Cựu “nữ hoàng” quần vợt Việt Nam Nguyễn Thùy Dung nay là cô chủ chuỗi cửa hàng ẩm thực Yoway Frozen Yogurt tại TP.HCM vốn được đông đảo bạn trẻ yêu thích.
Không muốn mang tiếng dựa hơi gia đình
Nguyễn Thùy Dung bước vào làng quần vợt Việt Nam với lợi thế nhất định so với các tay vợt còn lại. Điều kiện kinh tế gia đình khá tốt là cơ hội để Thùy Dung tầm sư học quần vợt khắp thế giới, từ Học viện Vic Braden danh tiếng (Mỹ) đến Học viện Sutton (Anh) rồi Asia Tennis tại Thái Lan. Không phủ nhận lợi thế này, nhưng Thùy Dung cho biết thêm nếu không “dầm mưa dãi nắng” trên sân tập, không dồn hết đam mê cho quần vợt thì làm sao cô có thể lên ngôi số 1 Việt Nam năm 2006, nhất là trở thành tay vợt nữ Việt Nam có thứ hạng thế giới cao nhất - hạng 609 vào năm 2010.
Cuối năm 2010, Thùy Dung bất ngờ quyết định gác vợt khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp. Cô lý giải: “Thật sự tôi còn rất đam mê, nhưng một phần do chấn thương, phần thì thấy tương lai mơ hồ quá, nhất là không còn cơ hội để phát triển khi quần vợt nữ Việt Nam thật ra rất khó vươn lên tầm thế giới nên đành phải dừng bước”. Rẽ nghiệp kinh doanh, Thùy Dung vẫn không muốn mình là chiếc bóng của bố mẹ. “Nhiều người chỉ đánh giá cao thành công của những người đi lên từ tay trắng, còn những người đã có nền tảng thì việc thành công của họ thường được coi là lẽ đương nhiên. 100 người nhìn vào tôi hiện tại, có lẽ đến 99 người nghĩ rằng nếu họ cũng có được sự hỗ trợ từ gia đình như tôi, họ cũng có thể làm được như vậy. Tôi cho rằng đã bước vào kinh doanh thì người tay trắng hay có “chỗ dựa” đều có cơ hội ngang nhau. Tất cả cùng khởi đầu bằng đam mê, nếu người tay trắng xem việc kinh doanh như một canh bạc, chỉ có hai kết quả thắng hoặc thua nên họ thường có quyết tâm và nỗ lực rất lớn để biến “ý tưởng” thành sự thật, thì những người có nền tảng lại càng khao khát sự thành công, tự khẳng định bản thân để không mang tiếng là chỉ biết “dựa hơi” gia đình”, Thùy Dung tâm sự.
Tạo sự khác biệt trong kinh doanh
Trong kinh doanh ẩm thực, để khác biệt, người chủ phải biết tìm tòi và kết hợp các thành phần để tạo ra những món ăn, thức uống mang bản sắc riêng. Những chuyến ra nước ngoài tập huấn, Thùy Dung đã thu thập được những món độc đáo và bổ dưỡng đem về làm tại tiệm của mình, đơn cử như món Frozen Yogurt hay còn gọi là ya ua kem.
Thùy Dung thổ lộ thời gian chuẩn bị mở cửa hàng ya ua kem, cô thường xuyên phải đổ đi hết vài trăm ký yogurt để tìm ra một công thức tốt nhất, mỗi ngày ngủ vài tiếng đồng hồ để thử... “Lúc ấy nhìn tôi như “con ma” vì một mình phải lo từ khâu thiết kế, lên chiến lược kinh doanh cho tiệm, xoay xở đủ kiểu, có những lúc tủi thân rơi nước mắt”, Thùy Dung kể.
Cựu ngôi sao quần vợt Việt Nam hy vọng với tâm huyết và cố gắng của mình, việc kinh doanh sẽ thành công như Dung từng thành công với quần vợt.
Không bỏ quần vợt
Bận rộn chăm lo cho chuỗi cửa hàng nhưng Thùy Dung vẫn đau đáu giấc mơ mở học viện quần vợt ngay tại Việt Nam. Thùy Dung cho biết ở Việt Nam không thiếu tài năng quần vợt nhưng gia đình không có điều kiện kinh tế để đưa con mình ra nước ngoài tập huấn dài hạn. Việc mở học viện quần vợt trong nước sẽ tháo gỡ phần nào khó khăn của các em khi không phải tốn nhiều chi phí mà vẫn được luyện tập trong môi trường chuyên nghiệp với các HLV quốc tế giỏi. Điển hình trong khu vực Đông Nam Á, Thái Lan đã mở được nhiều học viện đào tạo ra những tay vợt chất lượng.
“Khi ổn định kinh doanh, tôi sẽ triển khai dự án thành lập học viện quần vợt mà mình ấp ủ bấy lâu nay. Tôi muốn góp một phần nào đó để xây dựng quần vợt Việt Nam có nhiều tài năng tốt hơn trong tương lai”, Thùy Dung nói.
Nguyễn Thùy Dung sinh năm 1987 tại Hà Nội. Tay vợt nữ số 1 Việt Nam từ năm 2006 đến 2009. Tham dự nhiều giải quốc tế trong hệ thống thi đấu nhà nghề nữ thế giới với thứ hạng cao nhất 609. Đoạt ngôi vô địch giải quần vợt nhà nghề Mỹ (USTA) mở rộng năm 2010. Tham dự SEA Games từ năm 2003 đến 2009, giành HCĐ đồng đội nữ SEA Games năm 2003. |
Hoàng Quỳnh
Bình luận (0)