Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 5: Cao Ngọc Phương Trinh và học trò đai trắng

01/02/2013 03:10 GMT+7

Từng thống trị hạng cân dưới (-) 48 kg của judo Đông Nam Á, nay “cô gái vàng” Cao Ngọc Phương Trinh tiếp tục truyền ngọn lửa đam mê của mình cho các em học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM).

Từng thống trị hạng cân dưới (-) 48 kg của judo Đông Nam Á, nay “cô gái vàng” Cao Ngọc Phương Trinh tiếp tục truyền ngọn lửa đam mê của mình cho các em học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM).

Nhắc đến thể thao Việt Nam giai đoạn vừa trở lại đấu trường quốc tế, không ai không nhớ đến Cao Ngọc Phương Trinh. Thời điểm ấy, số huy chương khu vực của nước ta vẫn còn khá khiêm tốn, Phương Trinh đã làm “một hơi” 3 HCV liên tiếp ở SEA Games 16, 17, 18. Nếu không vì chấn thương, có lẽ ngôi vô địch SEA Games 19 khó lọt khỏi tay chị. Nghỉ thi đấu, chị trở thành HLV và từng góp công lớn đào tạo một lứa VĐV tài năng cho judo TP.HCM, với nhiều thành tích quốc gia lẫn quốc tế như Nguyễn Duy Hải, Nguyễn Kính Đức, Nguyễn Khánh Vân...

 Phương Trinh luôn tận tâm uốn nắn kỹ thuật cho học trò
Phương Trinh luôn tận tâm uốn nắn kỹ thuật cho học trò - Ảnh: Lan Chi

Từ hơn 6 năm nay, chị rời thể thao đỉnh cao để chuyên tâm cho thể thao học đường.

Nghiệp gõ đầu trẻ

Có thăm võ đường của Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai mới thấy, “cô gái vàng” không hề thay đổi. Ốm hơn thời còn là VĐV, thể lực cũng giảm sút do đã bước sang tuổi tứ tuần nhưng Cao Ngọc Phương Trinh vẫn thế, luôn “cháy” hết mình cho công việc.

Hôm PV Thanh Niên đến, chị đang dạy lớp dành cho đai trắng, hầu hết là những võ sinh mới nhập môn. Nhìn Phương Trinh thị phạm, có thể thấy chị vẫn là một trong những “kỹ thuật gia” hàng đầu của judo Việt Nam: ra đòn nhanh gọn, đẹp mắt, giảng giải rõ ràng, chi tiết và rất có phương pháp sư phạm. Học trò đai trắng của chị chỉ tập võ để vui khỏe là chính, trình độ chắc chắn khác xa các VĐV chuyên nghiệp nên hay... đánh sai. Các em sai tới đâu, chị kiên nhẫn chỉnh lại từng chút một. Có thể dễ dàng nhận ra, Phương Trinh rất để ý rèn giũa các kỹ thuật căn bản cho học trò. Như vậy, chị cho biết, các em mới có nền tảng vững vàng để phát triển khi lên đến trình độ cao.

Năm vừa qua, Cao Ngọc Phương Trinh có 2 niềm vui: lên lục đẳng và lấy bằng thạc sĩ về giáo dục học, chuyên ngành giáo dục thể chất. Đặc biệt, luận văn tốt nghiệp của chị được hội đồng chấm 9,5 điểm, thuộc hàng “top” của khóa. Không chỉ học trong giảng đường, những khi rảnh rỗi, Phương Trinh lại mở băng đĩa, sách báo về judo ra nghiên cứu, cập nhật thông tin. Hỏi chị sao chăm chỉ chuyện đèn sách đến vậy, Phương Trinh cười tươi: “Thể thao thế giới tiến bộ từng ngày, mình không học sẽ trở thành lạc hậu. Với lại, học trò bây giờ giỏi lắm, lại có nhiều điều kiện tiếp cận thông tin nên giảng giải phải có “căn cơ”, bài bản, các em mới tâm phục khẩu phục”. Mà học trò của chị học hành ngon lành thật. Điển hình là bộ đôi Lan Linh - Vân Anh, HCB SEA Games 25 nội dung kata (quyền) judo. Khi còn học ở Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, cả hai nổi tiếng với thành tích học “9 phẩy”. Lan Linh hiện du học ở Mỹ còn Vân Anh là sinh viên Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

Đi một ngày đàng

Những năm qua, nhờ được Ban Giám hiệu Trường Nguyễn Thị Minh Khai ủng hộ, Phương Trinh có nhiều dịp đến các cường quốc về judo thế giới như Nhật Bản, Pháp để giao lưu, học hỏi. Gần đây, chị còn được mời làm giám khảo tại giải Kata Judo thế giới ở Frankfurt (Đức) và giải Kata Judo châu Á ở Bangkok (Thái Lan). Với Phương Trinh, mỗi chuyến đi là một cơ hội để thu thập kiến thức, kinh nghiệm cực kỳ quý báu. Nghe võ sinh “lò” Nguyễn Thị Minh Khai kể, lần nào đưa các em sang Nhật tập huấn, cô Trinh cũng tập... nhiều hơn cả học trò. Ngoài giờ tập chung, vị “sư phụ” này còn học thêm các khóa về quyền thuật, rồi đăng ký thi lên đẳng của Kodokan, tổ đường môn judo ở Tokyo.

Mắt thấy tai nghe và đích thân “lăn lộn” tại sân tập nhiều nước, Phương Trinh chia sẻ: “Các huấn luyện viên Nhật, Pháp không bao giờ dạy judo theo kiểu “mì ăn liền”. Nguyên tắc của họ là nền vững để nhà cao, chậm mà chắc. Chẳng hạn, các em thiếu nhi chỉ được dạy kỹ thuật theo kiểu “truyền thống” nhất, cơ bản nhất. Việc thi lên đai ở những cấp bậc thấp cũng khá dễ dãi, nhưng càng lên cao càng siết chặt. Chính vì vậy, võ sinh dưới đai đen của Việt Nam mà đấu với các bạn đồng cấp ở Pháp, Nhật vẫn có thể giành chiến thắng nhờ biết nhiều “chiêu trò” hơn. Nhưng ở trình độ chuyên nghiệp, trong khi người ta giành huy chương Olympic, thế giới “lia chia” thì mình bói mãi chẳng ra chiếc nào”.

Chị nói thêm, ở Nhật, có nhiều thầy 60, 70 tuổi vẫn lên sân tập đều đặn, vẫn đổ mồ hôi đấu luyện với học trò. Còn ở Pháp, tới giải đấu lớn của thế giới, các danh sư mang đai 7, 8 đẳng thỉnh thoảng được liên đoàn huy động làm người... quay phim. Họ vui vẻ làm, không chút tự ái. Nhưng nhờ được các “cao thủ” quay phim và phân tích băng ghi hình mà các tuyển thủ quốc gia Pháp luôn được chuẩn bị sẵn sàng trước lúc lâm trận. “Với những người thầy có tâm và có tầm như thế, judo của họ mạnh là phải”, Phương Trinh kết luận. Đây cũng chính là đỉnh cao mới mà “cô gái vàng” một thời của Việt Nam luôn nỗ lực học hỏi và hướng đến.

Thành tích của Cao Ngọc Phương Trinh (sinh năm 1972) ở hạng cân 48 kg judo: HCV SEA Games 16,17,18; 2 lần vô địch Đông Nam Á;HCĐ Đại hội thể thao các nước nói tiếng Pháp;vô địch quóc gia từ năm 1990-1997.

Nguyễn Ngọc Lan Chi

>> Tổng thống Nga Putin được phong đai bát đẳng judo
>> Teddy Riner, niềm tự hào của judo Pháp
>> Người hùng judo Nhật Bản bị bắt
>> Judo vượt chỉ tiêu
>> Judo hoàn thành chỉ tiêu
>> Văn Ngọc Tú thua sốc, Ngân Giang giành HCV đầu tiên cho judo
>> Judo VN giảm chỉ tiêu xuống còn 3 - 5 HCV

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.