Đang là huấn luyện viên bộ môn điền kinh tại Trường trung cấp Thể dục thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế, phụ trách huấn luyện các vận động viên trẻ, Đỗ Thị Bông cho chúng tôi biết tháng 6 tới đây cô sẽ lên xe hoa.
>> Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 28: Nhờ võ từ bỏ tật xấu
Làm gì cũng phải học
Đó là thông tin mới nhất mà cô gái đang giữ kỷ lục điền kinh SEA Games ở cự ly 800 m nữ, Đỗ Thị Bông cho chúng tôi biết. Bông chia sẻ thêm: “Về cuộc sống, tôi là người được tỉnh quan tâm khá nhiều. Trước đó, tôi được tỉnh ưu tiên bán cho một lô đất tại khu quy hoạch Xuân Phú với giá hợp lý. Nhưng do không có tiền để mua, nên tôi đã bán lại cho người khác”. Sau khi bán suất đất ưu tiên, Bông đã mua một mảnh đất nhỏ trong con hẻm đường Phan Chu Trinh, TP.Huế rồi làm một căn nhà cấp 4 để ở. Cuộc sống như vậy đối với cô cũng đã tạm ổn. Bông tiết lộ thêm, chồng tương lai của cô làm thiết kế điện mỹ thuật cho các công trình xây dựng, thu nhập ổn định nên cũng tương đối yên tâm.
|
Khác với nhiều VĐV sau khi rời giải đấu phải làm nhiều công việc trái chuyên môn, Bông may mắn được làm đúng đam mê của mình, đó là phụ trách huấn luyện các VĐV trẻ trong đội tuyển điền kinh của tỉnh Thừa Thiên-Huế. “Công việc của tôi hiện nay tuy thu nhập không cao, chừng hơn 3,5 triệu đồng/tháng, nhưng được cái phù hợp với chuyên môn và có môi trường làm việc tốt, các anh chị trong bộ môn đều đoàn kết, gắn bó, thương yêu nhau nên mình cũng cảm thấy hài lòng” - Đỗ Thị Bông tâm sự.
|
Năm 2006, sau ASIAD lần thứ 15 tại Qatar, bị chấn thương dây chằng nên Đỗ Thị Bông đã chính thức rời đường chạy. “Trước đây, khi còn là VĐV mình cũng nhận được nhiều lời mời của các trung tâm thể thao lớn với hứa hẹn mức thu nhập cao hơn, nhưng do suy nghĩ muốn có công việc ổn định thì phải học tập, có bằng cấp hẳn hoi nên mình quyết định đi học” - Bông chia sẻ. Mặc dù có biên chế trong ngành TDTT của tỉnh, nhưng để chuẩn bị công việc cho tương lai, Bông đã quyết định vào học Trường đại học TDTT T.Ư 3 tại Đà Nẵng. Năm 2009, Bông tốt nghiệp đại học và trở về công tác huấn luyện tại bộ môn điền kinh của Trường trung cấp TDTT tỉnh Thừa Thiên-Huế từ đó đến nay.
Từng bị “cấm chạy”
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông ở xã Phú Đa (H.Phú Vang, Thừa Thiên-Huế) nhưng từ nhỏ Bông đã có năng khiếu chạy. Ở các cuộc thi điền kinh cấp trường, huyện, rồi cấp tỉnh, Bông luôn giành giải thưởng. Chị cho biết: “Hồi đó tôi đang học cấp 3 tại Trường THPT Phú Đa, sau khi tham dự Hội khỏe Phù Đổng bất ngờ lọt vào “mắt xanh” của các HLV điền kinh. Tuy vậy, khi có giấy triệu tập vào đội tuyển, ba tôi đã cương quyết không cho theo nghiệp thể thao. Gia đình tôi có nhiều anh chị con chú, con bác đều theo ngành công an nên hồi đó ba bắt tôi đi thi công an. Thuyết phục mãi ba vẫn không đồng ý. Song nhờ sự động viên của bạn bè, thầy cô, nhất là thầy giáo dạy môn thể dục Trường cấp 2- 3 Phú Đa nên cuối cùng ba cũng đồng ý cho tôi đi tập luyện”.
Dù phấn đấu tập luyện không ngừng, nhưng Bông không hề lơ là việc học. Kết quả học tập của Bông cũng xếp loại khá trong trường. Năm 2000, khi đang học lớp 12, Bông được gọi vào đội tuyển quốc gia và phải lên đường sang Trung Quốc tập luyện gần một năm. Vậy mà sau khi về chị đăng ký thi vào Trường ĐH Nông Lâm Hà Nội là đậu ngay năm đầu.
Trăn trở lớn nhất của Bông hiện nay đó là những năm gần đây, thành tích của các VĐV trẻ của tỉnh không được cao ở các giải đấu. “Đã làm thể thao thì ai cũng mong muốn có thành tích. Thế nhưng, do hiện nay các trung tâm lớn đầu tư quá mạnh nên Thừa Thiên-Huế đang bị tụt lại. Thực tế trong công tác huấn luyện, tôi nhận thấy hiện ở đội tuyển của tỉnh cũng có rất nhiều gương mặt triển vọng. Thế nhưng, do không có cơ hội nên các em chưa thể phát huy tài năng. Mới đây nhất, đầu năm 2013, UBND tỉnh vừa có quyết định nâng mức chế độ dinh dưỡng đặc thù cho vận động viên, huấn luyện viên thể thao thành tích cao trong thời gian tập trung tập luyện, tập trung thi đấu ở trong nước và chế độ chi tiêu tài chính đối với các giải thi đấu thể thao tại tỉnh Thừa Thiên-Huế. Hy vọng với những nỗ lực này, thể thao nói chung và bộ môn điền kinh nói riêng của Thừa Thiên-Huế sẽ có chuyển biến và khởi sắc” - Bông nói.
Bùi Ngọc Long
>> Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 28: Nhờ võ từ bỏ tật xấu
>> Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 27: Từ cô công nhân tới nhà vô địch thế giới
>> Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 26: Kỳ thủ mở trường
>> Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 25: Gái bóng bàn như hoa thủy tinh
>> Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 25: Hữu Đang tận tụy với nghề
Bình luận (0)