Từ giã sự nghiệp VĐV khá lẫy lừng và về “khoác áo” Cục Hợp tác quốc tế Tổng cục TDTT, ước mơ được khám phá nhiều vùng đất của cô gái vàng wushu Việt Nam Đàm Thanh Xuân như càng được chắp thêm cánh.
>> Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 46: Kỷ lục gia ném đĩa thành quản lý nhà ăn
>> Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 45: Người của mỗi sớm mai
>> Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 44: Nhà vô địch và cây vợt gỗ
>> Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 43: Đếm ngày được làm mẹ
Một năm đi biển 5 lần
Rảnh là khoác ba lô lên đường. Xuân bảo chị thích đi biển hơn cả, từ Trà Cổ (Quảng Ninh) tới Phan Thiết (Bình Thuận), Phú Quốc (Kiên Giang). Một năm không đi 4 - 5 lần thì... ăn không ngon, ngủ không yên. Người đồng hành không ai khác là chồng Xuân, nhân vật trong mối tình “thanh mai trúc mã” từ năm lên 10 của chị. Chồng hơn Xuân 1 tuổi, cùng là dân wushu, hai người cùng lớn lên ở con phố Đốc Ngữ, cùng vã mồ hôi trên sàn thi đấu Trịnh Hoài Đức, cùng chong đèn ôn bài ở ĐH TDTT Thượng Hải (Trung Quốc). Nhắm mắt lại, chị có thể hình dung tất cả những kỷ niệm trên những con phố, dòng sông, ngọn đồi họ đã đi cùng bao nhiêu năm tháng qua...
Có thể bản tính phóng khoáng trong người phụ nữ vốn rất mạnh mẽ, bền bỉ này thúc giục chị không bao giờ chịu ngồi yên một chỗ. Xuân bảo từ ngày còn đi học đã không thích chơi với con gái “vì sợ sự ủy mị, ý tứ đến khách sáo”. Đến bây giờ, Xuân và 3 chàng trai học cùng chị từ ngày cấp 2 vẫn là một bộ tứ rất ăn ý. Họ hay dẫn vợ, con về tụ tập cùng gia đình Xuân nấu ăn, đi du lịch. Được về làm ở Cục Hợp tác quốc tế, với Xuân, như cá gặp nước, cô được trải nghiệm cuộc sống ở nhiều vùng đất, nếm đủ các món ăn, thưởng thức văn hóa của bao nhiêu dân tộc. Thế nhưng người phụ nữ khôn ngoan như Xuân luôn biết thế nào là vừa, và đủ. Chị ý thức được việc mình đã có một gia đình, những chuyến đi chơi riêng chỉ có hai vợ chồng tạm ít đi, những chuyến đi công tác luôn được sắp xếp một cách ổn thỏa nhất.
|
Từ khi là một đứa trẻ bướng bỉnh cho đến khi là một phụ nữ 29 tuổi, “sở thích” lo nghĩ cho người khác vẫn không chịu rời Xuân. 11 tuổi, tập huấn ở Trung Quốc, đều đặn hằng tháng cô bé Xuân ra bưu điện gửi một phong thư trong đó có 3 phong bì nhỏ hơn, 1 cho ông bà ngoại, 1 cho bố mẹ và 1 cho em gái. Có khi số thư trong một phong bì còn là 6, 7 khi cậu, chú, cô, dì ở nhà cũng được nhận thư của Xuân. Năm 1999, 14 tuổi, huy chương vàng vô địch wushu thế giới lần đầu tiên đến với Xuân, cô bé rưng rưng nghe Quốc ca Tổ quốc vang lên giữa xứ người. Thoắt một cái, không thấy Xuân đâu. Đổ xô đi tìm, trưởng đoàn mới thấy Xuân đứng trước sảnh khách sạn, miệt mài bỏ từng đồng tiền xu vào trạm điện thoại, giọng véo von mà mắt ướt sũng: “Mẹ ơi, con vô địch rồi, con được HCV mẹ ạ!”.
Tôi chưa bao giờ hối hận
|
Xuân may mắn khi được sinh ra trong một gia đình có truyền thống thể thao (bố mẹ Xuân là VĐV điền kinh, từng học thạc sĩ bên Nga). Năm Xuân 9 tuổi, thầy Xuân Thi, HLV trưởng đội tuyển wushu Việt Nam, hàng xóm nhà Xuân vừa nhìn thấy cô bé hoạt bát đã hỏi ngay bố mẹ Xuân cho con đi tập. Xuân chưa biết gì là wushu, nghe mẹ nói giống như múa võ trong phim chưởng Hồng Kông, tập cho khỏe thì đồng ý ngay. Mà Xuân khỏe hơn nhờ wushu thật, cô bé hen suyễn mãn tính từ ngày 6 tháng tuổi theo bố mẹ từ Nga về nước bỗng lớn phổng phao và chỉ trong thời gian ngắn đã là nữ hoàng của wushu sau đàn chị Thúy Hiền.
Xuân giã từ sự nghiệp thi đấu năm 2005, năm chị đang ở đỉnh cao phong độ. Mọi người khuyên bảo, can ngăn, “lôi kéo” Xuân về làm HLV nhưng chị vẫn kiên quyết học du học ngành quản lý thể thao. Chị bảo không muốn người hâm mộ nhớ về chị như một “quả chanh bỏ vỏ”, hết khả năng thì giải nghệ. Khao khát được học đại học trỗi dậy mạnh mẽ trong chị. Đây cũng là lý do vì sao suốt 12 năm, Xuân học ở các trường phổ thông được học sinh giỏi trước sự ngưỡng mộ của bạn bè. Ngay sau khi vô địch thế giới lần đầu năm 1999. Thành công đến liên tiếp với Xuân khi một mình chị sở hữu 3 HCV vô địch thế giới, nhiều năm vô địch Đông Nam Á, châu Á. Đến bây giờ, khi rời xa sàn đấu, gắn với công việc hoàn toàn mới lạ, quá khứ vàng son như một động lực để Xuân đứng lên sau những vấp ngã. Wushu nói riêng và thể thao nói chung đã cho chị một bản lĩnh mạnh mẽ. “Nhiều người thấy con đường tôi đi đến thành công khá bằng lặng. Nhưng có thể vì tôi không đầu hàng trước bất kể khó khăn gì!”, Xuân bảo.
Hiện tại, Xuân khá hài lòng với cuộc sống mình đang có. Chồng Xuân đang học thạc sĩ TDTT nước ngoài, có điều kiện hai vợ chồng vẫn đi biển Quảng Ninh như sở thích ngày chưa cưới. Xuân ở cùng bố mẹ và gia đình anh chị chồng trong một căn nhà khang trang, treo đầy lồng chim và hoa phong lan bên Long Biên. Ngoài giờ đi làm, chị thích cùng bố chồng tưới hoa, cho chim ăn và nấu cơm cho cả nhà. Xuân bảo đang mong chờ “tin vui” trong năm nay. “Khi con tôi lớn, cháu có thể theo con đường thể thao của ông bà ngoại và bố mẹ hoặc bất cứ ngành nào cháu thích. Nhìn thấy con lớn mỗi ngày, với tôi đã là niềm hạnh phúc!”.
Thúy Hằng
Bình luận (0)