Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 48: Những tấm huy chương dành tặng vợ

29/03/2013 00:15 GMT+7

15 năm là VĐV bắn súng của đội tuyển quốc gia, Nguyễn Mạnh Tường mang về hơn 200 tấm huy chương vàng danh giá. Đó cũng là phần thưởng mà anh dành tặng người vợ của mình.

15 năm là VĐV bắn súng của đội tuyển quốc gia, Nguyễn Mạnh Tường mang về hơn 200 tấm huy chương vàng danh giá. Đó cũng là phần thưởng mà anh dành tặng người vợ của mình.

Thành công nhờ vợ

Nhắc đến vợ, anh Tường tự hào khoe là “Người phụ nữ biết hy sinh cho gia đình và chồng con. Nếu không có cô ấy, chắc tôi đã từ giã môn bắn súng từ lâu rồi”. Bởi trên những bước thành công của anh, đều có bóng dáng của chị. Chị Tạ Thị Nghĩa, vợ anh, cũng là cán bộ công an. Hai người quen nhau trong giải thi đấu bắn súng toàn lực lượng Công an nhân dân (CAND) rồi nảy sinh tình cảm. Trong mắt anh, chị Nghĩa là mẫu phụ nữ đằm thắm, dịu dàng và rất nữ tính. Chị có sự quyết liệt, dứt khoát trong công việc, vừa có những ứng xử linh hoạt, khéo léo trong từng tình huống - điều mà nghề nghiệp mang lại. Trong cuộc sống gia đình, chị là vợ đảm, mẹ hiền, thay chồng chăm sóc gia đình để anh theo đuổi đam mê, sự nghiệp.

 Xạ thủ Nguyễn Mạnh Tường giờ đã là HLV đội bắn súng của CAND
Xạ thủ Nguyễn Mạnh Tường giờ đã là HLV đội bắn súng của CAND - Ảnh: Thủy Triều

Cùng ngành, chị Nghĩa thấu hiểu nỗi vất vả, bận rộn của một chiến sĩ công an. Đặc biệt, khi bước chân vào làng thể thao, thì thời gian chồng chị xa nhà càng nhân lên gấp đôi, gấp ba. Năm 1993, anh trở thành thành viên đội tuyển quốc gia, vừa đảm nhận công tác ở ngành và đội bắn súng của CAND, thời gian anh dành cho tập luyện, thi đấu và công tác chiếm hơn 2/3 quỹ thời gian của anh. Do vậy, chị phải lo hết việc nhà, từ sửa điện nước, dạy con học, sắm đồ đạc… nhưng chị không kêu ca, phàn nàn hay trách cứ gì mà luôn động viên anh tập luyện, giành chiến thắng.

Anh nhớ lại quãng thời gian dài, cứ sáng sáng đi làm, vợ anh lại đạp xe đưa cơm cho chồng, chiều lại mang quần áo về giặt giũ cho anh tập luyện. Tối đến, chị dạy con học, còn anh thì làm việc ở cơ quan… “Có lần, tôi tham dự Đại hội thể thao Á Phi lần thứ nhất tổ chức ở Ấn Độ năm 2003. Đây là giải hội tụ những gương mặt VĐV đấu súng giỏi nhất nhì của các quốc gia châu Á, châu Phi về tranh tài. Chuyến đi đó, tôi đi một mình phải mất ba chuyến bay mới đến nơi. Hồi đó chưa có điện thoại, tôi muốn gọi điện về nhà cũng rất khó. Tôi phải nhờ một vị trọng tài liên lạc về đơn vị và gia đình. Tám ngày liền, cảm giác cô đơn, nhớ nhà bám víu khiến tôi chỉ mong thi đấu nhanh để về nước. May là tôi giành được 1 huy chương vàng cá nhân về làm quà cho gia đình và đất nước”, anh Tường nhớ lại.

Tâm lý luôn mấu chốt

Hơn 15 năm gắn bó với vai trò là VĐV đội tuyển quốc gia, trở thành anh cả trong đội tuyển bắn súng nước nhà, mang về một bảng thành tích “vàng” dày đặc huy chương, nhưng ngoài đời, Nguyễn Mạnh Tường là một người rất khiêm tốn. Anh chỉ coi đó như những giá trị mà mình đã phấn đấu cho sự nghiệp. Năm 2004, anh vừa là huấn luyện viên (HLV) vừa tham gia thi đấu cho đội tuyển quốc gia. Mùa SEA Games 2005 là điểm dừng chân của anh để anh chuyên tâm với công tác huấn luyện.

Ở cương vị là HLV, anh Tường luôn quan tâm đến trạng thái tâm lý của các VĐV. Anh bảo trạng thái tâm lý khi thi đấu quyết định 50% chiến thắng, do đó làm thế nào để giữ cân bằng và ổn định tâm lý trong sân tập cũng như khi thi đấu là điều vô cùng quan trọng, sau đó mới đến các yếu tố khác như sự khéo léo ở bàn tay, xử trí tình huống linh hoạt… “Có VĐV khi tập luyện rất tốt, nhưng khi thi đấu đều bị ảnh hưởng tâm lý. Tập luyện để giúp cân bằng trạng thái tâm lý là rất khó và đòi hỏi lâu dài, lặp lại thường xuyên. Tôi thi đấu rất nhiều giải trong và ngoài nước nhưng cũng không dám chắc là không mắc phải sai lầm bao giờ”. Nhưng trước những sự cố mà anh gặp phải như gãy lò xo hộp tiếp đạn (mùa SEA Games 2005)…, cựu VĐV này vẫn là đỉnh cao trong việc chế ngự cảm xúc và ứng biến trước tình huống xấu trên sàn đấu.

Khi các VĐV tập luyện, anh thường ngồi sau để quan sát. Với những lỗi sai thể hiện trên mặt bia, anh phán đoán luôn lỗi ngay trong suy nghĩ của VĐV. “Điều đó không dễ nhưng với HLV chuyên nghiệp thì phải nắm được lỗi trong ý nghĩ của học trò để phân tích”. Sau mỗi giải thi đấu, anh kéo các VĐV của mình đi bộ, đi chơi, ăn uống hay mua sắm, nói chuyện vui để giải tỏa tâm lý.

Hiện nay, đội bắn súng của CAND có 3 VĐV đang thi đấu cho đội tuyển quốc gia Việt Nam. Trong đó, có gương mặt tiềm năng Nguyễn Thu Vân đã mang về cho đoàn thể thao Việt Nam huy chương vàng danh giá tại SEA Games 26. Thu Vân vẫn thường xuyên về đoàn để xin lời khuyên của HLV Mạnh Tường trong quá trình tập luyện, thi đấu.

Căn nhà nhỏ của anh ở Hồ Tây vẫn ngày ngày lưu giữ những tấm huy chương trong suốt sự nghiệp bắn súng của anh. Đây là những kỷ vật vô giá mà hai vợ chồng anh luôn nâng niu, trân trọng. Hằng ngày, anh Tường vẫn đi hơn 15 cây số xuống Trung tâm thể thao CAND để huấn luyện, gieo những mầm xanh tài năng bắn súng cho đoàn thể thao nước nhà.

Nguyễn Mạnh Tường, sinh năm 1960, từng 2 lần tham dự Olympic, đoạt 2 huy chương đồng ASIAD, giành tổng cộng 15 huy chương vàng SEA Games, được bầu chọn là VĐV xuất sắc nhất SEA Games 22 và là VĐV tiêu biểu nhất VN, được nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng nhì (2004).

Thủy Triều

>> Ấn tượng Nguyễn Mạnh Tường
>> Hoàng Xuân Vinh giành HCV bắn súng châu Á
>> Cơ hội cho TDDC và bắn súng
>> Giải vô địch bắn súng Đông Nam Á mở rộng 2008: VN tiếp tục dẫn đầu
>> Bắn súng TQ có 5/15 HCV
>> Bắn súng VN được 1 suất dự Olympic 2008
>> Bắn súng vượt chỉ tiêu với 7 HCV
>> SEA Games 24: Bắn súng giành thêm 4 HCV, 4 HCĐ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.