Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 49: Nữ võ sĩ “mít ướt”

30/03/2013 03:35 GMT+7

Đằng sau những giọt nước mắt là ý chí kiên trì đã giúp Lê Thị Hồng Ngoan thống trị nội dung đối kháng cả 3 hạng cân: 65, 70 và 75 kg, mang về cho pencak silat Việt Nam HCV ở tất cả các giải đấu giai đoạn 1999 - 2009.

Đằng sau những giọt nước mắt là ý chí kiên trì đã giúp Lê Thị Hồng Ngoan thống trị nội dung đối kháng cả 3 hạng cân: 65, 70 và 75 kg, mang về cho pencak silat Việt Nam HCV ở tất cả các giải đấu giai đoạn 1999 - 2009. 

>> Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 48: Những tấm huy chương dành tặng vợ
>> Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 47: Cô gái vàng mê đi phượt
>> Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 46: Kỷ lục gia ném đĩa thành quản lý nhà ăn

Một bước đổi đời

Đến nay, Lê Thị Hồng Ngoan đã giã từ sàn đấu 3 năm nhưng người dân ở miền quê nghèo xã Bình Trung, H.Bình Sơn, Quảng Ngãi vẫn nhớ như in những tháng ngày tự hào dõi theo các trận thắng của người con gái quê hương ở đấu trường SEA Games những năm trước.

Con đường đưa Ngoan đến với pencak silat có thể nói trong một chữ “duyên”. Nhà nghèo, cha mất sớm vì bạo bệnh, mẹ Ngoan tần tảo bán buôn nuôi con ăn học. Tháng 12.1997, bạn của mẹ Ngoan là võ sư dạy vovinam phong trào ở H.Núi Thành (Quảng Nam) đến nhà chơi, lúc này Ngoan vừa kết thúc học kỳ một năm lớp 9 nhưng đã cao 1,65 m, nặng 53 kg. Thấy thể trạng Ngoan có tố chất thể thao, ông hỏi Ngoan có thích võ thuật không, Ngoan trả lời lí nhí “dạ có”. Vậy là Ngoan được giới thiệu với thầy Nguyễn Hồng Anh, đội tuyển pencak silat Trường năng khiếu nghiệp vụ Quảng Nam. Đầu năm 1998, Ngoan khăn gói ra Tam Kỳ, cách nhà gần 70 cây số để vừa học văn hóa, vừa học võ.

Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 49: Nữ võ sĩ “mít ướt”
Lê Thị Hồng Ngoan truyền lửa cho các học trò - Ảnh: Nhân vật cung cấp

“Hồi đó mình mới lớn nên mít ướt lắm, lần đầu đi xa, nhớ nhà, khóc rất nhiều, thời gian đầu tập luyện cũng chưa có chế độ, nhiều buổi tập xong đói lả không có tiền ăn, tủi thân, lại khóc, may mà có thầy Hồng Anh cưu mang, cho ăn ở nhà thầy lại tạo điều kiện cho đi học” - Ngoan kể.

Nhưng đó chưa phải là khó khăn lớn nhất, khác với những VĐV năng khiếu đã có nền tảng, Ngoan chưa từng chơi thể thao trước khi đến với pencak silat nên cô làm quen với môn võ này rất khó khăn. Lúc này Ngoan đã cao phổng phao, xương cốt đã cứng nên phải tập gấp đôi, gấp ba VĐV khác. “Tập được một thời gian thì mình có phụ cấp, nhiều lúc tập khó quá cũng nản, muốn bỏ nhưng nghĩ hằng tháng tiết kiệm được ba bốn trăm ngàn đồng gửi về giúp mẹ, mình lại quyết tâm hơn” - Ngoan nhớ lại.

Đấu trường đầu tiên của Ngoan là giải vô địch pencak silat quốc gia năm 1998 tại Hải Dương. Với mục tiêu chỉ là cọ xát ở hạng cân 63 kg, không ngờ Ngoan giành được HCĐ và suýt vào chung kết sau khi thua sát nút 2-3 ở trận bán kết. Ngoan kể, ngay sau khi kết thúc trận đấu, cô nhảy tàu về lại Quảng Nam để thi tốt nghiệp THCS nhưng lại rớt, cùng với nỗi uất ức khi kết quả trận bán kết không rõ ràng khiến cô võ sĩ tuổi 15 ngày đó khóc sướt mướt.

 

Lê Thị Hồng Ngoan sinh năm 1983, 9 lần vô địch quốc gia môn pencak silat, 3 lần HCV SEA Games 2003, 2007, 2009, 3 lần vô địch thế giới 2002, 2004, 2007, vô địch châu Á 2003, vô địch Đại hội võ thuật châu Á lần 1 (2009) tại Thái Lan, vô địch Indoor Games lần 3 tại Việt Nam, 3 lần được trao Huân chương Lao động hạng ba vào các năm 2002, 2007, 2009, một trong 9 gương mặt trẻ điển hình toàn quốc năm 2009.

Thế rồi chiếc HCB tại giải vô địch toàn quốc năm 1999 ở Thanh Hóa chính là tấm vé đưa Ngoan vào đội tuyển quốc gia và chỉ một năm sau đó, Ngoan là thành viên trẻ nhất đội xuất sắc giành HCĐ tại giải vô địch thế giới ở Indonesia.

Tại giải này, một lần nữa cô võ sĩ mít ướt lại khóc vì không phục sau trận bán kết thua võ sĩ chủ nhà Indonesia. “Nhưng đó cũng là lần cuối cùng mình “mít ướt” trong thi đấu, mình nghiệm ra là bản thân phải cố gắng hơn nữa, phải thắng áp đảo đối thủ với tỷ lệ 7/3, 8/2 thì trọng tài không có lý do để xử ép mình nữa” - Ngoan cho biết. 

Từ giã ở đỉnh cao

Từ đó, Ngoan chuyển sang tập cùng các võ sĩ nam với cường độ gấp đôi, gấp ba trước kia và bắt đầu hành trình bất bại ở các giải đấu khu vực và thế giới cả 3 hạng cân từ 60 đến 75 kg. Vậy mà năm 2010, khi 27 tuổi, lứa tuổi vẫn còn thi đấu đỉnh cao vài năm nữa và hạng cân của Ngoan chưa có người thay thế xứng đáng, cô lại quyết định giã từ sự nghiệp. Ngoan chia sẻ: “Khi đó mình đã có tất cả các danh hiệu, huy chương rồi, mình nghĩ khi đã ở đỉnh cao thì khó có thể tiến lên được nữa nên mình muốn dành thời gian cho gia đình và đầu tư cho sự nghiệp huấn luyện, một lĩnh vực cũng khó khăn không kém”.

Sau đó, Ngoan về làm trợ lý huấn luyện cho Trung tâm huấn luyện đào tạo VĐV Đà Nẵng. Đến khi lấy bằng Đại học TDTT Bắc Ninh, tháng 3.2013, Ngoan được giao huấn luyện đội trẻ tại Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Đà Nẵng (Trung tâm 3). Ngoan có mong ước lớn nhất là khu vực miền Trung thường xuyên có những giải đấu pencak silat phong trào để tìm hạt giống đào tạo.

“Ngày 2 buổi sáng chiều cho các em tập luyện, được dịp truyền đạt lại tất cả những kinh nghiệm, mưu mẹo thi đấu, mình cũng đỡ nhớ nghề, quan trọng nhất là mình muốn truyền tinh thần chịu khó luyện tập, truyền “lửa”, ý chí thi đấu cho các em để nung nấu hy vọng tiến xa ở các sàn đấu thế giới” - Ngoan nói.

Ngoài giờ huấn luyện, Ngoan còn quán xuyến công việc cửa hàng bán điện thoại di động của mình ở 176 Hoàng Diệu, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng, một lĩnh vực mà nữ võ sĩ cũng đang muốn thử sức.

Nguyễn Tú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.