Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 52: Ma ma tổng quản

02/04/2013 03:15 GMT+7

Cựu VĐV - HLV taekwondo Trương Tuấn Vũ không dành trọn vẹn thời gian cho cuộc chuyện trò bởi những cú điện thoại, những công văn không có anh thì không xong... Anh bảo tôi, cô đã tin biệt danh này chưa?

Cựu VĐV - HLV taekwondo Trương Tuấn Vũ không dành trọn vẹn thời gian cho cuộc chuyện trò bởi những cú điện thoại, những công văn không có anh thì không xong... Anh bảo tôi, cô đã tin biệt danh này chưa?

Vì sao có biệt danh ?

Gắn bó với taekwondo từ năm đầu tiên bộ môn có mặt ở Hà Nội (năm 1988), Vũ sớm nổi danh khi ở hạng cân sở trường (58 kg) khó có một đối thủ nào qua mặt được anh. Năm 1989, một mình anh hạ gục hàng chục võ sĩ khác ở Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức, giành vé vào thi giải TP.HCM mở rộng (bấy giờ chưa có giải toàn quốc). Võ sĩ mặc áo giáp tre, đấm vào thì kêu bồm bộp và đau vô cùng, nhưng tinh thần thể thao cho Vũ sức khỏe lạ lùng. Vũ còn nhớ như in, năm 1990, để tham gia giải đấu toàn quốc ở hạng cân sở trường, anh và 2 đồng môn phải đi xông hơi ở một phòng mát xa của một người thầy. “Nóng như lò bát quái. Cứ thò đầu ra, thầy Nguyễn Hồng Sơn lại ấn vào, “Ráng lên con! Ráng lên con”, cả ngày chúng tôi được vài giọt nước cam. Sau một ngày tôi từ 61 kg xuống còn 54 kg”, giọng của Vũ sinh động đến mức tôi cảm giác anh mới đi ép cân ngày hôm qua thôi.

3 mùa giải SEA Games có duyên với HCB nhiều hơn vàng, Vũ bảo số mình nó run rủi, người ta thẳng tiến là đến nơi, mình cứ phải chạy đường vòng rồi cán đích. Anh nhớ nhất kỳ SEA Games 1993 tại Indonesia, bị xử thua trước đối thủ Malaysia trong trận chung kết, ngay ngày hôm sau trọng tài đã gặp Vũ để xin lỗi nhưng kết quả không thể thay đổi. Năm 1998, Vũ được gọi vào làm HLV, cùng Hồ Anh Tuấn dẫn dắt các VĐV taekwondo đội tuyển.

Thầy Tuấn phụ trách chuyên môn, Vũ quán xuyến những gì sau sàn đấu từ việc học văn hóa của VĐV, những bữa ăn đủ chất, viên thuốc chữa đau bụng, chiếc áo phông làm quà tặng cho đến cả làm “anh bồ câu” gỡ rối tơ lòng cho một anh chàng VĐV trót thầm thương trộm nhớ một cô gái đến mức không buồn ra sàn tập... Anh bảo, huấn luyện kỹ thuật cho các trò cách đánh thắng đối phương có thể đọc trong sách, nhưng làm thầy tâm lý thì anh phải học cả đời. Cũng từ những năm tháng này, biệt danh “ma ma tổng quản” đến với Vũ. Đồng nghiệp, học trò, bạn bè hễ thấy anh lại nhí nhéo, ma ma ơi. Thảng hoặc, thầy Tuấn hoặc ai đó bị túm giữa đường và câu hỏi quen thuộc sẽ là “có thấy ma ma Vũ đâu không?”.

Trương Tuấn Vũ và Hồ Anh Tuấn phối hợp với nhau ăn ý đến mức khi Vũ bị gọi sang phụ trách đội tuyển cầu lông ở Trung tâm thể thao CAND (Bộ Công an), Hồ Anh Tuấn buồn bã, “Vũ đi rồi khác gì chặt tay Tuấn đi?”. Hai người từng chạy vạy khắp nơi xin tài trợ, mua áo phông đồng phục cho VĐV, thưởng động viên cho những VĐV được thi đấu vòng loại châu Á, vòng loại Olympic.

“Bạn thân Vũ ơi !”

Đừng ngạc nhiên khi một ngày, bước vào ngôi nhà xanh biêng biếc hoa và cây của Trương Tuấn Vũ ở ngõ Thổ Quan (Q.Đống Đa, Hà Nội), bạn nghe thấy 2 cậu con trai vỗ vai Vũ và cất tiếng gọi trìu mến ấy. Vũ bảo mình tuổi Tý (sinh năm 1972), sự nghiệp có thể thăng trầm nhưng gia đình là niềm tự hào, tài sản quý giá nhất của anh. Vũ có hai con trai, cậu cả lớp 9, cao xấp xỉ 1 m 70 và nặng 90 kg, cậu út học lớp 4 cũng hứa hẹn vóc dáng “mi nhon” như thế.

Tuy nhiên, không giống bố, hai con trai anh không thích bất cứ môn thể thao gì. Hai cậu có thể ngồi xem bóng đá với bố nhưng bàn thắng của đội nào cũng khiến chúng vui. Sở thích đặc biệt có thể là nuôi chó. Vũ mang một con chó lai Phú Quốc về nuôi, năm nay con chó đã già và càng dữ dằn hơn, Vũ có ý định cho đi thì hai cu cậu mếu máo “Bố mà cho nó đi, con không gọi bố là bố nữa”.

Vợ Vũ nội trợ, chăm sóc ông bà ngoại đang sống cùng gia đình. Người ngoài thì bảo vợ Vũ là một thiên tài... cân bằng. Cái gì vào tay chị cũng hóa nhẹ nhõm như không. Học trò của Vũ biết tin sắp được về ăn cơm vợ thầy Vũ nấu thì nhịn trước có khi cả ngày để đánh chén cho thỏa thích những món khoái khẩu. Vũ cười hớn hở khi bảo cứ nhìn thấy cái cổng nhà, là biết vị trí “ma ma tổng quản” của mình tạm thời nhường cho vợ.

Vũ một mực bảo với tôi, anh không hề phật ý khi các con không đi theo con đường thể thao của cha. “Trước đây tôi gắn bó với taekwondo cũng là trái ý cả họ hàng. Nhưng tôi đam mê và vẫn thành công. Tôi muốn các con tự đi vững bằng bàn chân của mình”, Vũ thành thật. Người bố của hai cậu con trai bảo, anh có thể là một người thầy tồi, nhưng không thể là một người bố tồi. Anh trò chuyện với các con về đủ các vấn đề tâm lý, sinh lý. Anh bảo các con không được ngại, “bố với ông nội lạc hậu không làm bạn thân với nhau, nhưng ba chúng ta hiện đại, phải chia sẻ thành thật với nhau chứ!”.

Sang phụ trách đội tuyển cầu lông, công việc kém đi phần sôi nổi, mạnh mẽ của võ thuật nhưng anh bảo đã nhận công việc gì thì luôn phấn đấu để làm tốt nhất. “Điều nổi bật, cực kỳ đáng lưu ý trong năm vừa qua là đội tuyển cầu lông tôi phụ trách không được bất cứ một giải gì!”, Vũ cười sảng khoái. Anh bảo, chẳng buồn phiền gì đâu, anh tin đây là khởi đầu, Trương Tuấn Vũ ma ma tổng quản đã vào cuộc, chắc chắn người ta sẽ không thể quên tên anh và đội tuyển!

Trương Tuấn Vũ sinh năm 1972, từng đoạt HCB tại SEA Games 17, 18; HCĐ SEA Games 19. HCĐ châu Á năm 1994; HCB giải vô địch Đông Nam Á năm 1996. Đoạt 2 HCV tại giải các nước nói tiếng Pháp và giải quốc tế Samsung đều năm 1997, 4 lần được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Thúy Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.