hoàng xứ Huế
>> Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 16: Cựu thủ môn mở lò đào tạo
Bình luận (0)