Chiếc phong bì lật mở, tờ giấy ố vàng hiển hiện những nét chữ run rẩy “con cố gắng ăn uống đều đặn, luyện tập, thi đấu tốt...”. Lá thư bố Lan Anh viết cho con gái giữa cơn nguy kịch đến nay được chị giữ như một báu vật.
Ở hai đầu nỗi nhớ
Đó là năm VĐV điền kinh Nguyễn Lan Anh 15 tuổi, đang đi tập huấn ở Trung Quốc. Bố ở nhà bị tiểu đường rất nguy kịch nhưng cấm không ai cho Lan Anh biết tin, để chị yên tâm học. Một đêm, dây thực quản của bố bị đứt, máu tuôn xối xả không thể nào cầm được từ sáng đến chiều tối. Mọi người đã sẵn sàng tâm lý trước tin dữ. Giữa đêm, bố Lan Anh vẫn thều thào gọi con trai cả ra, bảo đưa cho bố tờ giấy, cây bút. Bố vừa thở hắt da vừa run rẩy những con chữ nguệch ngoạc dặn dò Lan Anh. Lan Anh nhận thư bố, chỉ thắc mắc tại sao chữ lần này ẩu quá mà không hề biết rằng bố đã vượt qua ranh giới của sự sống và cái chết, gửi lại tình yêu cho con gái bằng vài dòng ngắn ngủi. Số phận vẫn cho Lan Anh còn bố đến 10 năm sau. Cô vẫn còn nhớ 3 tháng sau khi nhận được thư thì về Việt Nam, thấy tóc bố bạc trắng, mặt mày hốc hác thì ôm bố khóc nức nở, dỗ thế nào cũng không nín.
Nguyễn Lan Anh đến với điền kinh năm 11 tuổi. Cô bé lớp 6 trường làng học giỏi thể dục nổi tiếng được bố yêu chiều, kể cả giấc mơ được vào đội tuyển điền kinh huyện thi đấu. Bố bảo con gái có thể làm bất cứ điều gì con muốn. Bạn bè chạy 1 vòng sân trường đã thở hổn hển, riêng Lan Anh bao giờ cũng phải chạy 5-7 vòng mới “đã” chân. Thi đấu cấp trường, cấp xã đều giành vị trí quán quân, Lan Anh được tuyển thẳng vào đội tuyển điền kinh của huyện. Tiếng thơm đồn xa, năm 1998, đội tuyển điền kinh Hà Nội có mặt Lan Anh. Khăn gói quả mướp lên khu Quần Ngựa sống cùng các bạn, về thăm nhà lần nào Lan Anh cũng có bố đón tận đầu làng. Ngày con đi, thấy bóng cô con gái đạp chiếc xe cà tàng mất hút, bố mới quay về.
|
Chưa bao giờ ngã
Trong suốt 10 năm gắn bó với điền kinh, Lan Anh tự hào bảo cô chưa bao giờ ngã. Cô bé thông minh từ những ngày mới đi tập huấn ở nước ngoài đã để ý cách các VĐV khởi động, kết thúc bài chạy. Trước mỗi giải đấu lớn không thể tránh khỏi những áp lực nặng nề, Lan Anh vượt qua cảm giác ấy bằng cách khởi động thật kỹ, đứng trước vạch xuất phát, cô nhún nhảy, hai tay vỗ mạnh vào đùi và hứng chí hét lên. Đó là cách cô đẩy hết những nỗi lo lắng ra ngoài cơ thể, để cứ thế băng băng trên đường chạy. Nói Lan Anh không biết mệt thì không hẳn, có điều, cô luôn biết cách vượt qua “cực điểm” của chính mình. Nhiều lần làm được thì không bao giờ biết bỏ cuộc. Điều này cô học được từ các thầy giáo nước ngoài. Nhiều buổi, cảm giác mình sắp vụn ra từng mảnh, ngoài biên, thầy giáo vẫn vỗ tay gấp gáp “Không được dừng lại! Không được dừng lại”, Lan Anh vừa chạy vừa nức nở khóc. Mệt. Đau. Bức thư của bố càng vẫy gọi trong tâm trí chị. Lan Anh không ngã.
Trước SEA Games 22, Lan Anh suýt không được đi thi đấu vì ban huấn luyện tính đến 2 gương mặt khác. Thầy Hoàng Vĩnh Giang thì một mực khẳng định cô bé này sẽ mang được HCV về. Và Lan Anh làm được thật. Không những thế, cô còn phá kỷ lục SEA Games ở nội dung 1.500 m nữ, bỏ xa VĐV Phạm Đình Khánh Đoan gần 60 m. Thế nhưng chấn thương bất ngờ ập đến đầu năm 2004 khi cô bị vỡ sụn chêm và đứt dây chằng gối trái dù đã phẫu thuật nhưng không thể quay lại đường chạy. Giã từ đường đua vừa tròn 20 tuổi, Lan Anh đi học tại chức, sau đó trở thành HLV tuyển trẻ điền kinh Hà Nội từ năm 2005. Công việc chuyên môn khiến cô mắc bệnh nghề nghiệp, đang đi chợ mua rau hay đi ăn tiệc nhà hàng, thấy một cô bé chân dài, khỏe khoắn, Lan Anh cũng vẫy lại, thân mật: “Cháu có thích thành VĐV không? Cháu có thích đi chạy không? Hôm nào cô cháu mình cũng đi chạy nhé?”. Học trò nhút nhát, tưởng bị Lan Anh... lừa, vội vàng chạy mất. Có cháu hào hứng chạy thử cho Lan Anh xem, tuy nhiên dáng chạy của các em người thì lết chân, người thì tụt hông. Tìm được VĐV tốt không phải ngày một ngày hai, Lan Anh sẵn sàng đi khắp các tỉnh thành gom quân cho Hà Nội, chỉ cần nghe phong thanh ở đó có học trò chạy giỏi.
Con trai Lan Anh năm nay 6 tuổi, con gái 1 tuổi rưỡi nhưng cả hai đã sớm bộc lộ tư chất “con nhà nòi” (chồng Lan Anh đang là giảng viên ĐH Sư phạm TDTT Hà Nội). Chúng có thể chạy lon ton trên đường chạy của các VĐV trong cơ quan bố nửa ngày không chán, đặc biệt bé trai có thể chạy liền mạch 2 vòng trên đường 400 m. Gia đình có điều kiện thì người bố hết mực yêu thương của Lan Anh vĩnh viễn ra đi. Lan Anh khóc cho cả phần hai cháu ngoại nhớ thương ông. Một ngày chị sẽ cho lũ trẻ đọc lá thư, kỷ vật mà bố chị dạy các con cách làm người...
Nguyễn Lan Anh sinh năm 1985 tại Hà Nội, HCV SEA Games 22 ở nội dung chạy 1.500 m nữ với thành tích 4 phút 19 giây 46, phá kỷ lục SEA Games (kỷ lục cũ là 4 phút 21 giây 50), đạt danh hiệu VĐV tiêu biểu toàn quốc, Huy chương Tuổi trẻ sáng tạo, được Chính phủ trao tặng Huân chương Lao động hạng ba năm 2003. |
Thúy Hằng
Bình luận (0)