Tay đua Việt Nam duy nhất đoạt ngôi vô địch xe đạp châu Á Trương Quốc Thắng vẫn bám lấy niềm đam mê xe đạp dẫu cuộc sống đầy nỗi nhọc nhằn.
Chiến thắng trên đất Trung Quốc
Ngồi nói chuyện với tôi, Trương Quốc Thắng bồi hồi nhớ lại sự kiện mình đoạt tấm HCV xe đạp đường trường tại giải vô địch châu Á năm 2000 diễn ra tại Thượng Hải (Trung Quốc). Khi đó Thắng mới 20 tuổi, độ tuổi vẫn được xem là trẻ với môn xe đạp. Thắng kể ngày đó dù là tay đua số 1 Việt Nam nhưng anh vẫn không là gì trong mắt các cua rơ của Kazakhstan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mông Cổ... Chính vì vậy khi Thắng bứt đi cùng 2 tay đua của Mông Cổ, Kazakhstan, các cua rơ này vẫn không thèm để ý đến sự hiện diện của anh. “Khi cách đích 5 km, tôi thấy 2 tay đua trên trò chuyện cùng nhau nhưng mình không hiểu họ nói gì. Ngay sau đó 2 tay đua này thay nhau tăng tốc khiến tôi phải đeo bám đến ngạt thở. Cách đích 300 m, 2 tay đua này bắt đầu kèm cặp nhau để tranh giành ngôi vô địch. Dù rất mệt khi phải đeo bám họ nhưng thấy đích phía trước, tôi nhấn bàn đạp qua mặt 2 tay đua này lao về cán đích đầu tiên trong sự bất ngờ của họ”, Trương Quốc Thắng nhớ lại. Chính cú qua mặt “lấy vàng” đầy bất ngờ của Thắng khiến tay đua Mông Cổ nay là HLV tuyển Mông Cổ giận “tím mặt”. Tay đua này đã cầm xe quẳng ra đường để trách chính bản thân mình tội “khinh thường” đối thủ.
|
Chiến thắng trên đất Trung Quốc của Trương Quốc Thắng khiến cả làng xe đạp châu Á giật mình bởi chưa từng có tay đua VN đoạt được HCV châu Á. HLV tuyển Nhật Bản còn tìm đến lãnh đội VN đề nghị được mời Thắng sang Nhật thi đấu. Thắng nhớ lại ngay sau khi giành HCV, trở về khách sạn anh gọi điện báo tin vui cho mẹ và mẹ mình cứ hỏi đi hỏi lại là có thật hay không. Ngay cả các quan chức ngành TDTT cũng ngạc nhiên với chiến tích này và cho rằng chắc có sự nhầm lẫn nào đó. “Nhiều người vẫn bán tin bán nghi về việc tôi đoạt HCV châu Á cho đến khi tôi về đến sân bay, mang huy chương ra họ mới tin”, Trương Quốc Thắng nhớ lại.
Ngôi sao không may mắn
Cùng với tấm HCV châu Á lịch sử, Trương Quốc Thắng cũng là tay đua VN giàu thành tích nhất ở đấu trường trong nước với 4 danh hiệu áo vàng chung cuộc tại Cúp xe đạp truyền hình TP.HCM, giải đấu lớn nhất nước. Tuy nhiên tay đua này lại gặp không ít lận đận.
Căn bệnh viêm xoang mãn tính ập đến vào năm 2007 khiến Thắng quyết định gác yên. Đó là quyết định ngoài ý muốn bởi những khó khăn bậc nhất trên đường đua như tai nạn, vượt nắng, vượt mưa… anh đều trải qua nhưng đành chịu thua trước bệnh tật.
Ngày còn ở đỉnh cao, tất cả thời gian Thắng đều dành cho xe đạp nên anh chỉ học đến lớp 11 để rồi khi giải nghệ Thắng mới giật mình nhận thấy sự bạc bẽo của nghề. Không học đến nơi đến chốn nên chẳng bằng cấp, từ ngôi sao Thắng trở thành chàng thanh niên thất nghiệp, tâm trạng chán chường buồn bực. Rất may cho anh khi có được người vợ luôn cảm thông chia sẻ. Vợ anh - Dương Thị Hải Hà cũng từng là trụ cột của CLB bóng chuyền nữ Giấy Bãi Bằng đã sát cánh động viên giúp khắc phục những khó khăn mà chồng mình đang đối mặt. Nghe lời khuyên của vợ, Thắng về nhà chữa bệnh viêm xoang kèm học nghề sửa điện thoại để kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình.
Nhưng do gien của gia đình khi “máu” xe đạp vẫn tuôn trào trong huyết quản (ba Thắng là cua rơ nổi tiếng miền Nam trước đây Trương Kim Hùng) nên Thắng không quên được đường đua. “Tôi làm gì cũng nghĩ đến xe đạp. Những ký ức đẹp trên đường đua cứ ám ảnh khiến tôi không thể ngồi yên ở nhà”, Thắng thổ lộ. Anh quyết định xin quay lại xe đạp trong vai trò tiếp tế của đội Vinamit TP.HCM chỉ vài tháng sau đó.
Trương Quốc Thắng vẫn không may mắn bởi CLB này cũng sống bấp bênh do không được đầu tư mạnh từ nhà tài trợ. Trong khi những đồng nghiệp cùng thời như Đặng Trung Hiếu, Mai Công Hiếu, Nguyễn Nam Cực có cơ hội học hành để trở thành HLV ở tuyển quốc gia, Thắng chấp nhận lui về làm HLV ở tuyến năng khiếu TP.HCM. Với mức lương “không đủ lo cho bản thân nói chi lo cho vợ con” nhưng Thắng vẫn chấp nhận bởi lẽ anh hiểu rằng mình không thể rời xe đạp, môn thể thao gian khổ nhưng đã làm nên tên tuổi của mình.
Hằng ngày, Thắng đưa các tay đua trẻ ra Q.2 tập luyện. Thời gian rảnh, anh chẳng ngại cất công đi tìm những VĐV có năng khiếu xe đạp để đưa về huấn luyện. Cựu số 1 VN mong ước xe đạp được quan tâm nhiều hơn để những HLV, VĐV không phải sống bấp bênh với nghề. Niềm vui khác của Thắng bây giờ cũng chỉ là thi đấu ở các giải phong trào và đưa vợ đi tập xe đạp để giữ sức khỏe.
Trương Quốc Thắng sinh năm 1980 tại TP.HCM. Thành tích: Vô địch châu Á năm 2000, Áo vàng Cúp xe đạp truyền hình TP.HCM năm 1997, 1998, 2001, 2002. Mới đây anh giành Áo vàng cuộc đua xe đạp phong trào vì môi trường “Về Rừng Sác anh hùng” cho độ tuổi dưới 40. |
Hoàng Quỳnh
>> Bị cấm đua xe đạp, Armstrong chuyển qua thi bơi
>> Đua xe đạp cổ động bảo vệ môi trường biển
>> Kết thúc cuộc đua xe đạp ADC Tour of Vietnam: Eximbank TP.HCM vô địch đồng đội
>> Khai mạc giải đua xe đạp Đà Nẵng mở rộng lần II
>> Đua xe đạp Cúp truyền hình TP.HCM 2012: Lê Nguyệt Minh gặp nạn
>> Giải đua xe đạp Cúp Tanimex lần 1 - 2007: Áo vàng đổi chủ
>> Việt Nam lần đầu tổ chức đua xe đạp chuyên nghiệp
>> Kết thúc cuộc đua xe đạp Về Trường Sơn: Đặng Trung Hiếu đoạt áo vàng chung cuộc
>> 17 đội tham dự Giải đua xe đạp Hội nhà báo TP.HCM Cúp Vinasun 2007
Bình luận (0)