Sau 10 năm treo giày, danh thủ Văn Sĩ Hùng vẫn đau đáu với bóng đá, quyết định quay về Nghệ An dù cuộc sống đã ổn định ở TP.HCM để nuôi giấc mơ đào tạo những cầu thủ tiềm năng.
Đá bóng bằng cả trái tim
Nhìn lại 12 năm khoác áo cầu thủ của mình, Văn Sĩ Hùng nói hồi đó anh đến với môn thể thao vua hoàn toàn chỉ xuất phát từ niềm đam mê chứ không nghĩ làm phương tiện để kiếm kế mưu sinh. “Cầu thủ bóng đá lúc đó được xem là viên chức nhà nước, sống bằng đồng lương do ngân sách trả. Mỗi tháng lương tôi được hơn 400.000 đồng, cộng với ít tiền hỗ trợ từ nhà tài trợ giải và tiền thưởng sau những trận thắng mang tính quyết định hoặc sau mỗi lần vô địch. Nguồn thu nhập như thế ai dám nghĩ đến làm giàu”, Văn Sĩ Hùng nhớ lại.
Thế nhưng, Văn Sĩ Hùng nói nếu được lựa chọn, anh vẫn chọn cái thời đó để làm cầu thủ chứ không phải thời điểm bây giờ. Bởi “Thời điểm đó, đồng tiền chưa chi phối vào trái tim cầu thủ nên chúng tôi rất vô tư, trong sáng, ra sân là đá hết mình, tận lực để cống hiến”. Cũng vì thế nên bây giờ anh cảm thấy hài lòng với những gì đã làm được trong quãng đời cầu thủ.
12 năm khoác áo cầu thủ của Văn Sĩ Hùng để lại những tình cảm đẹp và chân thành trong lòng người hâm mộ. Văn Sĩ Hùng kể, hồi anh mới bị gãy chân phải, một ông cụ từ huyện miền núi tỉnh Nghệ An đón xe đò lặn lội tìm đến nhà anh ở TP.Vinh, mang theo hai con gà biếu anh để “ăn cho mau lành mà đá bóng”. Mới đây, khi anh đang học lớp huấn luyện viên tại Huế, có ông cụ người Huế đến khách sạn anh đang ở và nói vợ chồng cụ rất mê bóng đá, yêu quý anh từ lâu nhưng chưa có dịp gặp, do biết anh đang ở đây nên đến mời anh tới nhà ăn cơm một bữa. Những cử chỉ xuất phát từ tấm lòng của những người hâm mộ làm Văn Sĩ Hùng rất xúc động.
|
Giấc mơ lớn
Trung tâm đào tạo bóng đá mang tên VST ra đời tại thị xã Cửa Lò, Nghệ An vào năm 2000. Đây được xem là một quyết định táo bạo của hai anh em nhà Văn Sĩ - Văn Sĩ Hùng và em trai Văn Sĩ Thủy. Để có 10 tỉ đồng mở “lò” đào tạo này, hai anh em đã phải cầm cố nhà cửa, bán cả ô tô và vay mượn nhiều nơi. Tâm huyết và gia tài của hai anh em gần như dốc hết, ném vào lò đào tạo này. Thế nhưng, giông bão đã ập đến. Thách thức về nguồn tài chính để nuôi trung tâm quá lớn, buộc cả hai sau đó phải chuyển đội bóng mà mình nhọc công gầy dựng cho ông chủ Hải An ở TP.HCM tiếp tục nuôi dưỡng.
Không thể để ý định tâm huyết này phá sản hoàn toàn, Văn Sĩ Hùng sau đó đã mua lại trung tâm này. Kế hoạch đưa trung tâm hoạt động trở lại của anh nhận được sự chia sẻ của bầu Hiển, ông chủ Tập đoàn T&T. “Anh Hiển gọi điện nói muốn đầu tư cho trung tâm của tôi. Tôi hỏi anh có ý định gì với trung tâm này, anh Hiển nói đầu tư không vì lợi nhuận mà chỉ có một mục đích là đào tạo được những cầu thủ giỏi, đạo đức tốt cho bóng đá nước nhà. Gặp được người chung ý tưởng, tôi rất mừng. Tôi quyết định quay về Nghệ An để tiếp tục thực hiện giấc mơ đào tạo cầu thủ trẻ, vì đây là nơi có rất nhiều tiềm năng bóng đá mà nếu không phát hiện ra để phát triển thì sẽ rất uổng. Làm ăn nguyên tắc phải tính lợi nhuận, nhưng chúng tôi hiện nay chưa tính đến chuyện đó mà đang làm vì niềm đam mê”, anh Hùng kể. Sau đó, Văn Sĩ Hùng rời TP.HCM, đưa vợ con trở về lại quê hương để tiếp tục sự nghiệp “trồng” cầu thủ.
Sau gần 2 năm “gieo giống” với 100 em từ 11 đến 18 tuổi, đến nay trung tâm đào tạo này đã cho kết quả khả quan, khi đội U.19 của trung tâm dù không lọt vào vòng chung kết nhưng đã vượt qua nhiều đội bóng có tên tuổi ở vòng loại U.19 năm nay. Mỗi năm, để nuôi được trung tâm này, anh tốn khoảng 5-6 tỉ đồng. Trong thời điểm hiện nay, có người nói sự đầu tư cho bóng đá như thế là mạo hiểm. Thế nhưng với Văn Sĩ Hùng, gặt hái được thành công từ trong gian khó mới là thành quả có giá trị, và anh đang rất tự tin, hạnh phúc với việc mình làm.
Văn Sĩ Hùng sinh năm 1970, là con trai của cựu danh thủ Văn Sĩ Chi một thời lẫy lừng trong màu áo Thể Công. Ba người em trai của Hùng (Văn Sĩ Sơn, Văn Sĩ Thủy, Văn Sĩ Linh) đều theo nghiệp cha, cũng là những cầu thủ khá nổi tiếng của SLNA. Dù nhỏ con nhưng tiền đạo Văn Sĩ Hùng có kỹ thuật cá nhân cực khéo và tư duy chiến thuật nhạy bén, đã cùng SLNA vô địch quốc gia (năm 2000 và 2001), HAGL vô địch mùa 2002-2003 ghi 2 bàn thắng gỡ hòa trước chủ nhà Indonesia, góp phần giúp đội tuyển VN vào bán kết ở SEA Games 19 năm 1997. Anh ghi bàn thắng để đời nâng tỷ số 3-0 trước Thái Lan ở bán kết Tiger Cup 1998, được báo chí khu vực gọi là “Little Boy” (chàng trai nhỏ). |
Khánh Hoan
Bình luận (0)